CEO Thế Giới Di Động: Bán thịt cá, mắm muối, tương cà không dễ như mình nghĩ, xử cái khó này lòi cái khó kia

Nói với cổ đông, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết vài năm trước cũng nghĩ bán thịt cá, mắm muối, tương cà khó, nhưng không khó đến mức như khi thực hiện. Giờ cái khó đó vẫn còn, xử cái này ló cái khó kia. Tiền Bách Hóa Xanh kiếm được hiện nay chỉ vừa đủ cho chi phí cửa hàng, trung tâm phân phối…

Chiều 5/6, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Ban lãnh đạo "đế chế" bán lẻ này đã trả lời một loạt chất vấn của đông về các mô hình đang kinh doanh hiện nay, nhất là sau khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.

Bán mắm muối, tương cà không dễ như mình nghĩ

Chuỗi Bách Hóa Xanh được nhiều cổ đông quan tâm nhất tại đại hội lần này. Đây cũng là mảng kinh doanh mà ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đặt nhiều kì vọng thời gian qua. Cả Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lẫn CEO Trần Kinh Doanh từng cho biết Bách Hóa Xanh sẽ là chuỗi mang lại doanh thu tốt nhất cho tập đoàn khi điện thoại, điện máy bước vào giai đoạn bão hòa.

Tuy nhiên, với cổ đông, câu hỏi được quan tâm nhất với chuỗi này thời gian qua vẫn là khi nào Bách Hóa Xanh hòa vốn và chính thức có lời. 

Sếp Thế Giới Di Động: Bán thịt cá, mắm muối, tương cà không dễ như mình nghĩ  - Ảnh 1.

Bán mắm muối, tương cà không dễ như sếp Thế Giới Di Động nghĩ... (Ảnh: Phúc Minh).

Ông Trần Kinh Doanh cho biết tháng 3/2020, tức tháng cao điểm về hiệu ứng mua tích trữ nhu yếu phẩm vì đại dịch Covid-19, doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng đột biến, trung bình mỗi cửa hàng lên đến 1,6 tỉ đồng và chính thức có lời. Tuy nhiên, việc lời này chỉ mang tính thời vụ, nhờ may mắn. Bởi sau hiệu ứng, doanh thu trung bình của chuỗi quay về mức đã ổn định trước đó.

Thẳng thắn chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động dự báo các tháng sau, biên lãi gộp vào khoảng 25%, chi phí cửa hàng ở mức 20%, cộng với chi phí của trung tâm phân phối tối đa khoảng 6%, thì tiền kiếm được vừa đủ chi phí cửa hàng và trung tâm phân phối.

Vì vậy, chuỗi Bách Hóa Xanh chỉ có lời khi giải quyết được bài toán doanh thu và lãi gộp bắt buộc phải tăng trong thời gian tới.

Với vai trò là người phụ trách chuỗi cửa hàng thực phẩm, ông Trần Kinh Doanh cho hay kế hoạch năm 2020 là sẽ mang Bách Hóa Xanh tấn công Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa trở vào. Tập đoàn chưa có kế hoạch mở sang các tỉnh hay khu vực khác mà tập trung gia tăng số lượng tại các tỉnh đã có cửa hàng, hướng tới mục tiêu có lời trong 2021.

Song song đó, tập đoàn cũng có kế hoạch đẩy mạnh mô hình đi chợ hộ, bán hàng trực tuyến cho chuỗi Bách Hóa Xanh. Đây là mô hình mà Thế Giới Di Động vừa cho ra mắt  trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhanh chóng ghi nhận đơn hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, tương lai ra sao vẫn còn là một câu hỏi lớn.

"Vài năm trước, tôi cũng nghĩ bán thịt cá, rau, mắm muối, tương cà khó nhưng không khó đến mức như vậy. Giờ cái khó đó vẫn còn, xử cái này ló cái khó kia, nên có thể mình chậm hơn một chút để hoàn thành mục tiêu", lãnh đạo Thế Giới Di Động chia sẻ.

Chuỗi điện thoại trong nước thu hẹp, mở rộng sang Campuchia

Liên quan hai chuỗi điện thoại và điện máy, nhất là kế hoạch mở mới và chuyển đổi sau giai đoạn cách li xã hội vì Covid-19, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết mục tiêu kế hoạch mở rộng cho năm sau thường được tập đoàn lên vào tháng 10-11. Covid-19 đến bất ngờ, và hầu như thời gian qua, tập đoàn không làm gì với hai chuỗi này.

