Nhà đầu tư chuỗi Món Huế: Tôi chưa hiểu vì sao sụp đổ nhanh vậy

Chiều 25/10, bà K.H, người nhận đại diện cho nhóm đầu tư cá nhân trong nước tại Công ty TNHH Huy Việt Nam, đã xuất hiện với mong muốn "đính chính" những thông tin về cá nhân bà trong vai trò nhà đầu tư tại công ty Huy Việt Nam.
Nhà đầu tư chuỗi Món Huế: Tôi chưa hiểu vì sao sụp đổ nhanh vậy - Ảnh 1.

Bà K.H trong buổi phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online. (Ảnh: DUYÊN PHAN).

Cho đến lúc này, đây được xem là phát ngôn chính thức từ phía người "có quyền" liên quan đến công ty Huy Việt Nam, doanh nghiệp đang bị tố cáo nợ hàng chục tỉ đồng của nhà cung cấp, lương nhân viên và chủ chuỗi Món Huế đã đóng cửa hàng loạt.

Theo một vài tài liệu, bà K.H từng là Giám đốc điều hành của Công ty Huy Việt Nam. Tuy nhiên, bà K.H phủ nhận vai trò này trong buổi phỏng vấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà K.H (đề nghị giấu tên) cho biết: Quyết định xuất hiện với truyền thông lúc này vì tôi cảm thấy có trách nhiệm phải trấn an nhà cung cấp, cũng như nhân viên của Công ty Huy Việt Nam, dù chấp nhận một áp lực lớn. Bởi đến lúc này chưa có đại diện nào của Huy Việt Nam xuất hiện để liên lạc với mọi người.

- Có ý kiến cho rằng bà xuất hiện để đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ việc lừa đảo lớn được gây ra bởi Chủ tịch Công ty - ông Huy Nhật, bà Hạnh Ngô và các cộng sự của mình?

- Sự xuất hiện không phải để đánh lạc hướng, vì mọi thứ đã gần như quá rõ ràng, thông tin đã tràn ngập các mặt báo những ngày qua. Tôi cũng khẳng định không đại diện phát ngôn cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài. 

Tôi lên tiếng với tư cách là nhà đầu tư cá nhân cũng đã đổ vốn vào công ty Huy Việt Nam, nói những suy nghĩ cá nhân về tình hình công ty Huy Việt Nam lúc này.

Trong vài hợp đồng của Công ty Huy Việt Nam, chúng tôi có thấy bà xuất hiện trong vai trò Giám đốc điều hành của công ty?

- Tôi xuất hiện hôm nay với tư cách nhà đầu tư vào đây, không liên quan đến hệ thống điều hành cũng như thủ tục pháp lí của công ty. Tôi chỉ từng học việc ở đó.

- Vậy bà chia sẻ gì với các nhà cung cấp những ngày vừa qua?

- Đến bây giờ tôi vẫn chưa được gặp nhà cung cấp hay nghe phản ánh trực tiếp hay hẹn gặp nào từ họ. Nếu họ gọi tôi sẽ nghe, hẹn gặp tôi sẽ gặp. 

Tôi cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong sự việc này, dù không phải toàn bộ nhưng ít nhất trách nhiệm nói gì đó để những nhà cung cấp biết vẫn có nhà đầu tư đứng về phía họ.

"Ông Huy Nhật sẽ trở về"

- Bà có bất ngờ về việc chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt trong những ngày vừa qua?

- Tôi hoàn toàn bất ngờ.

- Vậy bà nhận tin này lúc nào?

- Khi tôi đang đi công tác ở Bắc Kinh, Trung Quốc thì một người bạn gửi thông tin. Tôi vẫn nói "không có đâu", nhưng sáng hôm sau các báo tràn ngập thông tin đóng cửa. Đó là ngày 21/10.

- Bà cũng là nạn nhân?

- Tôi chưa nghĩ mình là nạn nhân cho đến khi bên cCng ty Huy Việt Nam đứng ra tuyên bố phá sản, hay ông Huy Nhật bỏ trốn thật sự. Đến giờ, tôi vẫn còn hi vọng và niềm tin.

- Hi vọng này dựa trên cơ sở nào?

- Làm gì cũng cần có lòng tin. Những kết quả mà Huy Việt Nam làm được cho thị trường F&B Việt Nam không thể phủ nhận, nó đã từng rất thành công. Tôi vẫn tin ông Huy Nhật là người có tài và có tâm!

- Nhưng đến nay, chưa ai liên lạc được với ông ấy?

