Chuyên gia thương hiệu lí giải vì sao Món Huế có cả trăm mặt bằng đắt đỏ, đốt hàng chục triệu USD lại chết

Nhà sáng lập cà phê Passio, ông Đoàn Đình Hoàng cho rằng Món Huế thất bại vì hướng đi sai lầm về mặt bằng và chiến lược kinh doanh.

Món Huế đóng cửa là một trường hợp rất đặc biệt

Nhận định câu chuyện đồng loạt các cửa hàng Món Huế đóng cửa, hàng chục nhà cung cấp thực phẩm "tố" thiếu tiền công nợ hàng chục tỉ đồng và nhóm các nhà đầu tư ngoại rót 70 triệu USD vào Món Huế khởi kiện ông Huy Nhật, chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho rằng đây là một trường hợp rất đặc biệt, là tâm điểm chú ý của dư luận, dù tuần qua vốn có nhiều sự kiện nóng.

Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định sự thất bại của Món Huế là một kết quả đã được báo trước. 

Ông Đoàn Đình Hoàng nói rằng tính đến thời điểm này, Món Huế vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào về tổng số tiền công nợ nhà cung cấp, nợ lương nhân viên và các khoản đầu tư  được các quỹ rót vào. Các con số nợ và thông tin tuần qua mới chỉ ước đoán từ các nhà cung cấp.

IMG_7930

Chuyên gia Đoàn Đình Hoàng cho rằng Món Huế phải đóng cửa vì đã mất khả năng tài chính chi trả cho các khoản chi phí. (Ảnh: Phúc Minh).

Khoản tiền nợ nhà cung cấp, theo thông tin hiện nay khoảng 50 tỉ đồng. Nếu có thêm những nguồn khác tính tròn cũng 80-100 tỉ thôi. Con số đáng quan tâm là Món Huế đang có khoản nợ phải trả khoảng 800 tỉ đồng. Và nhà đầu tư cho biết họ đã rót 70 triệu USD vào Huy Việt Nam. Nhiều giả thiết đặt ra Món Huế không thể nào đốt hết số tiền 70 triệu USD, tương đương 1.600 tỉ của nhà đầu tư chỉ sau vài năm, rất có thể dòng tiền đã chảy đi đâu đó.

Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm đầu tư chuỗi F&B, chuyên gia thương hiệu này cho rằng Món Huế phải đóng cửa hàng loạt vì đã mất khả năng tài chính chi trả cho các khoản chi phí gồng gánh hàng ngày cho hơn 200 điểm kinh doanh. Chi phí vận hành hơn 200 cửa hàng của chuỗi F&B không hề đơn giản.

"Trong kinh doanh quy mô lớn, doanh thu và chi phí không còn tính như bán hàng truyền thống nữa. Nếu chi phí cao, doanh thu thấp thì buộc phải kiếm tiền bù vào, để duy trì hoạt động. Ngay cả các doanh nghiệp lớn có lộ trình, có khả năng tài chính to hơn doanh thu trong 3-5 năm đầu tiên nhưng bắt buộc phải nằm trong tầm kiểm soát, các năm sau đó mới là năm sinh ra lợi nhuận", chuyên gia Đoàn Đình Hoàng phân tích. 

Điều ông Hoàng và giới kinh doanh chuỗi F&B quan tâm là Món Huế đã có mặt trên thị trường 12 năm, khoảng thời gian không hề ngắn với kinh doanh chuỗi ăn uống, nhưng vẫn thất bại. 

Lật lại báo cáo tài chính của Món Huế trong 3 năm gần nhất, nếu như năm 2016, doanh nghiệp chỉ lãi 300 triệu đồng thì sang năm 2017, lỗ 54 tỉ đồng và tiếp tục lỗ 50 tỉ năm 2018. Lũy kế trong 3 năm này, Món Huế đang lỗ đến 107 tỉ đồng. 

Nhóm nhà đầu tư nói bị Món Huế lừa là ít có khả năng xảy ra?

Ông Hoàng nói rằng kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, với việc có hơn 200 mặt bằng, toàn đặt tại những vị trí đắc địa nhất TP HCM như Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng… (quận 1), cùng nhà xưởng mà doanh thu tạo ra không bù đắp nổi chi phí, thì việc Huy Việt Nam đốt sạch hàng chục triệu USD đã được nhà đầu tư rót vào là hoàn toàn có khả năng.

"Bản chất của đóng cửa, phá sản là nguồn tiền chi trả cho nhu cầu như đến hạn trả lương nhân viên, công nợ cho nhà cung cấp, nhưng doanh nghiệp cạn kiệt. Nguồn tiền trong trường hợp này đã không đủ để bù đắp", chuyên gia Đoàn Đình Hoàng khẳng định.

IMG_7968

Theo chuyên gia, khi không còn đủ khả năng tài chính, Món Huế buộc phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng. (Ảnh: Phúc Minh).