Tuy nhiên, các kế hoạch khác liên quan đến hai chuỗi như mở shop đồng hồ đã hoàn thành. Cụ thể, từ đầu tháng 5, Thế Giới Di Động đã mở rộng trở lại và vừa hoàn thành xong mục tiêu 500 cửa hàng năm nay. 

Sếp Thế Giới Di Động: Bán thịt cá, mắm muối, tương cà không dễ như mình nghĩ  - Ảnh 2.

Kinh doanh điện thoại của Thế Giới Di Động bắt đầu chững lại vì thị trường bão hoà. (Ảnh: Phúc Minh).

Dự kiến, cuối tháng 7 tới cũng sẽ hoàn thành việc trưng bày, thiết kế lại các cửa hàng Điện Máy Xanh.

Nói về thị phần đang nắm giữ và tương lai của điện thoại, điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em khẳng định Thế Giới Di Động đang chiếm 50% thị phần điện thoại và 38% thị phần điện máy.

Đặc biệt, tương lai Điện Máy Xanh vẫn còn rất nhiều cơ hội. Tương lai này được lãnh đạo nhiều lần chia sẻ với cổ đông, tham vọng có thể lên tới 60% thị phần.

Đơn cử, ông Hiểu Em cho biết ngay sau khi hết dịch, cuối tháng 4, doanh thu và lợi nhuận chuỗi này cực lớn và tháng 5 vừa qua, Điện Máy Xanh đã nhanh chóng chớp thời cơ nắng nóng để kinh doanh máy lạnh.

Và khi chuỗi điện thoại có xu hướng thu hẹp trong nước thì Thế Giới Di Động đang mở rộng tại Campuchia, dự tính trong năm nay sẽ có 50 cửa hàng Bigphone+ tại nước này. Cuối năm ngoái, hãng chính thức đặt chân vào Campuchia, tuy nhiên, sau đó lại bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Nếu thực hiện được mục tiêu 50 cửa hàng Bigphone+ trong năm 2020, Thế Giới Di Động  cũng sẽ trở thành nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất Campuchia, bỏ xa vị trí thứ hai của một doanh nghiệp đang sở hữu khoảng 10 cửa hàng.

3-4 năm nữa, Thế Giới Di Động thành tập đoàn 10 tỉ USD

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Thế Giới Di Động với doanh thu thuần hợp nhất chỉ tăng gần 8%, đạt mức 110.000 tỉ đồng so với con số 102.174 tỉ đồng đạt được của năm 2019.

Đáng chú ý, mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Thế Giới Di Động trong năm nay giảm hơn 10% so với lãi ròng thực tế năm ngoái, còn 3.450 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ đặt kế hoạch lợi nhuận thụt lùi, kể từ khi có mặt trên thị trường, lợi nhuận hãng luôn tăng trưởng rất ấn tượng qua các năm. 

Sếp Thế Giới Di Động: Bán thịt cá, mắm muối, tương cà không dễ như mình nghĩ  - Ảnh 3.

Năm 2020, kế hoạch của Thế Giới Di Động giảm sút. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Thế Giới Di Động tự đánh giá kế hoạch này là thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ toàn thể đội ngũ nhân viên của công ty.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn chung vì Covid-19 gây thiệt hại nặng nề thời gian qua, nhất là không thể đoán định trước được tương lai nên khó có thể giữ nổi được lợi nhuận tương đương năm ngoái, huống hồ là tăng trưởng.

Ông cập nhật doanh thu tháng 5 không tệ, nhưng hai tháng tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng do tổng cầu giảm. Do đó, nếu kiểm soát chi phí tốt và có phương pháp khắc phục sớm thì lợi nhuận có thể giảm ít hơn.

Riêng điện thoại trong 5 tháng đầu năm có sụt giảm, một phần do sự bão hòa của thị trường, phần khác do dịch bệnh nên gần như các hãng không ra mắt sản phẩm mới.

Nhưng ông Nguyễn Đức Tài vẫn khẳng định với cổ đông khoảng 3-4 năm nữa, Thế Giới Di Động sẽ trở thành tập đoàn 10 tỉ USD. Và tương lai chuỗi Bách Hóa Xanh có ảnh hưởng không nhỏ cho mục tiêu này.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.