Quản trị doanh nghiệp từ câu chuyện Món Huế: Đừng gọi vốn khủng mà hi sinh tỉ lệ sở hữu

Món Huế hay Phở 24 đã thể hiện đầy đủ một thương hiệu đạt được sự thành công sớm nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh.
Quản trị doanh nghiệp từ câu chuyện Món Huế: Đừng gọi vốn khủng mà hi sinh tỉ lệ sở hữu - Ảnh 1.

Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group tiết lộ: "Câu chuyện món Huế đã qua vài lần thay đổi chủ sở hữu. Founder đầu tiên là một Việt kiều Mỹ, anh ấy bán lại cho người chủ sau này với giá khá hợp lí, khoảng 1 – 2 triệu USD, khi đó hệ thống không lớn như bây giờ. Nhưng thời điểm đó chủ sở hữu là người gốc Huế, anh ấy gửi tâm hồn vào món ăn, đặt tâm huyết vào món ăn khiến sản phẩm cực ngon. Với những người đã từng ăn món Huế thời điểm đó sẽ tỏ ra nuối tiếc, tiếc thương cho thương hiệu này".

Kinh doanh kiểu dàn hàng ngang

- Dường như đây là một cái kết được báo trước khi Món Huế mở rộng thành chuỗi với tốc độ phát triển quá nhanh thưa ông?

Qua câu chuyện Món Huế thất bại có mấy vấn đề đáng phải bàn:

Thứ nhất, Giá trị sản phẩm cốt lõi bao gồm: Giá trị hữu hình là món ăn và giá trị tinh thần là tinh thần, cốt cách của người Huế truyền đạt trong món ăn không còn giữ được.

Thứ hai, bản thân các món ăn mang tính địa phương, dân tộc, cổ truyền khó có thể nhân rộng quy mô thành chuỗi. Ở Việt Nam duy nhất có một nhà hàng được ghi vào trong cuốn sách hướng dẫn khi đến Việt Nam buộc phải thử, có thương hiệu trên 100 năm là chả cá Lã Vọng. Họ có mở thêm 1 cửa hàng ở Ba Đình nhưng không thành công.

Trong câu chuyện của món Huế khi nhân rộng thành chuỗi bắt đầu có vấn đề quản lí và điều hành. Vấn đề bếp trung tâm có đảm bảo chất lượng, phong cách phục vụ của nhân viên có tốt hay không… đã được bàn luận rất nhiều nên tôi không bàn luận. Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh chính việc thay đổi cơ cấu chủ sở hữu đã làm mất đi toàn bộ bản chất của hệ thống này.

Có thể hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ món Huế chưa chắc đã mất tiền vì ít nhất những người tôi biết họ bán rất được giá. Lần bán cuối cùng lên tới 70 triệu USD cho hàng trăm cửa hàng. Sau khi bán với giá 70 triệu USD thì người mua sau này họ sẽ làm gì với thương hiệu này?

Các nhà đầu tư cứ tham lam, thích đầu tư chiếm tỉ lệ chi phối. Khi các nhà đầu tư tài chính chiếm quá lớn thì người vận hành không còn quyền lợi, không còn động lực sáng tạo và đây là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến cái kết của Món Huế ngày hôm nay.

- Nói như vậy có nghĩa năng lực quản trị kém chính là nguyên nhân gây thất bại của Món Huế thưa ông?

Đúng vậy! Quản trị không gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi giữa người quản trị và người điều hành.

Trong công tác quản trị cần phải phân biệt rõ: Quản trị liên quan đến quyền quyết định, quyền lợi cổ đông, tỉ lệ sở hữu, và những vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển. Còn vận hành là quá trình khác, nếu có người vận hành tốt doanh nghiệp vẫn có thể chạy được.

Nhưng vấn đề quản trị là tính trách nhiệm, cũng như việc đưa ra hướng chiến lược không còn nữa thì họ không còn động lực, cam kết ràng buộc để tiếp tục đi cùng.

Riêng với cá nhân, tôi rất không thích đầu tư vào các sản phẩm mang tính chất truyền thống, phụ thuộc quá nhiều vào con người vì khi con người đó rút ra rồi thì không còn có ý nghĩa gì nữa.

