Ngoài tình hình doanh thu và lợi nhuận, báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán còn tiết lộ các doanh nghiệp này đang "ôm" một khoản tiền mặt khổng lồ.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng tiền mặt mà 10 doanh nghiệp sở hữu nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm lên đến 166.509 tỉ đồng. Khoản tiền mặt này của các doanh nghiệp gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kì hạn và tiền gửi đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm.
Trong top 10 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu nhiều tiền mặt nhất trong 3 quý đầu năm 2019 có đến 9 doanh nghiệp đang nắm trong tay lượng tiền mặt vượt 10.000 tỉ đồng.
Danh sách này gồm ACV, PV Gas, Vingroup, Petrolimex, VEAM, Sabeco, Vinamilk, VGR (Công ty Cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Cao su Việt Nam) và PTSC (Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam). Đây hầu hết đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam, từ hàng không, dầu khí, công nghiệp, bất động sản đến hàng tiêu dùng.
ACV đã vượt mặt PV Gas trở thành quán quân sở hữu nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán 9 tháng đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Quán quân nắm trong tay nhiều tiền mặt nhất hiện nay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tính đến cuối tháng 9/2019, ACV có tổng cộng 32.059 tỉ đồng tiền mặt. Số tiền này chiếm tới 53% tổng tài sản hiện có của ACV.
Cơ cấu khoản tiền mặt của ACV chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn dưới 12 tháng tại ngân hàng, chiếm đến 98%, tương đương 31.383 tỉ đồng. So với cuối năm ngoái, khoản tiền mặt hiện có của công ty quản lí 21/22 sân bay trên cả nước tăng đến 7.691 tỉ đồng.
Vốn đã sở hữu nhiều tiền mặt, 9 tháng đầu năm, "núi tiền" của ACV lại chất cao hơn khiến doanh nghiệp này bứt phá vượt mặt PV Gas, trở thành doanh nghiệp nắm trong tay nhiều tiền mặt nhất.
Với tình hình kinh doanh khả quan, lãi trước thuế tăng trưởng 19% so với cùng kì, đạt 7.298 tỉ đồng, cùng khoản tiền nhàn rỗi lớn, ACV đang được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện các hạng mục chính giai đoạn 1 đầu tư sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
PV Gas lui xuống giữ vị trí thứ hai của danh hiệu doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất. Tổng tiền mặt hiện có của PV Gas là 28.532 tỉ đồng, trong khi đó, cuối năm ngoái, công ty này sở hữu 28.308 tỉ đồng. Như vậy, tiền mặt của "ông lớn" trong ngành gas này không thay đổi nhiều.
Nhiều năm qua, PV Gas thường xuyên đứng đầu danh sách các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất.
PV Gas luôn là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán hàng năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
PV Gas cũng thường xuyên đứng trong top 3 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán. 9 tháng đầu năm, tuy lãi trước thuế không tăng trưởng, đạt 11.317 tỉ đồng, nhưng PV Gas vẫn là công ty có lãi cao thứ ba trên sàn.
3 vị trí tiếp theo của top 5 doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt nhất 9 tháng năm nay hầu như không thay đổi nhiều so với cuối năm ngoái: Vingroup với 17.407 tỉ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 16.397 tỉ đồng, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với 14.935 tỉ đồng tiền mặt.
Trong khi các doanh nghiệp thuộc top đầu có tốc độ tăng trưởng khá ổn định thì nhóm 5 doanh nghiệp còn lại trong bảng xếp hạng thường tăng, giảm đột biến hơn.
Đứng ở vị trí thứ sáu là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tính đến cuối tháng 9, Sabeco có 14.760 tỉ đồng tiền mặt, chiếm gần 60% tổng tài sản doanh nghiệp. Cơ cấu tiền mặt gồm 3.587 tỉ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, 11.173 tỉ đồng còn lại gửi ngân hàng với kì hạn ngắn dưới 12 tháng.
Kết quả kinh doanh Sabeco năm 2015-2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
So với hồi đầu năm, lượng tiền mặt của Sabeco đã tăng 2.749 tỉ đồng, tương đương mức tăng 23%. Kể từ khi về tay tỉ phú Thái năm 2017, lượng tiền mặt tích trữ của Sabeco đã bắt đầu tăng mạnh so với trước đây.
