Mở chuỗi nhà hàng, ẩm thực, Món Huế ôm nợ trăm tỉ rồi đột ngột đóng cửa, các đối thủ làm ăn ra sao?

Ra đời sớm hơn, có vốn điều lệ cao gấp nhiều lần, được nhiều nhà đầu tư ngoại để ý nhưng chuỗi Món Huế đã yếu dần trước khi sụp đổ. Trong khi đó, Golden Gate, Redsun đang tiếp tục bành trướng với định hướng chuyên về lẩu nướng, bia tươi.

3 "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ẩm thực theo mô hình chuỗi tại Việt Nam thời gian qua là Huy Việt Nam - công ty mẹ sở hữu Nhà hàng Món Huế vừa mất tích vài ngày trở lại đây, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) và Cổ phần CP Đầu tư Thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Redsun).

Ra mắt trong giai đoạn 2006-2008, trong khi Golden Gate và Redsun chuyên về lẩu, nướng thì Huy Việt Nam tập trung vào kinh doanh món ăn Việt. Hướng đi khác này của ông chủ chuỗi Nhà hàng Món Huế đã nhanh chóng được một loạt nhà đầu tư ngoại để ý.

Tuy nhiên, trong khi 2 đối thủ chuyên nướng và lẩu liên tục bứt phá, có nhiều khách hàng trẻ tiềm năng thì Món Huế ngày càng nhạt nhòa trước khi bất ngờ biến mất khiến, để lại khoản nợ có thể lên đến trăm tỉ đồng.

Vốn điều lệ Món Huế gấp 8 lần Golden Gate

Nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ẩm thực theo mô hình chuỗi sớm nhất là Huy Việt Nam với mô hình đầu tiên là Món Huế. Đồng thời, trong 3 "ông lớn" chuyên về nhà hàng này, Huy Việt Nam cũng là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất.

IMG_7969

Món Huế là doanh nghiệp chuyên nhà hàng, ẩm thực có vốn điều lệ rất lớn, hơn 600 tỉ đồng. (Ảnh: Phúc Minh).

Hiện vốn điều lệ của Huy Việt Nam là hơn 600 tỉ đồng, là con số đã giảm một nửa so với thời kì đỉnh điểm lên đến 1.200 tỉ đồng. Sau điều chỉnh, vốn điều lệ của Huy Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với Golden Gate và Redsun.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Golden Gate chỉ 76 tỉ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2008, sau 1 năm kể từ khi Món Huế của Huy Việt Nam có mặt trên thị trường. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Golden Gate là 32 tỉ đồng, sau 10 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã tăng vốn lên gần gấp đôi.

Như vậy, nếu so với Golden Gate, vốn điều lệ của Huy Việt Nam gấp khoảng 8 lần. Trong khi đó, nếu so với Redsun, vốn điều lệ của Huy Việt Nam gấp khoảng 3 lần. Redsun chính thức có mặt trên thị trường cũng vào năm 2008 và đi theo mô hình nhà hàng bia tươi, lẩu nướng tương tự Golden Gate.

Golden Gate có nhiều thương hiệu, cửa hàng nhất

Ra mắt sớm nhất, có vốn điều lệ lớn nhất, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Huy Việt Nam là doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu và số lượng điểm kinh doanh lớn hơn so với 2 tay chơi còn lại.

Món Huế là chuỗi nhà hàng đầu tiên của Huy Việt Nam và đây cũng là thương hiệu được ưu tiên phát triển nhất. Năm 2015, Món Huế có tất cả 29 chi nhánh, một năm sau đó, con số này đã tăng thành 60. Tính đến thời điểm trước khi đóng cửa, chuỗi Món Huế đã có tổng cộng 77 cửa hàng. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-23 lúc 14

Cơ cấu các điểm kinh doanh thuộc 9 thương hiệu của Huy Việt Nam. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ngoài phát triển Món Huế, từ năm 2014, Huy Việt Nam cũng liên tục khai sinh ra những thương hiệu khác làm đa dạng hệ sinh thái nhà hàng chuyên về ẩm thực Việt. Năm này, Phở ông Hùng và Cơm thố cháy cùng ra mắt. Năm 2015, chuỗi Great Bánh mì & cafe bắt đầu được hình thành. Tính đến nay, tổng 3 chuỗi này có tất cả 103 cửa hàng.

