YouTube hiện là ứng dụng được người dùng Việt Nam sử dụng nhiều thứ hai, theo báo cáo của Qandme. Chính vì thế việc các doanh nghiệp đưa hình ảnh, sản phẩm lên kênh YouTube để quảng cáo cũng không còn là câu chuyện mới.
Đối với các trung tâm, bệnh viện thẩm mĩ, "sản phẩm" của những doanh nghiệp là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Chính vì thế trên kênh YouTube của các bệnh viện, phòng khám này thường là các các hình ảnh của khách hàng tới sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, có rất nhiều clip được đẩy lên YouTube với hình ảnh nhạy cảm.
Một số hình ảnh thăm khám trên kênh Thẩm mỹ Thu Cúc. (Ảnh chụp màn hình, đã được chúng tôi làm mờ).
Điển hình, tuần qua, một số nhóm mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip từ kênh YouTube có tên Thẩm mỹ Thu Cúc. Kênh này có hơn 580.000 lượt sub. Nội dung gồm hàng trăm clip xoay xung quanh việc thẩm mĩ nâng ngực.
Khách hàng xuất hiện trong clip là những người đến tái khám, hoặc được thăm khám khi mới phẫu thuật xong chưa lâu.
Rất nhiều clip trong đó ghi lại toàn bộ cảnh nam bác sĩ hỗ trợ cởi áo, sau đó sờ nắn ngực khách hàng để kiểm tra tình trạng sau phẫu thuật. Trong những clip này, các nữ khách hàng chỉ sử dụng miếng dán nhỏ ở đầu ngực. Clip không được sử dụng kĩ thuật để che mờ phần nhạy cảm hoặc che mờ rất sơ sài.
Bên cạnh những thao tác kiểm tra, thăm khám, kênh Thẩm mỹ Thu Cúc còn có một số clip ghi lại cảnh bác sĩ nam hướng dẫn nữ khách hàng massage ngực khá nhạy cảm.
Để tăng sự chú ý với người xem, kênh Thẩm mỹ Thu Cúc còn sử dụng hàng loạt tựa đề lạ với những cụm từ như: "Cận cảnh bác sĩ nam hướng dẫn em gái massage ngực..."; "em gái SL"; "to vừa tay"; "được bác sĩ xoa nắn"...
Trong nhiều clip, nam bác sĩ cũng dành những lời khen về bộ ngực đẹp của khách hàng. Ngược lại, khách hàng cũng tỏ ra rất vui vẻ, tự tin với vòng một sau khi được "nâng cấp" và cũng dành cho cơ sở thẩm mĩ nhiều lời hoa mĩ.
Một số clip của Kênh Thẩm mỹ Thu Cúc có sự xuất hiện của một số diễn viên, nhân vật được nhiều người biết đến trên cộng đồng mạng, trong đó có diễn viên Liên "Tít" từng đóng phim Quỳnh búp bê. Tuy nhiên, với các nhân vật này thì nội dung clip chỉ dừng lại ở mức chia sẻ câu chuyện thẩm mĩ, dịch vụ của cơ sở thẩm mĩ. Nễu nhân vật cởi đồ để thăm khám thì các khung hình đều được quay từ phía sau hoặc tránh vùng nhạy cảm.
Những clip liên quan đến câu chuyện nâng ngực của kênh Thẩm mỹ Thu Cúc đã xuất hiện trên YouTube trong nhiều tháng trước đó và thường có lượng view từ vài chục nghìn đến hàng triệu view mỗi clip.
Sau khi thu hút sự chú ý của dư luận, đến sáng 5/12 vừa qua, toàn bộ các clip trên kênh Thẩm mĩ Thu Cúc đều đã được xóa bỏ. Mặc dù vậy, hiện đường link dẫn đến kênh YouTube này vẫn được nhúng trên website của Thẩm mỹ Thu Cúc.
Một kênh YouTube khác có nội dung tương tự Thẩm mỹ Thu Cúc là "Thẩm mỹ Minh Phương - Thạc sĩ Bác sĩ Văn Cường". Kênh này đang có hơn 53.000 lượt sub, đã đăng tải khoảng gần 200 clip và chủ yếu là các clip liên quan đến nâng ngực.
Nếu như kênh Thẩm mỹ Thu Cúc vẫn có những clip được dùng kĩ thuật làm mờ thì kênh Thẩm mỹ Minh Phương - Thạc sĩ Bác sĩ Văn Cường hầu như không có clip nào được che mờ phần ngực của nữ giới sau khi cởi áo.
Các nữ khách hàng chỉ được dán miếng che rất nhỏ ở đầu ngực. Kênh này cũng có các hình ảnh bác sĩ sờ nắn ngực nữ khách hàng để thăm khám hoặc massage, hình ảnh thậm chí còn cận cảnh, chi tiết hơn kênh Thẩm Mỹ Thu Cúc.
Hình ảnh thăm khám của Thẩm mỹ Minh Phương. (Ảnh chụp màn hình, đã được chúng tôi làm mờ).
Ngoài ra, kênh Thẩm mỹ Minh Phương - Thạc sĩ Bác sĩ Văn Cường còn đăng tải một số clip ở trong phòng phẫu thuật. Có clip, có thể nhìn thấy rõ ekip phẫu thuật đang làm việc, thấy được cảnh thấm máu, đưa túi ngực vào cơ thể nữ khách hàng… Đồng thời với việc quay lại cảnh phẫu thuật này, một giọng nam dẫn clip liên tiếp đưa ra những lời giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ của Thẩm mỹ Minh Phương.
Hiện các clip của kênh Thẩm mỹ Minh Phương - Thạc sĩ Bác sĩ Văn Cường vẫn tồn tại trên YouTube. Kênh này cũng được nhúng trên website của Thẩm Mỹ Minh Phương. Trên fapage của cơ sở thẩm mĩ này cũng có khá nhiều hình ảnh quảng cáo hở hang.
Theo Khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Khoản 3, Điều 8 nêu rõ một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, đó là: "Quảng cáo thiếu thẩm mĩ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mĩ tục Việt Nam."