TP HCM nới lỏng giãn cách, nhiều mặt bằng ở vị trí 'vàng' vẫn khó tìm khách thuê

Nhiều mặt bằng kinh doanh tại TP HCM không có khách thuê dù đã giảm giá so với giai đoạn trước dịch.

Do tình trạng giãn cách kéo dài xuyên suốt quý III tại TP HCM, phần lớn các mặt bằng phải đóng cửa ngừng hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. 

Đến đầu tháng 10, mặc dù TP HCM đã nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh trên các tuyến phố vẫn khá ảm đạm. 

Theo ghi nhận của người viết, nhiều mặt bằng kinh doanh vẫn bỏ trống, cả chủ nhà và khách thuê vẫn dè dặt cho ngày tái hoạt động.

Khảo sát trên các diễn đàn và trang mạng xã hội về bất động sản, có khá nhiều mặt bằng đã được rao cho thuê một thời gian nhưng chưa tìm được khách thuê.

Trên Batdongsan.com.vn, đã có khoảng gần 2.000 nhà mặt tiền đang rao cho thuê với đủ loại hình, từ cho thuê cửa hàng tới cho thuê nguyên căn phụ vụ nhu cầu ở kết hợp kinh doanh. 

Trên trang Rever.vn cũng có nhiều mặt bằng đang được chào thuê. Với khoảng hơn 10 triệu đồng, khách hàng cũng có thể tìm được mặt bằng cho thuê tại quận trung tâm TP HCM.

TP HCM nới lỏng giãn cách, mặt bằng cho thuê vẫn khó tìm khách - Ảnh 1.

Thông tin một mặt bằng kinh doanh diện tích 23,8 m2 tại quận 1 đang rao cho thuê với giá 13 triệu đồng/tháng. (Ảnh chụp màn hình).

Đơn cử như một mặt bằng kinh doanh diện tích gần 24 m2, vị trí "vàng" ngay khu phố Tây Bùi Viện, cách chợ Bến Thành 680 m có giá cho thuê 13 triệu đồng/tháng. 

Một mặt bằng kinh doanh khác tại quận 1, được quảng cáo với nhiều lợi thế như nằm trong khu dân cư trung tâm, gần đường Võ Văn Kiệt và Trần Hưng Đạo... được chào thuê với mức giá 16 triệu đồng/tháng cho diện tích gần 73 m2.

Theo một số môi giới, thị trường mặt bằng cho thuê TP HCM vẫn khá ảm đạm dù thành phố đã nới lỏng giãn cách. Nhiều chủ nhà thậm chí đã đưa ra những chính sách ưu đãi cho khách thuê nhưng mặt bằng vẫn bị bỏ trống. 

Báo cáo thị trường mới nhất của Savills về thị trường bất động sản quý III, phân khúc bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt tại TP HCM.

Số liệu từ Cục Thống Kê TP HCM cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại TP HCM trong quý III là 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và 71% theo năm.

Một số cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa đã khiến công suất tại khu vực này và giá chào thuê giảm 2% theo quý. 

Dự báo về bất động sản thương mại, cơ sở kinh doanh, cửa hàng quý IV, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường này sẽ hồi phục trở lại trên 50% vào ngay trong tháng 10. Tuy nhiên giá cho thuê các cơ sở bán lẻ sẽ giảm nhẹ khoảng 10%. 

Mới đây, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó các cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống trên cả nước được hoạt động bình thường với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Riêng vùng cấp 4 (vùng đỏ) có thể hoạt động hạn chế.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng trên cả nước được phép hoạt động bình thường với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. 

Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường TP HCM, vốn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, có thể sớm hồi phục trở lại.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.