Forbes: Triển vọng cạnh tranh ở Việt Nam lu mờ, Qantas rút khỏi Jetstar Pacific và nhường cuộc chơi cho Vietnam Airlines

Sau khi Qantas quyết định rút khỏi liên doanh và nhường 30% cổ phần cho Vietnam Airlines, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific sẽ quay về tên gọi cũ là Pacific Airlines và chịu sự kiểm soát của Vietnam Airlines.
Forbes: Triển vọng cạnh tranh ở Việt Nam lu mờ, Qantas rút khỏi Jetstar Pacific và nhường cuộc chơi cho Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Tàu bay của Jetstar Pacific đậu trên sân ga. (Ảnh: Getty Images)

Forbes nhận định, Qantas dường như không muốn cạnh tranh giành thị phần tại Việt Nam, nơi không phải một trung tâm trong chiến lược liên kết Australia và châu Á của tập đoàn này.

Việt Nam khác với Singapore - địa điểm mà Qantas sở hữu một hãng hàng không giá rẻ khác là Jetstar Asia. Jetstar Asia đóng vai trò kết nối với các chuyến bay mới từ Australia của Qantas, tức là theo chiến lược này, Singapore sẽ trở thành cửa ngõ của Qantas vào thị trường châu Á.

Chia sẻ với nhà đầu tư vào năm ngoái, ông Gareth Evans - CEO Jetstar Group (thuộc sở hữu của Qantas), từng nói: "Trên lí thuyết, thị trường Việt Nam đạt đủ tiêu chuẩn để vận hành một hãng hàng không". Ông Evans lần lượt liệt kê một số điểm mạnh của Việt Nam như GDP bình quân đầu người tăng 17%, Hà Nội - TP HCM là tuyến bay lớn thứ 6 thế giới,...

"Tuy nhiên, thị trường nội địa của Việt Nam là một nơi cạnh tranh khắc nghiệt. Năng lực khai thác bay đang tăng đến 35%", ông Evans thừa nhận, đồng thời khẳng định Qantas cần thực hiện một số thay đổi.

Vị CEO này nói thêm, ngay cả khi Jetstar Pacific không ghi nhận mức tăng trưởng năng lực khai thác, hãng vẫn lỗ nặng dù công bố có lợi nhuận vào năm 2018.

Các tuyến bay ngắn tại thị trường Việt Nam của Jetstar Pacific được đem so sánh với Jetstar Airways tại Australia khi đơn vị này đã có những thành công nhất định khi thực hiện các tuyến đường dài nối Australia và Việt Nam. 

"Dịch vụ chúng tôi cung cấp dưới thương hiệu Jetstar từ Sydney và Melbourne kết nối TP HCM đang có màn trình diễn rất mạnh mẽ",  ông Evans nói. 

Sẽ không có cạnh tranh với đường bay đến Australia đến từ các hãng hàng không như Bamboo Airways hay Vietjet. Hai hãng hàng không đã ra mắt sau khi Qantas nắm giữ cổ phần tại Jetstar Pacific, nhanh chóng phát triển tại thị trường trong nước cũng như khắp Châu Á. "Họ đến với tâm lí chiếm lĩnh thị phần", CEO Jetstar Group cho biết trong một bài thuyết trình năm ngoái.

Hai hãng hàng không Jetstar Pacific và Jetstar Asia có cùng kích cỡ với lần lượt 17 tàu bay A320 và 18 tàu A320s, theo dữ liệu Airfleets. 

Nhưng thị trường Singapore lại tỏ ra ổn định hơn cho Jetstar khi chỉ có một đối thủ duy nhất là tập đoàn Singapore Airlines.

Giữa Qantas và Jetstar Asia còn có mối quan hệ hợp tác chiến lược quan trọng tại Singapore. Hai hãng cùng sử dụng sân bay Changi như một trung tâm kết nối hành khách giữa châu Á và Australia, tận dụng mạng lưới của Jetstar Asia và Qantas ở qui mô nhỏ hơn so với của Singapore Airlines.

"Đó không chỉ là hoạt động tài chính độc lập của Jetstar Asia mà còn đóng vai trò quan trọng với cả tập đoàn", CEO Gareth Evans nhấn mạnh. 

"Khi Qantas International thâm nhập vào thị trường Singapore, chúng tôi sẽ dốc sức thực hiện một chiến lược thương hiệu kép ngay tại thị trường này", ông Evans lí giải.

Năm ngoái, mức tăng trưởng hành khách của Jetstar Asia đạt 80%, phần lớn trong số này (tương đương 72%) đến từ các dịch vụ của Qantas. Các kết nối được kì vọng gia tăng, hãng bay có kế hoạch tăng trưởng thêm 39% trong năm 2020 (trước khi COVID-19 ập đến). Công ty đang có những điều chỉnh, thay đổi thời gian dịch vụ để có thể cải thiện sự kết nối, ông Evans cho biết. 

Trong khi tầm quan trọng của Singapore trong chiến lược của Qantas gia tăng thì triển vọng cạnh tranh tại Việt Nam ngày càng suy yếu. Năm ngoái, có ba hãng hàng không nộp hồ sơ xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam. "Chúng tôi cho rằng AirAsia sẽ lại xin giấy phép lần nữa", ông Evans nói.

Bất chấp thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho ngành hàng không, các hãng hàng không địa phương tại Việt Nam vẫn đầy tham vọng.

Trong vài tháng tới, Qantas có kế hoạch giảm 30% cổ phần tại Jetstar Pacific. Đồng sở hữu Vietnam Airlines dự kiến sẽ nắm giữ 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ này trong tương lai.

Vietnam Airlines đã ngồi ngoài trong khi các đối thủ tư nhân lại tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, với toàn quyền sở hữu Jetstar Pacific, Vietnam Airlines sẽ có thể thực hiện chiến lược thương hiệu kép tại Việt Nam.

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho hay Jetstar Pacific khó phát triển là do khác biệt về quan điểm, văn hóa và tập quán giữa Vietnam Airlines và Qantas.

Năm ngoái, Qantas nhận định Việt Nam có "nhiều hãng hàng không tích cực, có nguồn vốn vững vàng và không bị ràng buộc bởi việc phải bảo vệ các doanh nghiệp cũ".

Một khoản đầu tư khác của Jetstar tại châu Á - hãng Jetstar Japan, đang tập trung vào thị trường nội địa vốn ít cạnh tranh hơn so với thị trường Việt Nam.

Jetstar Pacific sẽ từ bỏ thương hiệu Jetstar và các hỗ trợ liên quan, chẳng hạn như hệ thống đặt vé Navitaire sang Saber, hệ thống mà Vietnam Airlines hay dùng. Ngoài ra, Jetstar Pacific sẽ quay về tên gọi cũ là Pacific Airlines. Tên này từng được sử dụng trước khi Qantas mua lượng cổ phần trị giá 30 triệu AUD vào năm 2007 và biến hãng này thành một liên doanh mang thương hiệu Jetstar.

Forbes nhận thấy, ngay cả ở thời kì hoàng kim, Jetstar Pacific dường như cũng không tương thích với tập đoàn Australia. Hãng hàng không giá rẻ này hoạt động khá độc lập, tự tìm kiếm nguồn cung ứng máy bay thay vì phụ thuộc vào đơn đặt hàng của Qantas.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.