Chuyện khó tin khi rót 70 triệu USD, nhà đầu tư chỉ biết Món Huế thua lỗ khi chuỗi bị tố quỵt tiền, đóng cửa nghỉ bán

Rót 70 triệu USD cho Món Huế từ nhiều năm nay, nhưng các nhà đầu tư ngoại chỉ biết Món Huế kinh doanh thua lỗ khi chuỗi bị tố quỵt tiền nguyên liệu hàng chục tỉ đồng của đối tác cung ứng rau, thịt, nguyên liệu... Đến khi không tìm được nhà sáng lập Huy Nhật, họ mới tính chuyện đâm đơn kiện ông Huy ra tòa.

Các nhà đầu tư không biết Món Huế đang lỗ

Nhóm nhà đầu tư gồm một loạt tổ chức, quỹ ngoại cho biết từ năm 2013 đến nay, đã rót tổng cộng vào Huy Việt Nam khoảng 70 triệu USD, tương đương 1.600 tỉ đồng, để phát triển chuỗi Nhà hàng Món Huế.

IMG_7969

Một cửa hàng của Món Huế trên đường Cao Thắng đã đóng cửa. (Ảnh: Phúc Minh).

Họ quyết định khởi kiện ông Huy Nhật và những người cộng sự liên quan, gồm cả bà Ngô Thị Mỹ Hạnh - hiện là đại diện pháp lí của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Bà Hạnh chính là người đứng ra giải quyết các yêu cầu trả tiền công nợ cho các đối tác cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho Nhà hàng Món Huế hôm 3/10.

Theo các nhà đầu tư, ông Huy Nhật và những người cộng sự có dấu hiệu lừa đảo với các giao dịch bất thường từ số tiền mà họ đã rót. Đồng thời, ông Huy Nhật cũng có dấu hiệu chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Các nhà đầu tư cho biết đã rót một số tiền không hề nhỏ nhưng Huy Việt Nam lại đóng cửa hàng loạt các nhà hàng mà không có sự chấp thuận từ họ, cũng không đưa ra lí do cụ thể.

Đại diện nhóm khẳng định việc này không chỉ ảnh hưởng họ mà còn tác động trực tiếp đến khoảng 1.500 nhân viên toàn hệ thống của Huy Việt Nam, hầu hết là các nhân viên Việt Nam, khiến họ bị mất việc.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho rằng họ không nắm được tình hình kinh doanh thua lỗ của Món Huế hiện nay, ông chủ của nó có dấu hiệu gian dối về hiệu quả kinh doanh thực sự.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-23 lúc 14

Mở chuỗi và thuê mặt bằng đắt đỏ là một trong những nguyên nhân khiến Huy Việt Nam thất bại. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong khi thực tế, báo cáo tài chính vài năm trở lại đây thể hiện rõ Nhà hàng Món Huế đang lỗ lũy kế đến 107 tỉ đồng. Nếu như năm 2016, công ty lãi 300 triệu đồng, thì sang năm 2017, lỗ 54 tỉ đồng và tiếp tục lỗ 50 tỉ năm 2018.

Nguyên nhân lỗ nhiều như vậy được chỉ ra là do các khoản đầu tư cho mở rộng ồ ạt chuỗi Món Huế, Phở ông Hùng, Cơm thố cháy... Ngoài ra, chi phí bán hàng lên tới 80-90% doanh thu. Đáng chú ý, việc thua lỗ nặng nề này hầu như bắt đầu kể từ sau khi Huy Việt Nam liên tiếp nhận được hàng chục triệu USD vốn rót từ các nhà đầu tư ngoại.

Hiện các nhà đầu tư ngoại cho biết đã xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài, và hi vọng nhận được sự đồng ý tương tự của cơ quan chức năng Việt Nam. 

Trước đó, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP HCM - ông Lê Duy Minh, cũng cho biết đã chỉ đạo toàn bộ chi cục thuế trên địa bàn rà soát toàn diện nghĩa vụ thuế của công ty này.

Trước mắt, cơ quan thuế đã phong tỏa tài khoản Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế và hóa đơn công ty này sẽ không còn giá trị. Nếu tài khoản công ty không có tiền, cơ quan thuế sẽ có biện pháp thu hồi nợ thuế của bên thứ ba đang nợ Công ty Món Huế.

