Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quí Trung: Nhà hàng có đông khách đến đâu nhưng chỉ tối về đếm tiền lẻ mới biết lời hay lỗ

Doanh nhân Lý Quí Trung tiết lộ nhiều nhà hàng thấy đông khách, hào nhoáng nhưng tiền thu về không đủ chi, chi phí lúc nào cũng tăng theo thời gian trong khi giá trên menu khó thể nào tăng kịp. Ông nói: “Núi cũng phải lở nói chi đến nhà hàng”.

Hơn 10 ngày kể từ khi các nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, thiết bị "tố" Nhà hàng Món Huế thiếu tiền công nợ lên đến hàng chục tỉ đồng rồi biến mất, đến nay, phía Món Huế vẫn chưa có bất kì thông tin chính thức nào về vụ việc này. Nhóm nhà đầu tư vào chuỗi Món Huế cho rằng ông Huy Nhật vẫn ở Việt Nam, còn người phụ nữ đứng ra chia sẻ với truyền thông nhưng không để lộ danh tính thực tế không phải là nhà đầu tư vào chuỗi này.

Không gì buồn hơn cảnh bảng hiệu bị tháo xuống

Là nhà sáng lập thương hiệu Phở 24 và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, doanh nhân Lý Quí Trung tỏ vẻ cảm thông về sự thất bại của Món Huế hơn là đi vào phân tích những nguyên nhân khiến chuỗi này phải đóng cửa toàn hệ thống trong những ngày cuối tháng 10. Ông cũng thừa nhận Món Huế từng là một thương hiệu lớn và là một mô hình chuỗi mơ ước của các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B.

IMG_8018

Hiện nhiều cửa hàng Món Huế đã tháo dỡ toàn bộ logo. (Ảnh: Phúc Minh).

"Ai có mở nhà hàng rồi mới biết, không có gì buồn hơn là cái cảnh vắng khách đìu hiu, còn tháo bảng hiệu xuống thì thôi khỏi nói, buồn kinh khủng", nhà sáng lập Phở 24 trải lòng trên Facebook cá nhân về việc Món Huế đóng cửa.

Doanh nhân Lý Quí Trung cho biết thêm, với những người kinh doanh trong lĩnh vực F&B, không chỉ "đứa con" đóng cửa, mà cảnh "nợ trước nợ sau bủa vây", thì đúng là "ngoài sức chịu đựng".

Đó là một cú sốc không thể nào lớn và đau lòng hơn.

"Không ai ngờ một công ty thuộc loại hùng mạnh trong lĩnh vực F&B như vậy lại phá sản gần như qua một đêm. Bất ngờ. Bỡ ngỡ. Và không khỏi chạnh lòng", ông Lý Quí Trung nói về cảm xúc của mình về sự thất bại của Món Huế.

Ông gọi Món Huế là một "đấu sĩ Matador" hùng mạnh nhưng cuối cùng cũng phải đổ gục trước sức mạnh và sự hung hăng của bò tót. Doanh nhân Lý Quí Trung khẳng định con bò tót này chính là thị trường nghiệt ngã F&B.

"Ngành ẩm thực là như vậy, thưởng và phạt quá dữ dội. Vinh quang thì ít ai bằng, nhưng thất bại thì gần như đến tận cùng", nhà sáng lập chuỗi Phở 24, và cũng đã bán toàn bộ thương hiệu nay, nhận định.

Chỉ tối về đếm tiền mới biết lời hay lỗ

Doanh nhân Lý Quí Trung đánh giá kinh doanh ngành F&B rất khắc nghiệt và không hào nhoáng như những gì bên ngoài mọi người thấy. Ông cho rằng dù bên ngoài có đẹp, có sang, nhiều khách, mặt bằng đẹp cỡ nào thì chỉ một mình ông chủ mới là người biết rõ nhất.

Ông cho rằng đây là một thực trạng chung của kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, ở đâu cũng vậy, không chỉ riêng tại Việt Nam.

IMG_7969

Các thương hiệu thuộc Nhà hàng Món Huế hiện đã đóng cửa. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông dẫn chứng tại Australia, ông thường ghé vào một tiệm bún bò Huế hiệu Đông Ba. Đây là một quán thuộc loại nổi tiếng, thức ăn nêm nếm đậm đà, giá cả phải chăng nên lúc nào cũng đông khách. Vậy mà gần đây cũng phải đóng cửa, đổi chủ.