- Tôi nghĩ ông ấy cần thời gian để suy nghĩ và sẽ quay trở lại trả lời các câu hỏi từ nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhân viên…

- Theo cam kết trước đó, hôm nay (ngày 25/10) các nhà cung cấp sẽ được trả tiền cho các công nợ đợt đầu tiên, cả nợ lương nhân viên nhưng vẫn không có một đại diện nào của Huy Việt Nam xuất hiện?

- Tôi có nghe phong thanh nhà cung cấp đã lên cơ quan công an nộp đơn tố cáo, và phía Huy Việt Nam thì vẫn chưa làm việc với nhà cung cấp. Tôi cũng nghe luồng tin "Công ty cũng không còn khả năng trả nợ".

Hiện nay đang có nhiều thông tin sai lệch về chuỗi Món Huế, và bị xem như là vụ chấn động trong giới kinh doanh cũng như giới F&B. Điều này làm hoang mang nhiều người. Tôi vẫn đang tìm con đường định hướng đúng giúp nhà cung cấp có thể đòi được tiền của mình.

Tôi đặt câu chuyện nợ lương nhân viên chung với hướng nợ tiền các nhà cung cấp. Tôi đang đợi hướng xử lí của Ban quản trị, phải cho họ thời gian để xử lí. 

Người lao động của công ty Món Huế đa phần là sinh viên, người lao động lớn tuổi, họ cần lương, đó là nguồn sống. Món Huế đang gánh trách nhiệm đó với hàng ngàn người lao động.

Vậy các nhà cung cấp nên làm gì lúc này?

- Họ hãy giữ cái đầu lạnh vì pháp luật vẫn còn đó. Sự thật hay sự công bằng sẽ không bao giờ mất. Hãy cố gắng đợi và đừng vì quá nóng lòng mà có gây ra hậu quả không đáng có.

- Nhưng số tiền nhà cung cấp nói họ bị Công ty Huy Việt Nam nợ đến 50-60 tỉ đồng?

- Tôi vẫn chưa nhận được phản hồi chính xác từ phía nhà cung cấp, đến khi nào kiểm kê xong tôi mới chắc chắn.

Biết nợ hơn 800 tỉ đồng nhưng vẫn đồng hành

- Với khoản đầu tư vào Huy Việt Nam, bà chọn phương thức giám sát khoản đầu tư này như thế nào?

- Tôi ủy quyền cho bên thứ 3 (công ty kiểm toán) giám sát khoản đầu tư này, vì hiện nay tôi còn 2 khoản đầu tư trong lĩnh vực khác.

- Họ có báo cáo bà rằng Công ty Huy Việt Nam đang thua lỗ vài năm qua?

- Hiện tại tôi đang cho công ty này tổng kết rà soát lại các con số tài chính và tôi sẽ sớm công bố con số này.

- Vậy con số lỗ hơn 100 tỉ đồng trong 3 năm qua có chính xác?

- Đúng là lỗ lũy kế của Công ty Huy Việt Nam hơn 100 tỉ đồng. Các năm 2017-2018 mỗi năm đã lỗ hơn 50 tỉ đồng. Con số đến cuối năm 2018, nợ cần phải trả lên khoảng 800 tỉ đồng.

- Tài sản của Công ty Huy Việt Nam hiện đang định giá 750 tỉ đồng?

- Đúng là tài sản của Công ty Huy Việt Nam đã được định giá 750 tỉ, nhưng con số chính xác cần phải đợi công ty kiểm toán kiểm kê. Các con số nếu nói ra lúc này rất mơ hồ và có thể gây hoang mang dư luận, nhà cung cấp và các nhân viên.

- Là người am hiểu tài chính, chắc hẳn các con số báo cáo sẽ cho bà suy nghĩ gì đó?

- Đúng. Tôi không phải người ngu ngơ nhưng tôi bị lòng tin thoả lấp.

- Bà đã nhận biết những khoản lỗ này nhưng vẫn đầu tư vào Công ty Huy Nhật?

- Nói có vẻ hơi thiên hướng tình cảm nhưng đó là lòng tin. Những gì Món Huế đã từng mang lại cho thị trường F&B Việt Nam có gì đó rất tuyệt vời. Nếu nó lỡ hư một tí mà chúng ta tiếp tục phá bỏ thì sẽ rất uổng công sức của nhiều thế hệ trước đó.

Mình đi sau, kế thừa và may mắn có nguồn tiền để đầu tư thì tại sao không duy trì để đầu tư, vực dậy. Thời gian ở đây là để chuẩn bị cho sự trở lại, chứng minh thuyết phục người tiêu dùng lí do Món Huế biết mất và trở lại, hay tại sao người tiêu dùng chấp nhận nó một lần nữa

Chuỗi Món Huế sẽ quay trở lại

- Vốn điều lệ lớn nhưng sự sụp đổ của chuỗi Món Huế lại quá nhanh?

