Ngoài Món Huế là chuỗi cửa hàng đầu tiên, và cũng đang đóng cửa đồng loạt, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam thông qua Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế còn có một loạt các thương hiệu khác, cùng kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực.
Đáng chú ý, đây đều là các thương hiệu đình đám, tọa lạc tại các mặt bằng thuộc hạng đắt đỏ bậc nhất TP HCM cũng như các tỉnh thành khác. Các chuỗi nhà hàng của Huy Việt Nam đều có một lượng khách hàng trung thành riêng.
Huy Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, chủ doanh nghiệp là pháp nhân Huy Vietnam Limited. Đầu năm 2007, cửa hàng Món Huế đầu tiên của doanh nghiệp chính thức có mặt tại Việt Nam và chọn TP HCM làm nơi đặt điểm kinh doanh.
Cửa hàng Món Huế trong trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1) đã không còn kinh doanh nhưng bàn ghế, vật dụng vẫn ngăn nắp, sạch sẽ. (Ảnh: Phúc Minh).
Một năm sau, Huy Việt Nam mở rộng hệ thống kinh doanh Món Huế từ 1 cửa hàng thành 5 cửa hàng. Đến năm 2013, tức giai đoạn 5 năm, cửa hàng Món Huế thứ 22 được khai trương.
Từ năm 2014 là giai đoạn phát triển thần tốc nhất của Món Huế. Năm này, Huy Việt Nam vận hành tổng cộng 29 cửa hàng. Chỉ một năm sau đó -2015, số lượng cửa hàng đã tăng lên gấp đôi, cán mốc 60 chi nhánh.
Với việc phát triển thần tốc chuỗi Món Huế, đây cũng là năm Món Huế và ông chủ Huy Việt Nam nhận được sự chú ý không chỉ của truyền thông mà còn từ các nhà đầu tư và quỹ ngoại.
Tính đến nay, chỉ riêng chuỗi Món Huế đã có tổng cộng 77 cửa hàng. TP HCM là nơi chuỗi Món Huế làm ăn tốt nhất, với 45 cửa hàng, Hà Nội có 25 điểm kinh doanh và các cửa hàng còn lại đặt tại Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Logo Phở Hùng, Món Huế tại cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn đã được gỡ bỏ. (Ảnh: Phúc Minh).
Tại TP HCM, các cửa hàng Món Huế hầu như phủ khắp các vị trí được xem là đắt đỏ nhất thành phố, từ những khu vực tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài, dân văn phòng đến các ngã tư nhiều người qua lại.
Chỉ tính riêng quận 1, Món Huế có 11 cửa hàng, chiếm gần 1/4 tổng số cửa hàng có mặt tại TP HCM. Tất cả vị trí mà Huy Việt Nam chọn đặt Món Huế đều là những khu vực được mệnh danh "đất vàng" như đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Đề Thám…
Đáng chú ý, bán kính của các cửa hàng này tối đa chỉ khoảng vài km, thậm chí một số cửa hàng Món Huế nằm cách nhau chỉ vài trăm mét, để phục vụ tối đa cho đối tượng dân văn phòng và khách du lịch.
"Trước đây, nhà hàng này đông lắm, nhất là trưa và chiều tối. Khách du lịch, những người làm tại khu vực này, vừa đi ăn, vừa tiếp đối tác, cứ đúng tầm giờ đó là nhộn nhịp. Tuy nhiên, không hiểu sao gần cả tháng nay đã đóng cửa, cũng không thấy thông báo hay ai chuyển đến thế chỗ", một nam bảo vệ chỉ về cửa hàng Món Huế nằm tại góc đường Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn, con phố đắt đỏ bậc nhất TP HCM, cho biết.
Sự phát triển nhanh chóng của Món Huế và có được lượng khách hàng riêng tại các thành phố lớn, đã khiến nhiều nhà đầu tư ngoại rót vốn vào doanh nghiệp này.
Năm 2015, Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV, do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lí, đã rót 15 triệu USD (300 tỉ đồng) cho Huy Việt Nam trong vòng gọi vốn series C.
Phở Hùng là thương hiệu nổi thứ hai của Nhà hàng Món Huế. (Ảnh: Phúc Minh).
Nếu tính luôn các khoản trước đó được rót bởi các quỹ ngoại như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners, Welkin Capital, số vốn mà Huy Việt Nam nhận được lên đến gần 100 triệu USD.
Với số vốn khủng này, Huy Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái các chuỗi nhà hàng, bên cạnh Món Huế. Phở ông Hùng là chuỗi thứ hai Huy Việt Nam quyết định kinh doanh và nổi tiếng không kém Món Huế.
Tháng 9/2014, cửa hàng Phở ông Hùng đầu tiên có mặt tại TP HCM, chỉ sau vài tháng, đến cuối năm, Huy Việt Nam đã khai trương cửa hàng phở thứ 14.