Trong cơn sốt chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi trỗi lên, mà lớn nhất là chính 2 doanh nghiệp Golden Gate và Redsun, Huy Việt Nam dường như đã mất tập trung với định hướng món ăn Việt, và bắt đầu mở thêm những chuỗi mới chuyên ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc: Iki Sushi, Nhà hàng Shilla Korean BBQ hay thậm chí là trà sữa với chuỗi TP Tea.

Tính đến trước khi đóng cửa, Huy Việt Nam có tổng cộng 9 thương hiệu, 210 điểm kinh doanh, phân bổ chủ yếu tại TP HCM, Hà Nội và 4 tỉnh khác là Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trong khi đó, sau 11 năm hoạt động, tính đến nay, Redsun đang sở hữu tổng cộng 13 thương hiệu khác nhau, gồm King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story, Tasaki BBQ, Bukbuk, Khaolao… 

Tổng số điểm kinh doanh của Redsun hiện nay lên đến 201 cửa hàng, phân bổ rộng khắp hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, 2 chuỗi làm nên thành công lớn nhất cho "ông lớn" lẩu nướng này chính là King BBQ với 85 cửa hàng và lẩu Hotpot Story với 23 điểm kinh doanh.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-26 lúc 15

Golden Gate đang dẫn đầu về số lượng thương hiệu lẫn cửa hàng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Giữ vị trí quán quân về số lượng thương hiệu, cửa hàng và địa bàn phục vụ chính là Golden Gate. Tính đến nay, Cổng Vàng đang sở hữu tổng cộng 20 thương hiệu khác nhau, gồm Gogi House, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Hutong, Ba con cừu, Vuvuzela…

Tổng số điểm kinh doanh của Golden Gate đang có là 300 cửa hàng tại hơn 25 tỉnh, thành trên cả nước.

Golden Gate, Redsun đang làm ăn tốt, Món Huế ôm nợ đóng cửa

Với việc liên tục mở rộng các điểm kinh doanh và khai trương mới các thương hiệu, tập trung vào định hướng bia tươi, lẩu nướng, Golden Gate đang là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất trong mảng kinh doanh chuỗi nhà hàng, ẩm thực.

Báo cáo tài chính nhiều năm liên tiếp của Golden Gate đều cho biết doanh thu luôn tăng trưởng vượt bậc, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, doanh thu của Cổng Vàng đạt 3.970 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 339 tỉ đồng. 

Nam 2017, lợi nhuận trước thuế của Golden Gate cũng đạt 327 tỉ đồng, là một kết quả khả quan hơn rất nhiều so với 2 đối thủ còn lại là Redsun và Huy Việt Nam.

Tại Redsun, một báo cáo của VIRAC cho biết doanh thu năm 2018 của công ty mẹ Redsun đạt 623 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Tuy nhiên, về kết quả lợi nhuận, năm 2018, lãi trước thuế của Redsun vẫn duy trì bằng với năm 2017 ở mức 1,4 tỉ đồng. Nhiều năm liên tiếp, "ông lớn" này cũng không có kết quả lợi nhuận ấn tượng, dao động trên dưới 1 tỉ đồng.

IMG_7968

Trong khi Redsun, Golden Gate đang kinh doanh hiệu quả thì ông chủ Huy Việt Nam biến mất, để lại khoản nợ có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Redsun vẫn khiến các nhà đầu tư vui vẻ hơn so với Huy Việt Nam. 

Báo cáo tài chính 3 năm gần đây của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế - công ty con chịu trách nhiệm vận hành chuỗi nhà hàng, ẩm thực của Huy Việt Nam, tiết lộ doanh nghiệp đang lỗ lũy kế lên đến 107 tỉ đồng. Nếu như năm 2016, công ty lãi 300 triệu đồng, thì sang năm 2017, lỗ 54 tỉ đồng và tiếp tục lỗ 50 tỉ năm 2018. 

Theo chia sẻ của một phụ nữ là nhà đầu tư cá nhân vào Huy Việt Nam với báo chí, tính đến cuối năm 2018, khoản nợ mà Huy Việt Nam phải trả lên đến khoảng 800 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty đang ở mức hơn 600 tỉ. 

Những thất bại của Món Huế và Huy Việt Nam được cho là có tốc độ mở rộng chuỗi quá nóng, "đốt" sạch những khoản đầu tư lên đến gần 100 triệu USD trong khi việc vận hành, quản trị lại chưa hiệu quả. Đồng thời, Món Huế đang tỏ ra chậm chạp trong việc thích ứng với nhu cầu của khách hàng, trong khi ngành F&B rất đặc thù, đòi hỏi phải có sự mới lạ nhất là trong thời buổi bão hoà hiện nay.