Không riêng Món Huế, hàng loạt thương hiệu F&B kinh doanh theo mô hình chuỗi tại TP HCM thời gian qua đều có dấu hiệu gặp khó về vấn đề mặt bằng.
Những chuyên gia nhiều kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, cà phê đều cho rằng mặt bằng đẹp, với giá thuê cao nhất lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, đang là con dao 2 lưỡi trong lĩnh vực F&B.
Bên cạnh thiếu tiền công nợ của đối tác hàng chục tỉ đồng, dư luận còn quan tâm việc Món Huế đã bất ngờ đóng hết hệ thống hơn 200 điểm kinh doanh nằm ở vị trí đắc địa thuộc các thương hiệu khác nhau như Món Huế, Phở ông Hùng, Cơm thố cháy…
Một điểm kinh doanh gồm Món Huế và nhà hàng Iki, thuộc Huy Việt Nam ở quận 1, TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh).
Đáng chú ý, mặt bằng của Nhà hàng Món Huế đều tập trung tại những khu vực thuộc hạng đắt đỏ nhất TP HCM, Hà Nội.
Nếu chỉ tính riêng Món Huế, hệ thống có 77 cửa hàng thì TP HCM chiếm hết 45 cửa hàng. Quận 1 có thể được xem là nơi có nhiều cửa hàng Món Huế nhất, với 11 điểm kinh doanh, hầu hết đặt tại những khu "đất vàng" như đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Đề Thám…(quận 1)
Nhiều thông tin cho biết, giá mặt bằng cho thuê tại các khu vực này hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Một số mặt bằng đặc biệt khác, được nhiều thương hiệu nhòm ngó, có thể lên đến vài trăm triệu.
Vì vậy, trong quá trình kinh doanh, các cửa hàng bắt buộc phải có lộ trình nhằm đảm bảo cân bằng được doanh thu và chi phí, nhằm tạo ra lợi nhuận.
Không riêng Món Huế, trước đó, thương hiệu Trà sữa Ten Ren được vận hành bởi The Coffee House, cũng bất ngờ thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống.
Dù các cửa hàng của Ten Ren không quá chú trọng vào "đất vàng" trung tâm quận 1, quận 3 nhưng đại diện thương hiệu này thừa nhận rằng chi phí nguyên liệu, vận hành không thể bù đắp nổi doanh thu, khiến chuỗi không thể trụ được.
Một cửa hàng Ten Ren đóng cửa trước khi cho Toocha thuê lại. (Ảnh: Phúc Minh).
Thậm chí, quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống của Ten Ren được đưa ra trong khi vẫn chưa hết hạn thuê mặt bằng. Ngay sau đó, thay vì trả, trong cơn sốt khan hiếm mặt bằng kinh doanh trong lĩnh vực F&B, Ten Ren nhanh chóng cho Toocha thuê lại, nhằm vớt vát một phần chi phí đã đổ vào.
Trong kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, cà phê theo mô hình chuỗi, thì câu chuyện mặt bằng đang là một nỗi lo, kể cả các "ông lớn" trong ngành như KFC hay Trung Nguyên.
Hơn 1 tháng trước, nhiều tín đồ thức ăn nhanh khá bất ngờ khi cửa hàng gà rán KFC nằm tại góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP HCM) bất ngờ đóng cửa, kèm theo đó là chằng chịt thông tin liên lạc cho thuê mặt bằng.
Không riêng Món Huế, KFC và Trung Nguyên cũng vừa đóng cửa hàng tại quận 1, quận 3. (Ảnh: Phúc Minh).
Theo những người buôn bán gần đó, cửa hàng KFC này đã nằm tại khu "đất vàng" trên có thể lên đến gần 10 năm. Mặt bằng này của KFC được xem là đối trọng với đối thủ Lotteria nằm tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai, chỉ cách đó khoảng 200-300 mét.
Khách của cửa hàng KFC này chủ yếu là dân văn phòng, bởi xung quanh đó có rất nhiều văn phòng công ty, doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước.
"Cửa hàng KFC này không coi là ế ẩm phải đóng cửa. Buổi trưa, chỉ cần dân văn phòng túa ra là lấp đầy. Dù có rất nhiều lựa chọn trong khu này, nhưng nhiều người vẫn muốn ăn nhanh, hợp vệ sinh nên chọn nó rồi trở lại làm việc buổi chiều", chị Thanh - nhân viên một cửa hàng kế bên cho biết.
