Những doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán

9 trên 10 doanh nghiệp vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán vẫn giữ nguyên như năm 2018 nhưng sắp xếp đã có nhiều xáo trộn.
Những doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán - Ảnh 1.

10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán năm 2019. (Đồ họa: Tiến Thành).

Giá trị vốn hóa, căn cứ theo lượng cổ phiếu lưu hành và thị giá cổ phiếu, là chỉ tiêu đánh giá một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Theo thống kê của FiinGroup, 10 doanh nghiệp giá trị nhất hai sàn niêm yết và thị trường UPCoM có tổng vốn hóa gần 88 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2018, với 9 trên 10 cái tên đã góp mặt từ bảng xếp hạng năm trước. Tuy nhiên, vị trí đã có nhiều xáo trộn do biến động của giá cổ phiếu trong năm.

Doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán năm 2019 tiếp tục gọi tên Vingroup, với quy mô 16,7 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2018. Đà tăng chủ yếu nhờ thị giá cổ phiếu VIC đã tăng 21%, từ mức 95.300 đồng lên 115.000 đồng.

Đến cuối quý III, Vingroup có tổng tài sản hơn 357.000 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 125.400 tỉ. Một trong những dấu ấn lớn nhất trong năm 2019 của tập đoàn là tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ, dồn lực cho lĩnh vực công nghệ (Vinsmart) và sản xuất (VinFast). 

Vingroup thông báo sáp nhập hệ thống VinMart, VinMart+ (thuộc VinCommerce) và VinEco - đơn vị chuyên đầu tư mảng nông nghiệp - vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Đồng thời, tập đoàn cũng sáp nhập mảng thương mại điện tử Adayroi vào ứng dụng VinID, và đóng cửa chuỗi điện máy VinPro.

So với bảng xếp hạng năm ngoái, những vị trí còn lại trong top 5 đều có sự biến động. Vietcombank vươn lên vị trí thứ hai về vốn hóa, còn Vinhomes và Vinamilk cùng giảm một bậc, xuống vị trí thứ ba và tư. Vị trí còn lại trong top 5 thuộc về BIDV.

Sự bứt phá của nhóm ngân hàng, với hai đại diện trong top 5 là Vietcombank và BIDV, đến từ đà tăng mạnh của hai cổ phiếu này trong những tháng cuối năm. VCB kết thúc năm 2018 với thị giá hơn 53.000 đồng, đã tăng lên hơn 90.000 đồng vào cuối năm 2019. Còn cổ phiếu BID cũng tăng gần 40%, từ mức 33.000 lên hơn 46.000 đồng.

Giá trị vốn hóa của BIDV thậm chí còn cao hơn, tăng 58%, do ngân hàng này vừa hoàn tất đợt phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác ngoại KEB Hana Bank. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của BIDV tăng từ 34.187 tỉ lên hơn 40.220 tỉ đồng, trở thành nhà băng có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam.

So với cuối năm 2018, giá trị vốn hóa của Vinhomes chỉ tăng 13%, còn Vinamilk giảm 3%, sự thay đổi có phần khiêm tốn so với những cái tên còn lại.

Ở nửa dưới của bảng xếp hạng, PV GAS, ACV, Sabeco và Techcombank là những doanh nghiệp đã có tên trong top 10 từ năm 2018, trong khi VietinBank là cái tên lần đầu xuất hiện. So với nhóm đầu, đóng góp của nhóm dưới thấp hơn. Ba trên năm cái tên của nhóm sau không tăng trưởng vốn hóa so với năm 2018, giá trị của Sabeco giảm 15%, ACV giảm 13% còn Techcombank giảm 9%.

SAB, một trong những cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán, nhưng lại nằm trong nhóm có biên độ dao động cao nhất. Cổ phiếu này bắt đầu năm 2019 với vùng giá dưới 250.000 đồng, tăng lên mức đỉnh gần 290.000 đồng vào giữa năm, nhưng giảm mạnh trong 4 tháng cuối năm về 228.000 đồng.

VietinBank và PV Gas cùng có mức tăng giá trị vốn hóa 8% trong năm 2019. Trong đó, CTG lọt vào top 10 vốn hóa không hẳn do đà tăng cao, mà do MSN - cổ phiếu đứng thứ 10 trong danh sách vốn hóa năm 2018 - giảm quá mạnh.

Vấn đề của Masan chỉ xuất hiện trong những tháng cuối năm, liên quan đến thương vụ mua lại chuỗi Vinmart của Vingroup. Cổ phiếu MSN giao dịch trong vùng giá 80.000 - 90.000 đồng trong 9 tháng đầu năm đã giảm về dưới 60.000 đồng chỉ trong ba tháng cuối năm. 

Hệ quả là giá trị vốn hóa của Masan "bốc hơi" xấp xỉ 1 tỉ USD, giảm 27% so với đầu năm.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.