Các dự án đồng loạt bung hàng, những động thái gỡ vướng của TP HCM bắt đầu 'ngấm' vào thị trường bất động sản?

Từ cuối năm 2022, TP HCM đã vào cuộc mạnh mẽ để tập trung gỡ vướng cho các dự án bất động sản trên địa bàn. Những ngày cuối năm 2023, thị trường này đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn đầu năm.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tính đến cuối năm 2022, đơn vị này đã gửi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 149 dự án bất động sản trên địa bàn TP HCM. 

HoREA dẫn số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, trong số 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn (bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư công), chỉ có khoảng 29% dự án đã hoàn thành.

Còn lại 703 dự án đang triển khai (chiếm 46%) và 357 dự án quá ba năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (dự án treo - chiếm khoảng 25%).

Phần lớn các dự án treo là dự án đầu tư công, do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng.

Ảnh minh hoạ: Hải Quân. 

Khi gỡ vướng dự án trở thành công việc thường xuyên

Đầu năm 2023, Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản về việc giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội nằm trong báo cáo của HoREA.

Theo đó, Sở đã có các công văn đề nghị 11 đơn vị nêu trên có văn bản gửi chủ đầu tư về giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản, đồng thời, có văn bản báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết theo biểu mẫu đính kèm, gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND thành phố.

Ngày 15/2, TP HCM đã có buổi làm việc với 19 doanh nghiệp bất động sản và các sở, ngành để phân công nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Ngày 17/2, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho hay, thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của 116 dự án, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Vài ngày sau đó, chiều 20/2, thành phố đã tổ chức buổi họp để giải quyết vướng mắc khó khăn cho 7 dự án của 6 chủ đầu tư...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, TP HCM đang tập trung giải quyết 16/36 dự án thuộc thẩm quyền. 

Cụ thể, có 5 dự án tại quận 7 là Florita, Sunriver, Q7 Boulevard, Asiana Riverside, Sunshine River City; 4 dự án ở TP Thủ Đức là khu cao tầng thuộc Khu đô thị mới Đông Tăng Long, The Metropole Thủ Thiêm, Chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, Khu nhà ở Phước Nhân.

Hai dự án ở huyện Bình Chánh là Khu đô thị Lê Minh Xuân, Khu nhà ở Tân Kiên; hai dự án tại quận 4 là Lancaster D4, The Artemis II; Moonlight Centre Point, quận Bình Tân; Kingdom 101, quận 10 và chung cư Soái Kình Lâm, quận 5.

Còn lại 20/36 dự án, UBND TP HCM đã giao các Sở ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp một. 

"Thực tế từ cuối năm 2022, thành phố đã vào cuộc, tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý chung của từng dự án, có giải pháp phối hợp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn khác nhau của các dự án. Đến nay, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản đã trở thành công việc thường xuyên của chính quyền thành phố", ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP HCM chia sẻ trong một buổi họp báo hồi tháng 7.

Grand Manhattan, một trong số những dự án được TP HCM lựa chọn gỡ vướng. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Những tín hiệu phục hồi

Trong một báo cáo hồi tháng 4, HoREA cho biết, UBND TP HCM đã xem xét và cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ. 

Đến tháng 5/2023, Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá, thị trường bất động sản TP HCM dù chưa mạnh, song đã có sự phục hồi. Thời điểm đó, nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản cũng đánh giá, thị trường bất động sản TP HCM đến tháng 5/2023 đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực nhờ các chính sách được tháo gỡ cùng động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước giúp sức cầu chung hồi phục. 

Báo cáo của Savills cho thấy, nhiều dự án bất động sản trên địa bàn của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land… đã được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Cùng với đó, hơn 81.000 căn nhà trên địa bàn thành phố thuộc các dự án của Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền, Đất Xanh… cũng được lên kế hoạch gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ.

Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ vì thủ tục; khách hàng cũng bắt đầu quay lại tìm hiểu nhiều dự án, sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp.

Những dự án được khơi thông cũng giúp thị trường TP HCM đón nhận nguồn cung nhà ở vừa túi tiền sau thời gian dài vắng bóng. Số liệu của Savills cho thấy, trong quý đầu năm, toàn bộ nguồn cung căn hộ mới của TP HCM đều thuộc phân khúc hạng C với 1.619 căn. Trong quý III, căn hộ hạng C tiếp tục chiếm 4% nguồn cung mới của TP HCM. 

Hơn 1.000 căn hộ The Priva Khang Điền đã được cho phép mở bán hồi tháng 10 vừa qua. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Các dự án đồng loạt bung hàng ngày cuối năm

 Theo đánh giá mới đây từ Batdongsan.com.vn, những ngày cuối năm, thị trường chung cư TP HCM đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn đầu năm: Các chủ đầu tư có nhiều hoạt động khởi công, mở bán, cất nóc, bàn giao; giao dịch cải thiện với những dự án đảm bảo pháp lý và có chính sách bán hàng ưu đãi; một số dự án chung cư mở bán đã đón nhận sức cầu tốt.

Cuối tháng 10, hơn 1.000 căn hộ thuộc Khu nhà ở cao tầng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Công ty con Khang Điền) làm chủ đầu tư đã đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Dự án này sau đó đã được mở bán đợt đầu vào 25/11 với mức giá chưa VAT dao động 48 - 52 triệu đồng/m2.

Sang tháng 11, có 1.690 căn hộ chung cư thuộc một phần dự án Khu dân cư Hoàng Nam (lô F - Akari Hoàng Nam, quy mô hơn 26.500 m2) đã được thông báo điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Dự án do CTCP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 1/12,  Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản thông báo đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với 322/640 căn hộ thuộc chung cư D4 tại dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ (Dream Home Riverside) tại phường 7, quận 8.

Tại quận 7, Phú Mỹ Hưng chuẩn bị mở bán chính thức dự án căn hộ cao cấp The Aurora. Dự án nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, giá dự kiến 90 – 100 triệu đồng/m2.

Tại quận Tân Phú, Gamuda Land cùng CTCP Xây dựng Hòa Bình đã làm lễ cất nóc khu căn hộ cao cấp Diamond Centery thuộc Khu đô thị Celadon City.

Tại TP Thủ Đức, một chủ đầu tư khác là Masterise Homes cũng tổ chức lễ cất nóc dự án LUMIÈRE Boulevard tại đại đô thị Grand Park...