Giống câu chuyện CENLAND là công ty thuần môi giới, dịch vụ vì sao các quỹ đầu tư của chúng tôi chỉ đầu tư đến 25 - 30%, họ bắt buộc chúng tôi - những người founder phải nắm giữ 51% và cam kết trong suốt thời gian họ đầu tư ở đấy thì chúng tôi không được rút vốn.

- Cách làm ăn với tâm thế đánh nhanh rút gọn dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thương trường Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến hệ luỵ như thế nào thưa ông?

Báo cáo gần đây của Quỹ đầu tư Singapore cho thấy, ở Việt Nam cách thoái vốn phổ biến nhất của các startup là bán lại cổ phần. Đây là cách thoái vốn tôi cho rằng nhiều hệ luỵ vì khi các nhà đầu tư thoái vốn họ rút khỏi hệ thống sẽ để lại hệ quả lớn.

Ngày xưa Phở 24 cũng gặp vấn đề tương tự khi bán lại thương hiệu cho doanh nghiệp nước ngoài. Người bán thành công nhưng người mua lại hỏng. Món Huế, Phở Hùng... đều gặp vấn đề tương tự.

Đối với mô hình này, việc đầu tư phát triển chuỗi đã khó, việc quản trị còn khó hơn rất nhiều khi tính chất nó phụ thuộc lớn vào con người.

Đâu đó một vài thương vụ bất động sản đã bán được con số lên tới 50 – 70 chục triệu USD nhưng chủ mới đang lao dốc rất thảm hại vì người đó không nằm trong hệ thống điều hành nên không thể hiểu được vận hành.

Hay một số mô hình khác như dịch vụ sau khi chuyển nhượng xong người chủ mới chỉ nắm về tài chính mà không nắm giữ được mô hình kinh doanh cốt lõi nên dần dần sẽ bị hỏng.

- Ông có thể chia sẻ về cách quản trị doanh nghiệp để các startup tránh đi vào những bước sai lầm?

Mới đây tôi có một tuyên bố tôi chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nào mà người Founder phải nắm tỉ lệ chi phối. Còn nếu doanh nghiệp có 3 - 4 founder dàn hàng ngang chiếm tỉ lệ chi phối từ 20 – 30% thì tôi không đồng ý. Tôi đã từng từ chối một thương vụ ở Shark Tank Việt Nam vì lí do này.

Đối với các bạn khởi nghiệp đang kêu gọi vốn đừng quá cố gắng gọi số lượng vốn lớn mà hi sinh tỉ lệ sở hữu của mình. Gọi vốn bằng cách bán cổ phần là trường hợp cực chẳng đã, phải nghĩ đến cuối cùng vì vốn của chủ sở hữu là thứ quan trọng nhất, quyết định đến quyền trong quản trị của mình.

Trong quản trị doanh nghiệp có khái niệm "Tam Đối": Đối nhân, đối vốn, và đối tác. Đối nhân là quan trọng nhưng đối vốn quan trọng hơn bởi tất cả các vấn đề liên quan đến quản trị là liên quan đến đối vốn. Ai vốn lớn là người có quyền quyết định, có quyền chi phối. Vợ chồng với nhau thậm chí còn không thống nhất được huống hồ là 4 – 5 người.

Trong trường hợp này các bạn đang khởi nghiệp phải luôn luôn giữ quyền này của mình, không bao giờ được hi sinh với bất kỳ giá nào để các bạn được toàn quyền quyết định chiến lược phát triển, được làm việc theo đúng ý mình, có động lực làm việc, nếu không lập tức trở thành người đi làm thuê.

- Với các startup Việt Nam đang trong quá trình gọi vốn ông có đưa ra lời khuyên gì?

Tôi thấy khá nhiều các bạn trẻ kêu gọi số tiền lớn, khủng và sẵn sàng hi sinh tỉ lệ cổ phần rất cao miễn là được thực hiện đam mê. Nhưng đam mê của các bạn chỉ là tức thời đến một lúc nào đó đam mê thành hiện thực rồi các bạn lại thấy tiếc, lại lăn tăn.

Trong kinh doanh vấn đề năng lực, kiến thức là cần thiết nhưng đam mê, động lực là quan trọng để quyết định thành công.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.