Khi doanh nghiệp không còn khả năng bù đắp dòng tiền, đang thiếu tiền nhà cung cấp và cả lương nhân viên thì không thể mở cửa kinh doanh, vì không có nguyên liệu, không còn lao động. Đặc biệt, người chủ cho thuê mặt bằng, nếu nợ tiền thì ngay lập tức họ sẽ thu lại mặt bằng ngay. Chủ mặt bằng chính là nỗi lo lớn nhất của người kinh doanh. Bởi khi không đáp ứng đủ các điều kiện hợp đồng thuê mặt bằng, người thuê không chỉ bị thu hồi địa điểm kinh doanh, mà còn mất luôn "cả cục" tiền cọc. 

"Khó khăn của Món Huế là do cạn kiệt nguồn tiền, không có khả năng trả nợ đáo hạn buộc phải đóng cửa. Còn về các quỹ đầu tư không thể nói mình bị lừa. Những quỹ này sinh ra để cầm tiền đi đầu tư, mà nói bị lừa đảo thì rất khó xảy ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề sau đó, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì sẽ rõ Món Huế đang có vấn đề gì", chuyên gia Đoàn Đình Hoàng nói.

Ông khẳng định Người chịu thiệt lớn nhất trong câu chuyện Món Huế đóng cửa ở đây chính là các đối tác cung ứng nguyên liệu và người lao động.

Món Huế trục trặc ở đâu?

Phân tích kĩ hơn về thất bại của Món Huế, ông Hoàng cho rằng Món Huế có rất nhiều mặt bằng thuộc hạng đắt đỏ nhất tại TP HCM, đây là yếu tố quan trọng trong kinh doanh chuỗi nhà hàng, ẩm thực.

IMG_7969

Theo ông Đoàn Đình Hoàng, dù Món Huế sở hữu nhiều vị trí vàng để kinh doanh nhưng thực tế về tổng thể, các vị trí này không đem lại nhiều hiệu quả. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sâu vào số lượng mặt bằng "vàng" chuỗi sở hữu thì lại có vấn đề. Bởi các mặt bằng "vàng" này đã bị đặt chỏi nhau, không làm tối ưu hoá mô hình kinh doanh, khiến chính các cửa hàng có thể phải "đấu đá" nhau.

Điều này có thể thấy rõ trên nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM, chỉ cách nhau vài trăm mét tại quận 1, có cùng lúc nhiều cửa hàng Món Huế, đấy là chưa kể các chuỗi khác cũng thuộc Huy Việt Nam cùng kinh doanh.

So sánh với Redsun, đơn vị vận hành các chuỗi King BBQ, ThaiExpress, Hotpot Story, Tasaki BBQ, Bukbuk, Khaolao… và Golden Gate sở hữu các chuỗi Gogi House, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Hutong, Vuvuzela… chuyên gia này cho rằng mặt bằng của Huy Việt Nam thua xa đối thủ.

Theo nhà sáng lập cà phê Passio, Guta, Redsun và cả Golden Gate đều biết cách có được nhà cung cấp mặt bằng là các trung tâm thương mại. Bất cứ trung tâm thương mại nào ra mắt, họ cũng có mặt khai trương cửa hàng tại vị trí đó. Khu "food court" tại các trung tâm thương mại được xem là mỏ vàng để 2 chuỗi này phát triển hệ sinh thái của mình.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-26 lúc 15

Tình hình kinh doanh hiện nay của Huy Việt Nam so với Redsun và Golden Gate. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

"Cách tư duy về mặt chiến lược của họ tốt hơn nhiều Huy Việt Nam. Cách làm của Huy là dựa trên nền tảng ẩm thực Việt, ngược lại Redsun và Golden Gate là ẩm thực du nhập từ Hàn, Nhật, Thái, Hoa… Nếu ăn uống mỗi ngày, 100% người Việt sẽ đi ăn hàng Việt, nhưng đi ăn với bạn bè, người ta cần ẩm thực những nước khác. Và nếu chọn Hàn, Nhật, Thái… thì vào cỡ nào cùng là cửa hàng do họ cung cấp", chuyên gia khẳng định.

Cái hay của Redsun và Golden Gate chính là kết hợp giữa làm tốt mặt bằng và chiến lược về thương hiệu đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Họ tư duy thị trường rất tốt, chỉ cần "thay đồng phục" là kiểu nào cũng có thể khiến thực khách "móc hầu bao".

"Trục trặc của Món Huế không gì đáng ngạc nhiên. Còn tại sao cổ đông không bơm tiền tiếp, để có vốn duy trì kinh doanh, tôi cho rằng có tính toán, cân nhắc. Bơm mà biết cứu được thì mới bơm, nhưng nếu bơm mà mất tiếp thì nhất thiết phải nhìn nhận lại vấn đề của chuỗi", chuyên gia Đoàn Đình Hoàng khẳng định.