Thời điểm ra mắt, Phở ông Hùng vướng phải nghi vấn nhập nhằng tên thương hiệu với Phở Hùng khá nổi tiếng tại TP HCM. Tuy nhiên, ông Huy Nhật - Chủ tịch Huy Việt Nam, cho biết Phở Hùng đã nhượng lại thương hiệu cho công ty và nhượng luôn cả công thức nấu phở.
Tên tuổi của Phở Ông Hùng dù mới ra mắt nhưng nhanh chóng được nhiều người biết đến qua "thách thức" khách hàng nào ăn hết tô phở khổng lồ to gấp 4 lần tô phở đặc biệt bình thường sẽ được thưởng 1 triệu đồng.
Tổng số cửa hàng thuộc Nhà hàng Món Huế hiện nay hơn 200. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Dù sau đó, thách thức tô phở khổng lồ lại tiếp tục vướng nghi vấn gian lận thì hiện nay, chuỗi này chỉ đứng sau Món Huế về số lượng cửa hàng, với 55 điểm kinh doanh.
Tiếp đến là Cơm thố cháy, chuỗi này cũng ra mắt vào năm 2014. Trong năm này, chuỗi có 4 cửa hàng. Đến nay, Cơm thố cháy có tổng cộng 31 điểm kinh doanh.
Chuỗi Great Bánh mì & cafe ra mắt năm 2015, chỉ một năm sau đã có 5 cửa hàng. Hiện chuỗi thức ăn nhanh mang hương vị Việt này của Huy Việt Nam đang có 27 cửa hàng.
Ngoài tập trung phát triển các thương hiệu trên, hệ sinh thái của Huy Việt Nam vài năm trở lại đây còn có một số "em út" mới như Iki Sushi, House of Phở, Mì Quảng bếp Tâm, Nhà hàng Shilla Korean BBQ, trà sữa TP Tea, mỗi chuỗi không quá 10 cửa hàng.
Tính đến nay, toàn hệ thống Nhà hàng Món Huế có tất cả hơn 200 cửa hàng thuộc đầy đủ thương hiệu.
Một điểm thường thấy ở mô hình kinh doanh của Huy Việt Nam là gom các thương hiệu này vào cùng một cửa hàng ở dạng "bếp chung", nhằm tăng sự trải nghiệm cho khách.
Mô hình thường thấy của Món Huế là "bếp chung", cùng 1 cửa hàng có nhiều thương hiệu. (Ảnh: Phúc Minh).
Hướng đi này đã được ông Huy Nhật nghĩ đến kể từ khi đưa Món Huế kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, mô hình bếp chung đầu tiên của Món Huế cũng đặt tại TP HCM từ năm 2007.
Đầu năm 2019, Huy Việt Nam vừa khai trương 1 cửa hàng hoành tráng tại khu đô thị Sala (quận 2, TP HCM) với tên gọi "Food hall", cũng quy tụ đầy đủ các thương hiệu trong hệ sinh thái. Sau quận 1, khu Sala được xem là vị trí tiềm năng tiếp theo mà Món Huế để mắt tới, khi hàng loạt cao ốc văn phòng được chính thức đưa vào hoạt động, phù hợp với đối tượng khách hàng nhắm đến.
"Tại khu vực trung tâm TP HCM, tôi vẫn thường chọn các cửa hàng của Món Huế để ăn trưa hoặc gặp đối tác bàn công việc. Tôi rất bất ngờ khi gần 1 tháng nay, cửa hàng tại Đồng Khởi đóng cửa, Lê Thánh Tôn sát bên cũng đóng nốt nhưng tôi chưa biết việc hệ thống này dẹp toàn bộ", anh Quốc Phong - trưởng phòng một công ty tại quận 1, cho biết.
Theo anh, hệ thống này khá bài bản, phục vụ tốt đối tượng dân văn phòng, một nơi vừa ăn uống vừa giải quyết công việc với khách hàng. Ngoài ra, Món Huế cũng có nhiều chương trình cho khách hàng thân thiết là thẻ thành viên, với liên tục các đợt giảm giá 50%, giá ưu đãi trong các khung giờ quy định...
Tại sự kiện ra mắt "Food hall" quận 2, Món Huế đặt mục tiêu sẽ phát triển hơn nữa trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, chuỗi này đã âm thầm đóng cửa và để lại khoản nợ lên đến hàng chục tỉ với các nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm.
Theo cập nhật, trưa 23/10, phía Nhà hàng Món Huế lẫn công ty mẹ là Huy Việt Nam vẫn chưa đưa ra thông báo nào về việc bị các nhà cung cấp tố "quỵt" tiền công nợ. Nhiều nhà cung cấp cũng đã làm đơn tố cáo Món Huế về hành vi lừa đảo trên.
Kinh doanh 15:09 | 23/11/2019
Kinh doanh 19:09 | 14/11/2019
Kinh doanh 18:12 | 12/11/2019
Kinh doanh 11:17 | 08/11/2019
Tiêu dùng 15:00 | 04/11/2019
Tiêu dùng 06:00 | 31/10/2019
Kinh doanh 07:33 | 30/10/2019
Kinh doanh 06:05 | 29/10/2019