- Tôi nghĩ nó có sự chuẩn bị (sụp đổ - PV) cho ngày hôm nay. Và tôi không biết lí do đó là gì, chưa hiểu được!

- Bà nghĩ gì các cáo buộc của nhóm nhà đầu tư ngoại về ông Huy Nhật, rằng ông ấy đã thực hiện một loạt giao dịch khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, vi phạm nghĩa vụ của mình…?

- Các nhà đầu tư họ chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Còn với tư cách là nhà đầu tư cá nhân, tôi nghĩ sự sụp đổ của Món Huế lúc này là kết quả của một quá trình lâu dài, mục ruỗng trong hệ thống. Nó giống như một lâu đài cát mà chỉ cần chạm vào thì dễ dàng sụp đổ.

*-Tại sao bà biết điều đó nhưng vẫn đồng hành?

- Việc kinh doanh có lúc thăng, lúc trầm như cuộc đời con người. Và việc kinh doanh thua lỗ 2 năm qua chỉ là lúc trầm. Mình cố gắng chấp nhận rủi để có thành quả xứng đáng. Tôi là tuýp người thích rủi ro, vì những cái gì đã rõ ràng quá, quá bằng phẳng thì sau đó sẽ là một cái bẫy hoặc đích đến không ngọt ngào như mình hi vọng.

Nếu mình tự vẽ ra con đường đi trên sự mập mờ đó, mình sẽ lường trước những rủi ro và biết được an toàn, con đường tắt để đến đích?

- Bà có lường trước Công ty Huy Việt Nam sẽ như lúc này?

- Tôi không phải là người đồng hành ngay từ đầu, mà là người thừa kế từ khoản đầu tư ở Công ty Huy Việt Nam từ gia đình.

- Khoản đầu tư này bây giờ không còn suôn sẻ?

- Nó đã suôn sẻ từ nhiều năm trước. Tôi vẫn tâm thế dám chơi, dám chịu. Nhưng nếu nói không tiếc tiền khi công ty thua lỗ thì xạo. Đồng tiền bỏ ra ai không xót. Tôi chỉ tiếc sự lụi tàn ngày hôm nay của Huy Việt Nam nhiều hơn.

- Chị nghĩ ông Huy Nhật đang bị áp lực gì?

- Áp lực dư luận hoặc anh ấy đang có lí do khó nói.

- Vậy bà vẫn chưa liên lạc được với ông Huy Nhật?

- Chưa. Tôi thích câu nói trong ngành kinh doanh này: "Bạn đã chơi một ván cờ được ăn cả ngã về không. Bạn có thể mất cả một thương hiệu nhưng nếu đánh mất niềm tin những người đồng hành với mình là cổ đông, nhân viên, nhà đầu tư thì bạn đã sai".

- Bà đang nói với ông Huy Nhật?

- Hi vọng ông Huy Nhật đọc điều này. Hãy trở về và trả lời tất cả. Chúng tôi đã từng đồng hành cùng nhau.

- Lần cuối cùng bà gặp ông Huy Nhật là khi nào?

- Khá lâu. Tôi không nhớ rõ.

- Vậy bà có liên lạc được với Ban quản trị của Công ty Huy Việt Nam?

- Vẫn chưa liên lạc được.

- Dư luận cũng đang chĩa về bà?

Tôi khẳng định tôi là nhà đầu tư và cái tôi quan tâm là lợi nhuận. Còn những thông tin đang chĩa vào tôi là "giật dây" hay lừa đảo thì hãy trình lên cơ quan điều tra. Tôi hi vọng sau sự kiện này nếu không ai làm, thì tôi sẵn sàng mua lại chuỗi Món Huế và làm lại từ đầu.

Dư luận cũng chĩa về ông Huy Nhật và tôi không thấy làm lạ. Tại sao lúc mọi người đang cần thì anh ở đâu? Không muốn người ta hiểu lầm thì hãy lên tiếng đi, chuyện đúng sai tính sau, hãy ra mặt đi. Chúng ta đều trong tâm thế của người đang mất tiền.

Theo bà K.H, sự sụp đổ của chuỗi Món Huế là do sự chậm thay đổi trong khi thị trường F&B Việt Nam đang bị bão hòa, hàng ngày có hàng trăm lựa chọn cho người dùng mà chúng đều na ná nhau mà chưa có sự mới lạ. Các chuỗi nhà hàng cùng phân khúc, có quá quá nhiều sự lựa chọn trong khi chất lượng món và dịch vụ của chuỗi Món Huế đều đi xuống.

"Món Huế đã từng phát triển vì nhờ đi một con đường khác nhưng họ lại không giữ được chất lượng", nhà đầu tư này thừa nhận.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.