Không ai liên hệ được với Huy Việt Nam lẫn Món Huế

Trước khi website chính thức của Huy Việt Nam không thể truy cập, công ty này vẫn giới thiệu ông Huy Nhật (sinh năm 1974) là Chủ tịch, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty.

Tuy nhiên, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì từ đầu tháng 10/2019, tức trước thời điểm hàng loạt cửa hàng Món Huế đóng cửa tại TP HCM, Huy Việt Nam đã thay đổi người đại diện pháp luật.

IMG_7968

Huy Việt Nam biến mất, để lại cả bàn ghế trong cửa hàng. (Ảnh: Phúc Minh).

Người đại diện pháp luật được đổi từ ông Huy Nhật sang bà Trần Quỳnh Anh, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú hiện nay tại quận Thủ Đức, TP HCM.  

Còn người đại diện pháp lí của Công ty TNHH Món Huế lại là bà Ngô Thị Mỹ Hạnh. Hôm 3/10, bà Hạnh còn giải quyết nợ công với nhiều nhà cung cấp. 

Tại đây, bà Hạnh là người đại diện Món Huế cam kết nhà cung cấp nào có công nợ trên 500 triệu thì hàng tháng sẽ trả 100 triệu đồng, còn công ty nợ dưới 500 triệu thì mỗi tháng sẽ trả 50 triệu. Thời gian quyết toán là từ 25-28 hàng tháng, cho khi đến khi hết công nợ. Tuy nhiên, mọi hoạt động liên quan công ty này đều biến mất trước thời hạn trả công nợ.

Hiện không chỉ nhà cung cấp, mà nhóm các nhà đầu tư ngoại cũng không thể liên lạc được người đại diện pháp luật, Chủ tịch của Huy Việt Nam, của Nhà hàng Món Huế.

Luật sư: Các nhà đầu tư có quyền kiện Món Huế

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết các nhà đầu tư ngoại đã rót 70 triệu USD cho ông Huy Nhật phát triển Món Huế hoàn toàn có quyền khởi kiện, nếu có kí kết các giao dịch với công ty này hay với cá nhân ông Huy Nhật. Đây được xem điều kiện khởi kiện trong vụ việc này.

Luật sư cho rằng dựa vào hồ sơ pháp lí cụ thể, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong trường hợp trên. 

Đồng thời, Luật sư Trần Bá Học cũng khẳng định thêm, dưới góc độ pháp luật, nếu các nhà đầu tư có đơn đề nghị mở thủ tục phá sản và Công ty Món Huế lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán đến hạn, thì sẽ được giải quyết.

IMG_7959

Một cửa hàng Món Huế trên đường Lê Thánh Tôn đã dẹp gần tháng nay, trên đường này còn đến vài điểm kinh doanh khác cùng hệ thống. (Ảnh: Phúc Minh).

Trong khi đó, tính đến nay, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho Nhà hàng Món Huế cũng đã gửi đơn tố cáo công ty này khi chưa thanh toán tiền công nợ. 

Tổng số tiền mà Món Huế đã "quỵt" các nhà cung cấp lên đến khoảng 30 tỉ đồng. Các nhà cung cấp đâm đơn kiện cho biết rất có thể số lượng các nhà cung cấp có công nợ với Món Huế còn nhiều hơn nữa, do các cá nhân, tổ chức này chưa hay tin Món Huế đã biến mất.

Nóng lòng muốn lấy lại số tiền công nợ lên đến hàng chục tỉ, nhiều nhà cung cấp đã kéo đến Cơ quan CSĐT TP HCM nằm trên đường 3/2, quận 10, mong muốn được làm việc với cơ quan này để sớm có hình thức giải quyết các khoản nợ, thay vì nộp đơn tố cáo lên Công an phường Cô Giang (quận 1) - nơi đặt văn phòng Công ty Huy Việt Nam.

Tuy nhiên, do sự việc liên quan quan hệ pháp luật dân sự, chưa có dấu hiệu cho thấy yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên Cơ quan CSĐT TP HCM từ chối tiếp nhận đơn và hướng dẫn các nhà cung cấp làm việc với công an phường Cô Giang theo đúng trình tự. 

"Hiện tại công ty Món Huế có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đòi lại công bằng cho chúng tôi", đại diện những nhà cung cấp đang bị Món Huế nợ hàng chục tỉ bày tỏ.