Trong năm này, tổng tiền mặt, gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kì hạn và tiền gửi đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm đã vượt ngưỡng 10.000 tỉ, lên 10.828 tỉ đồng. So với năm trước đó, tổng tiền mặt của Sabeco tăng đến 64%, tương đương mức tăng tuyệt đối 4.209 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sabeco đạt 5.257 tỉ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kì năm ngoái và hoàn thành 91% kế hoạch cho cả năm.
Xếp sau Sabeco là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với 11.281 tỉ đồng tiền mặt, tăng 1.084 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Tiền mặt của Vinamilk chủ yếu gửi ngân hàng với kì hạn dưới 12 tháng, chiếm đến 10.238 tỉ, tương đương chiếm 91%.
3 doanh nghiệp còn lại trong top 10 là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) với 10.918 tỉ đồng, giảm 283 tỉ so với đầu năm nên rớt từ hạng 6 xuống hạng 8.
Trong khi đó, Tổng Công ty CP Dịch vụ kĩ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) lại có thêm hơn 2.600 tỉ đồng tiền mặt so với đầu năm, đạt 10.685 tỉ đồng.
Doanh nghiệp duy nhất trong tốp 10 có tiền mặt dưới 10.000 tỉ là FPT, với 9.535 tỉ đồng.
Phần lớn tiền mặt khủng này được các doanh nghiệp gửi ngân hàng ngắn hạn. Tuy nhiên, lãi suất từ núi tiền này cũng mang về cho các ông chủ một khoản không hề nhỏ. Chỉ tính 9 tháng qua, tiền lãi ngân hàng của số tiền nhàn rồi này đã mang về cho 10 ông lớn hơn 9.000 tỉ đồng.
Vingroup nhận lãi từ gửi ngân hàng nhiều nhất 9T/2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Vingroup là doanh nghiệp thu nhiều tiền lãi từ tiền gửi nhất 9 tháng, với 2.027 tỉ đồng, tăng 770 tỉ, tương đương 61% so với cùng kì năm ngoái, và chiếm 22% tổng tiền lãi của 10 doanh nghiệp nhận được nhiều nhất.
Đứng ở vị trí thứ hai là một công ty khác của Vingroup: Vinhomes. Dù không nằm trong nhóm có tiền mặt cao nhất, nhưng Vinhomes nhận được đến 1.818 tỉ đồng lãi gửi ngân hàng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Vị trí thứ ba thuộc về ACV, với 1.276 tỉ đồng lãi từ khoản tiền gần 31.390 tỉ đồng gửi ngân hàng, kì hạn ngắn dưới 12 tháng. PV Gas cũng nhận lãi từ tiền gửi đến 1.068 tỉ đồng.
Nhóm có lãi từ tiền gửi ngân hàng phía dưới gồm VEAM, Sabeco, Vinamilk, Petrolimex, FPT và Vietnam Airlines.
Tương tự Vinhomes, số tiền mặt của Vietnam Airlines không đủ để đứng vào top 10 doanh nghiệp có tiền mặt nhiều nhất, nhưng với 3.800 tỉ đồng gửi ngắn hạn, hãng bay này cũng đã thu về được 308 tỉ đồng tiền lãi góp vào lợi nhuận 9 tháng năm 2019.
Nhiều tiền mặt tốt hay xấu?
Nhiều tiền mặt chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp xử lí một cách dễ dàng các kế hoạch kinh doanh, và sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai.
Các lí thuyết tài chính doanh nghiệp nói rằng mỗi doanh nghiệp nên có một mức tiền mặt thích hợp, đủ để thanh toán lãi vay, các chi phí và chi tiêu vốn, ngoài ra còn phải dự trữ thêm một ít nữa để kịp xử lí những tình huống khẩn cấp.
Nếu doanh nghiệp có bất cứ một lượng tiền mặt nào cao hơn mức cần thiết đó thì lượng tiền mặt đó nên được phân phối lại cho các cổ đông, thông qua cổ tức hoặc mua lại cổ phần. Sau đó, nếu các nhà quản trị tìm thấy các cơ hội đầu tư mới, họ có thể phát hành cổ phần để huy động lượng vốn cần thiết.