Món Huế bất ngờ đóng cửa, ngưng kinh doanh, nhóm nhà đầu tư ngoại có đòi được 70 triệu USD nếu doanh nghiệp cạn tiền?

Theo luật sư, việc nhóm nhà đầu tư ngoại có đòi được số tiền 70 triệu USD đã đổ vào Món Huế hay không phải xác minh khả năng thi hành án của ông Huy Nhật. Trường hợp ông này cạn tiền, không còn tài sản sẽ khó để thi hành án.

Nhà đầu tư khởi kiện ông Huy Nhật hay Công ty TNHH nhà hàng Món Huế?

Liên quan vụ Công ty TNHH nhà hàng Món Huế và công ty mẹ Huy Việt Nam Group Limited nợ hàng chục tỉ đồng tiền hàng của đối tác cung ứng nguyên liệu và mất tích những ngày qua, ngày 24/10, các nhà đầu tư ngoại cho biết đã xem xét khởi kiện ông Huy Nhật - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch ra TAND TP HCM.

Nhóm nhà đầu tư này trước đó cũng đã thành công trong việc xin lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài, do cho rằng ông Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Món huế

Một cửa hàng của Món Huế trên đường Cao Thắng đã đóng cửa. (Ảnh tư liệu: Phúc Minh).

Các thành viên của nhóm bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Kể từ năm 2013 đến nay, họ đã rót vốn hơn 70 triệu USD (khoảng 1.600 tỉ đồng) vào Huy Việt Nam.

Song, vấn đề pháp lí đặt ra: liệu nhóm nhà đầu tư này có đủ điều kiện để khởi kiện hay không?

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), việc trước tiên cần xác định nhóm đầu tư ngoại rót 70 triệu USD cho ông Huy Nhật theo hình thức nào. Nếu trường hợp đầu tư theo hình thức giao khoản tiền này cho cá nhân ông Huy Nhật, thì có quyền khởi kiện Chủ tịch Huy Việt Nam.

Đối với trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn vào các doanh nghiệp sở hữu hệ thống Món Huế, thì phải khởi kiện đối với doanh nghiệp này.

"Do đó, cần phải xác định hình thức đầu tư của các nhà đầu tư này đầu tư. Từ đó, xác định nên khởi kiện ông Huy Nhật hay doanh nghiệp sở hữu hệ thống Món Huế", luật sư Hùng phân tích.

Luật sư cho biết thêm nếu được tòa án chấp thuận, các nhà đầu tư ngoại cần xác định yêu cầu của mình trong vụ việc này. Nếu trường hợp hòa giải không thành thì tòa phải đưa vụ án ra xét xử.

"Đặt biệt, việc đòi tiền này phải xác minh khả năng thi hành án của ông Huy Nhật. Trường hợp ông Huy Nhật không có tài sản gì thì cũng khó để thi hành án được", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Tòa án sẽ ưu tiên trả tiền lương cho người lao động

Theo quy định của Luật phá sản năm 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã được cho là mất khả năng thanh toán, khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Do đó, luật sư Hùng cho rằng phía doanh nghiệp sở hữu hệ thống Món Huế có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản, trong trường hợp công ty mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, chủ nợ, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trả lương đối với người lao động, nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

img7968-1571903323956520506050

Huy Việt Nam biến mất, để lại cả bàn ghế trong cửa hàng. (Ảnh tư liệu: Phúc Minh).

"Nếu Món Huế có thiện chí và có khả năng sẽ chi trả cho người lao động theo hợp đồng đã kí kết. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cố tình không thanh toán, thì vụ việc buộc phải đưa ra tòa án giải quyết", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 47 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014, tiền lương, trợ cấp mất việc làm, tổn thất về tinh thần... cho người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán, sau đó mới đến án phí và các khoản thi hành án khác.

"Theo đó, khi có phán quyết của tòa án, việc thanh toán sẽ ưu tiên trả tiền lương cho người lao động trước. Tuy nhiên, cần phải xác minh điều kiện thi hành án. Nếu phía doanh nghiệp không có khả năng chi trả, và không có tài sản thì không thể thi hành án", luật sư nêu.

Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho Nhà hàng Món Huế cũng đã gửi đơn tố cáo công ty này, khi chưa thanh toán tiền công nợ nguyên vật liệu với con số tạm tính của khoảng 50 nhà cung cấp lên đến 30 tỉ đồng. Họ cho rằng Món Huế có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, trường hợp này chỉ là tranh chấp dân sự, chưa thể xác định có dấu hiệu hình sự hay không. Bởi, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy ông Huy Nhật cố tình dùng thủ đoạn gian dối để chiếm dụng số tiền nêu trên.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.