Tương tự, Trung Nguyên dù đang sở hữu một loạt mặt bằng thuộc hạng đẹp và đắt đỏ nhất trong hệ thống các chuỗi cà phê hiện nay, nhưng cũng vừa đóng cửa một điểm kinh doanh nằm tại góc ngã tư đường Võ Thị Sáu - Nguyễn Thông (quận 3).
Ngay khi Trung Nguyên vừa đóng cửa, đã có một thương hiệu khác thay thế tại mặt bằng đắt tại 2 mặt tiền đường Nguyễn Thông - Võ Thị Sáu. (Ảnh: P.Minh).
Năm ngoái, Trung Nguyên cũng phải chia tay một quán cà phê lúc nào cũng đông nghẹt khách tại đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1). Ngay sau đó, The Coffee House đã nhanh chóng thế chỗ. Còn tại góc Nguyễn Du - Nam Kì Khởi Nghĩa (quận 1), cửa hàng Starbucks đầu tiên đã phải "di dời".
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng - nhà sáng lập chuỗi cà phê Passio, Guta, cho rằng mặt bằng đẹp, đắc địa chính là yếu tố ưu tiên số 1 trong kinh doanh F&B, nhất là kinh doanh theo mô hình chuỗi.
Ông cho rằng mặt bằng càng đẹp, càng ở những vị trí người khác không thể có, sẽ chứng tỏ sức mạnh và năng lực của chủ thương hiệu đó. Vì vậy, "cuộc chiến" mặt bằng luôn diễn ra giữa các thương hiệu.
Chuyên gia này khẳng định chấp nhận bước vào cuộc đua, các thương hiệu phải dự tính trước, đặc biệt là chi phí mặt bằng, chi phí này sẽ ngày càng tăng theo thời gian.
Một mặt bằng của Món Huế trên đường Đề Thám (quận 1) đã được đổi chủ. (Ảnh: Phúc Minh).
"Chỉ cần nợ tiền mặt bằng 1 tháng, 2 tháng là chủ nhà cho ra đường ngay, nhất là trong lúc mặt bằng cho thuê đang được tranh giành như hiện nay. Khi mình bỏ đi, chắc chắn sẽ có ngay người mới tới, thậm chí số tiền thuê còn lớn hơn.
Chẳng hạn tại góc đường Mạc Đĩnh Chi - Hai Bà Trưng, sau 10 năm KFC 'đóng đô', chuỗi này đã không chịu nổi, buộc phải đi, và giờ có chủ mới đang thi công lại cửa hàng", chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho biết.
Thực tế, hiện nay, nhiều mặt bằng thuộc hệ thống Món Huế vừa đóng cửa đã có chủ mới đến thuê. Một số đang tất bật dọn dẹp để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm, trong khi đó, tại khu phố Tây Bùi Viện - Đề Thám, một cửa hàng của Món Huế đã nhanh chóng khoác áo một cửa hàng cũng kinh doanh ẩm thực khác.
Tương tự, doanh nhân Lý Quí Trung, ông chủ thương hiệu Phở 24 trước đây và là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành nhà hàng, ẩm thực, cho biết chi phí mặt bằng ở các vị trí đắc địa chính là sát thủ "giết" chết các chủ nhà hàng.
Theo ông Trung, nếu chỉ nhìn bên ngoài của các chuỗi lớn, có cửa hàng ở vị trí đắc địa, người ta có thể đặt vấn đề làm ăn khấm khá như thế, "tiền để đâu cho hết", nhưng chỉ chủ nhà hàng mới biết rõ sức khỏe cửa hàng ra sao.
Nỗi lo của chủ nhà hàng sẽ tăng lên gấp nhiều lần, nếu như cuối ngày về nhà đếm tiền, doanh thu không bù nổi chi phí.
Ông Trung cũng chia sẻ thêm kinh doanh ngành F&B rất khắc nghiệt, sự thất bại có thể đến rất nhanh dù bên ngoài mọi người thấy rất hào nhoáng. Quá trình thất bại này sẽ càng nhanh hơn, nếu như doanh nghiệp không đủ mạnh về năng lực tài chính lẫn vận hành.
Mặt bằng càng đẹp, càng đắc địa thì càng là con dao 2lưỡi với các thương hiệu F&B kinh doanh theo mô hình chuỗi. Nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu như thương hiệu mạnh về tài chính và quản lí.
Kinh doanh 15:09 | 23/11/2019
Kinh doanh 19:09 | 14/11/2019
Kinh doanh 18:12 | 12/11/2019
Kinh doanh 11:17 | 08/11/2019
Tiêu dùng 15:00 | 04/11/2019
Tiêu dùng 06:00 | 31/10/2019
Kinh doanh 07:33 | 30/10/2019
Kinh doanh 06:05 | 29/10/2019