Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 do Forbes châu Á vừa công bố, Việt Nam có 7 doanh nghiệp góp mặt, là Masan Group, Thế Giới Di Động (TGDĐ), Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Bảng xếp hạng này được chọn từ 3.200 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán có doanh thu hơn 1 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua. Các ứng viên được xếp hạng dựa theo nhóm 12 tiêu chí, bao gồm: doanh thu trung bình 5 năm, mức tăng trưởng doanh thu vận hành, lợi nhuận trên vốn và mức tăng trưởng dự kiến trong 1-2 năm tới.
Năm nay, Forbes châu Á bổ sung thêm một tiêu chí khá "hợp thời". Đó là mối liên hệ giữa các công ty và cá nhân thuộc danh sách những người giàu nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Forbes quan niệm, xét cho cùng, nếu tài sản cá nhân gắn liền với tài sản doanh nghiệp, sẽ trở thành động lực để phát triển doanh nghiệp dài hạn.
So với khu vực, con số 7 doanh nghiệp của Việt Nam khá khiêm tốn nếu so với Thái Lan có đến 14 đại diện; Indonesia với 11 đại diện, Philippines với 8 đại diện.
Tuy nhiên, về giá thị trường, doanh nghiệp Việt Nam hơn hẳn Thái Lan. Ngân hàng Kasikorn có tên trong danh sách này của Forbes hiện là doanh nghiệp có giá thị trường cao nhất xứ chùa vàng, với hơn 13 tỉ USD. Trong khi đó, Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã được định giá hơn 17 tỉ USD.
Nhìn chung, các doanh nghiệp theo đuổi lĩnh vực truyền thống vẫn chiếm phần lớn đại diện Việt Nam trong bảng xếp hạng danh nghiệp tỉ đô tốt nhất châu Á. Ngân hàng, hàng không và hàng tiêu dùng vẫn là ba nhóm ngành "ăn nên làm ra" của Việt Nam.
Theo ghi nhận của Forbes, Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có doanh thu 1,659 tỉ USD, lợi nhuận ròng 214 triệu USD. Giá trị thị trường vốn hoá của Masan đạt 3,766 tỉ USD trong năm 2018.
Trong năm qua, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đã bắt tay cùng tỉ phú Phạm Nhật Vượng trong thương vụ chuyển giao hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng tiện lợi và công ty nông nghiệp. Hiện, Masan nắm 83,74% cổ phần chuỗi Vinmart với tham vọng vươn mình thành đế chế sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu trong tương lai gần.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với "gà đẻ trứng vàng" Bia Sài Gòn cũng góp mặt trong bảng xếp hạng này. Sau khi về tay tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, công ty ghi nhận doanh thu 1,562 tỉ USD trong năm 2018, lợi nhuận ròng 181 triệu USD, giá trị thị trường 7,734 tỉ USD.
Hãng hàng không Vietjet Air của người phụ nữ quyền lực thứ 4 châu Á Nguyễn Thị Phương Thảo, không gây ngạc nhiên khi có tên trong danh sách này. Năm 2018, Vietjet có doanh thu 2,328 tỉ USD, lợi nhuận ròng 232 triệu USD, giá trị vốn hoá thị trường đạt 3,054 tỉ USD.
Hãng sữa lớn nhất Việt Nam, Vinamilk, được ghi nhận doanh thu năm 2018 đạt 2,283 tỉ USD, lợi nhuận ròng 444 triệu USD và giá trị vốn hoá thị trường đạt 9,076 tỉ USD. Đầu năm 2020, Vinamilk chính thức tham gia quản lí Mộc Châu Milk khi sở hữu 75% vốn GTNfoods.
Techcombankcũng không thua kém người "anh em" Masan, có mặt trong danh sách. Forbes thống kê doanh thu năm 2018 của ngân hàng này đạt 1,338 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 368 triệu USD và giá trị vốn hoá vượt 3,27 tỉ USD.
Theo Forbes, Vingroup là doanh nghiệp có doanh thu, thu nhập ròng và giá thị trường lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2018, doanh thu của Vingroup đạt 5,295 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 164 triệu USD và vốn hoá của tập đoàn đã vượt 17 tỉ USD.
"Ông lớn" này sau giai đoạn phát triển đa ngành nghề, đang dồn mọi nguồn lực trở thành tập đoàn công nghiệp - công nghệ hàng đầu khu vực.
Ngoài ra, đáng nhắc đến là TGDĐ, khi doanh nghiệp có nồng cốt là chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa này, đứng thứ hai về doanh thu. Forbes châu Á thống kê, năm 2018, tập đoàn này có doanh thu 3,758 tỉ USD, lợi nhuận ròng 125 triệu USD, giá trị thị trường đạt 2,174 tỉ USD.
Còn theo đại diện của TGDĐ, trong năm 2019, có nhiều khả năng tập đoàn này sẽ hoàn thành mức doanh thu 4,6 tỉ USD, vượt mức lợi nhuận ròng dự kiến 150 triệu USD.
Trong bảng xếp hạng doanh nghiệp tỉ đô tốt nhất châu Á năm 2019 lại không còn nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam như Petrolimex, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Vietcombank, PV GAS, Hòa Phát... cho dù doanh thu các doanh nghiệp này rất lớn.