Hôm thứ Năm, Qantas Airways - hãng hàng không quốc gia Úc và là hãng bay lớn thứ 11 thế giới, cho biết sẽ cắt giảm ít nhất 20% lao động, tương đương khoảng 6.000 việc làm trong thời gian tới.
Qantas Airways cũng có kế hoạch tăng vốn lên 1,3 tỉ USD như một giải pháp để chống chọi với cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Hãng hàng không quốc gia Úc cũng cho biết sẽ dừng hoạt động 100 máy bay trong tối đa 12 tháng, và có thể lâu hơn. Ngoài ra, đội tàu bày Boeing 747 của hãng cũng sẽ được cho "nghỉ hưu" sớm hơn khoảng 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Giám đốc điều hành Qantas Airways - Alan Joyce, đã công bố một kế hoạch phục hồi kéo dài 3 năm, trong đó hãng phải tốn khoảng 1 tỉ USD Úc để thực hiện. Điều này sẽ biến Qantas Airways trở thành một hãng hàng không có quy mô nhỏ hơn nhiều so với hiện tại.
Tương tự như những hãng bay khác trên thế giới, Qantas Airways đang chiến đấu để chống lại sự sụt giảm lớn về nhu cầu đi lại, sau khi các quốc gia bao gồm cả Úc, đã đóng cửa biên giới, cố gắng ngăn chặn đại dịch toàn cầu.
Giới chức Úc cho biết, nước này khó có khả năng mở cửa đón khách du lịch quốc tế năm sau. Nhưng họ sẽ xem xét các quy tắc nhập cảnh cởi mở hơn cho sinh viên và khách du lịch dài hạn.
Qantas Airways nói rằng sẽ cắt giảm ít nhất 6.000 việc làm trong tổng số 29.000 nhân viên. Trong khi đó, 15.000 nhân viên khác sẽ tạm thời được nghỉ phép, đặc biệt tại các vị trí liên quan đến hoạt động quốc tế, cho đến khi có nhiều chuyến bay trở lại.
Hãng hàng không quốc gia Úc sẽ chịu khoản phí tổn thất lên tới 1,4 tỉ USD Úc, chủ yếu liên quan đến đội tàu bay 12 chiếc Airbus A380 nằm đắp chiếu, do không chắc chắn khi nào họ mới có thể trở lại bầu trời.
Alan Joyce đã đồng ý ở lại với tư cách là Giám đốc điều hành cho đến ít nhất là tháng 6/2023, như một phần của kế hoạch tái phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tại thị trường Việt Nam, Qantas cũng đã quyết định rút khỏi liên doanh và nhường 30% cổ phần hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.
"Thị trường nội địa của Việt Nam là một nơi cạnh tranh khắc nghiệt. Năng lực khai thác bay đang tăng đến 35%", ông Gareth Evans - CEO Jetstar Group (thuộc sở hữu của Qantas) thừa nhận, đồng thời khẳng định Qantas cần thực hiện một số thay đổi.
Không chỉ Qantas Airways, trước tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, một loạt các hãng hàng không quốc gia khác trên thế giới cũng lao đao và đứng trên bờ vực phá sản.
Cuối tháng 2/2020, Chính phủ Nam Phi đã phải thông báo kế hoạch cung cấp khoản cứu trợ tài chính trị giá 16,4 tỉ Rand, tương đương 1,07 tỉ USD, nhằm vực dậy hãng hàng không quốc gia South Africa Airways đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề.
Cũng rơi vào tình trạng thua lỗ khi các tuyến bay đều bị đóng băng trước dịch COVID-19, trung tuần tháng 3, Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad cho biết nước này đang nghiên cứu xem có nên đầu tư thêm tiền, bán hay thậm chí đóng cửa hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines.
Gần đây nhất, ông lớn hàng không trong khu vực Thai Airways đã nộp đơn xin phá sản lên Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết, theo tính toán nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ, tháng 8 doanh nghiệp sẽ hết tiền.
"Ngay cả việc hành khách nội địa đang hồi phục theo hình chữ V, nhưng doanh thu vẫn sẽ giảm khoảng 50%, bối cảnh ngành hàng không cạnh tranh về giá thì hiệu quả đối với ngành vẫn không thay đổi", ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng hãng hàng không quốc gia cho hay.