Cùng chung cảnh ngộ với Đông Ba là một cửa hàng chuyên bánh xèo khác gần đó, dưới góc nhìn một thực khách, ông cũng đánh giá cao cửa hàng này vì luôn đông nghẹt, nhưng cuối cùng cũng phải thay chủ, đổi tên.

"Không ít người thấy mấy tiệm tháo bảng hiệu này kinh doanh khấm khá quá, tiền để đâu cho hết nhưng chỉ có chủ nhà hàng là biết rõ tình hình khi cuối ngày về nhà đếm tiền", doanh nhân Lý Quí Trung khẳng định.

"Nhà hàng thấy đông vui như vậy nhưng chưa chắc số tiền thu về đủ để bù cho số tiền chi ra, núi cũng phải lở nói chi đến nhà hàng. Cũng dễ hiểu, vì chi phí thì lúc nào cũng tăng theo thời gian trong khi giá cả ghi trên menu khó có thể nào tăng kịp", ông Trung phân tích.

Theo doanh nhân này, chi phí là một bài toán khó với các mô hình F&B hiện nay. Giữa muôn vàn thương hiệu và các loại thức ăn khác nhau, để giữ và thu hút khách, các nhà hàng này lại phải đổ tiền cho khuyến mãi hoặc các chương trình tương tự, như khách hàng thân thiết. Vì vậy, bài toán về chi phí và lợi nhuận lại càng thêm khó khăn.

Có nên mua luôn mặt bằng để kinh doanh F&B

Khó khăn nhất với những người kinh doanh trong lĩnh vực F&B, doanh nhân any2 khẳng định chính là mặt bằng. Nếu như kinh doanh đơn lẻ tìm một mặt bằng đẹp, chi phí tốt đã khó, thì kinh doanh chuỗi lại càng khó gấp nhiều lần.

IMG_7999-crop

Một mặt bằng của Món Huế nằm tại góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi (quận 1), một trong những khu vực đắt đỏ tại TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh).

Bài toán này lại càng nan giải hơn trong bối cảnh giá thuê mặt bằng hiện năm sau cao hơn năm trước. Những vị trí thuộc hạng "đất vàng" tại TP HCM như quận 1, quận 3 sẽ lên đến hơn trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng. Đấy là chưa kể việc thuê mặt bằng cũng không được dài hạn, nếu như chủ nhà quyết định lấy lại, ngặt nỗi tình hình kinh doanh cửa hàng lúc ấy đang đông khách và khấm khá.

Tại Australia, doanh nhân này cho biết Phở An là một thương hiệu sở hữu nhiều vị trí đẹp, nhiều thông tin cho rằng ông chủ của nó đã mua đứt những địa điểm này để kinh doanh.

Hay một ông lớn trong lĩnh vực F&B của thế giới chính là McDonald's có chiến lược mua luôn mặt bằng để tự kinh doanh, hoặc cho đối tác mua nhượng quyền thuê lại.

"Vừa có tiền cho thuê, vừa ổn định vị trí cửa hàng, vừa lãi thêm tiền đầu tư bất động sản mà số lượng cửa hàng chỉ có đi lên chứ khó khi nào đi xuống. Cho nên cũng không quá khi nói rằng McDonald's là công ty kinh doanh bất động sản chứ không phải kinh doanh nhà hàng", doanh nhân Lý Quí Trung phân tích.

Liên tưởng đến các thương hiệu F&B tại Việt Nam, nhà sáng lập Phở 24 cũng đặt vấn đề "cứ mua luôn mặt bằng là nằm đó tương đối bền vững".

IMG_6914

Doanh nhân Lý Quí Trung cho hay nếu như có điều kiện, các doanh nghiệp có thể mua luôn mặt bằng để không có tình trạng giá thuê ngày càng cao. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, ông khẳng định mua luôn mặt bằng để mở nhà hàng chỉ là cuộc chơi của những đại gia lắm tiền, nhiều của. Bởi không phải ai cũng có điều kiện, nhất là những chủ nhà hàng kinh doanh theo mô hình chuỗi.

Theo doanh nhân này, nguyên nhân là tất cả ưu tiên tài chính khi kinh doanh chuỗi đều dành hết để xây dựng hệ thống quản trị, tìm mặt bằng và trả chi phí cho các mặt bằng này.

Nhà sáng lập Phở 24 khẳng định ngành F&B rất nghiệt ngã, dù nhiều kinh nghiệm thế nào đi nữa thì cũng có thể sai trong một nước cờ. Khi đó, sụp đổ là không thể tránh khỏi, và Món Huế là một điển hình.