Mất 12 năm phát triển, đốt gần 100 triệu USD của nhà đầu tư, vì sao Món Huế vẫn thua lỗ, ôm nợ biến mất?

Phát triển chuỗi ồ ạt, mặt bằng đặt tại “đất vàng” các khu trung tâm thành phố lớn nhưng lại chậm chạp trong bắt kịp xu hướng tiêu dùng nhanh đã khiến Món Huế thụt lùi. Từng rất tin tưởng nên rót hàng chục triệu USD vào Món Huế nhưng cuối cùng, các nhà đầu tư phải khẳng định “rất thất vọng” với thương vụ, phải khởi kiện ông Huy Nhật ra tòa.

Có thương hiệu riêng, hào nhoáng, phủ khắp vị trí thuộc hạng đắt đỏ bậc nhất TP HCM và Hà Nội, chuỗi cửa hàng Món Huế từng là một ao ước của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực. Tên tuổi của nó một thời khiến nhiều nhà đầu tư thèm muốn, rót cả trăm triệu USD đầu tư.

12 năm phát triển, bỗng ngày 22/10, một loạt nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm "tố" Món Huế quỵt tiền công nợ hàng chục tỉ đồng, hình tượng của chuỗi F&B này sụp đổ hoàn toàn. Toàn bộ cửa hàng gần như đã vội vàng đóng cửa, bỏ lại bàn ghế, tài sản, bỏ luôn cả hàng trăm lao động chưa được nhận những tháng lương cuối cùng.

Ước mơ được như Món Huế của nhiều doanh nghiệp F&B

Kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2007, thời điểm không có nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực, đặc biệt là mô hình kinh doanh chuỗi, Món Huế nhanh chóng tạo nên tên tuổi cho riêng mình.

IMG_7969

Cửa hàng Món Huế trên đường Cao Thắng đã đóng cửa, đây là con đường tập trung một loạt nhà hàng, quán ăn tại TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh)

Với tốc độ mở rộng chuỗi trung bình mỗi năm 3 cửa hàng, đến năm 2013, hệ thống Món Huế đã có tất cả 22 chi nhánh, chủ yếu nằm tại TP HCM và Hà Nội.

Sự phát triển nhanh chóng của Món Huế thời điểm đó được cho là nhằm tăng độ phủ, độ nhận diện, và nhiều quỹ đầu tư đã liên tục rót tiền cho Huy Việt Nam - công ty mẹ của Nhà hàng Món Huế. 

Năm 2015, Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV, do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lí, đã rót 15 triệu USD (300 tỉ đồng) cho Huy Việt Nam trong vòng gọi vốn series C. Tính luôn các khoản trước đó được rót bởi các quỹ ngoại như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners, Welkin Capital, số vốn mà Huy Việt Nam nhận được lên đến gần 100 triệu USD.

Có số vốn khủng từ các nhà đầu tư gửi gắm, những năm 2014-2015 chính là giai đoạn phát triển thần tốc của Món Huế. 

Chỉ riêng năm 2015, Huy Việt Nam khai trương tới 31 chi nhánh Món Huế mới. Tính ra mỗi tháng có gần 3 cửa hàng được mở mới. Đó là chưa kể với một loạt thương hiệu khác ra đời trong giai đoạn này là Phở ông Hùng, Cơm thố cháy, Great Bánh mì & cafe, làm đa dạng hệ sinh thái của Nhà hàng Món Huế.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-23 lúc 14

Tổng số cửa hàng thuộc hệ thống Món Huế hơn 200. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong thời điểm thị trường bùng nổ "mốt" BBQ, trà sữa, Món Huế cũng ngay lập tức tham gia với chuỗi Nhà hàng Shilla Korean BBQ, trà sữa TP Tea, cùng một loạt thương hiệu khác gồm Iki Sushi, House of Phở, Mì Quảng bếp Tâm... 

Toàn bộ các chuỗi thuộc hệ thống này đã có hơn 200 cửa hàng, một con số không hề nhỏ cho thương hiệu chuyên kinh doanh nhà hàng, ẩm thực phục vụ các món ăn Việt.

Tham vọng của Huy Việt Nam cũng là thất bại của doanh nghiệp khác

Với chuỗi Món Huế, ông Huy Nhật - Chủ tịch Huy Việt Nam, cũng từng là một doanh nhân được chú ý trong giới kinh doanh nhà hàng, ẩm thực. Lãnh đạo Huy Việt Nam cho biết đã tìm hiểu rất kĩ thị trường Việt Nam trước khi quyết định đầu tư. 

Huy Việt Nam cho rằng đây là một thị trường tiềm năng, với tầng lớp trung lưu có thu nhập cao, sành sỏi, hiện đại ngày càng nhiều. Do đó, nhu cầu về thưởng thức ẩm thực ngon, chất lượng và an toàn sẽ ngày càng cao và tập trung đánh vào phân khúc giới trẻ trung lưu, có thu nhập tốt, thường xuyên ăn uống bên ngoài.

IMG_7943-crop

Món Huế cạnh chợ Bến Thành là cửa hàng hiếm hoi còn mở phục vụ khách đến thời điểm này. (Ảnh: Phúc Minh).

Điều này phù hợp với báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor. Theo công ty này, giai đoạn 2014-2019, thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 18%/năm. 

Trong khi đó, Statista cho rằng năm 2019, doanh thu từ thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam có thể đạt mốc 200 tỉ USD, tăng đến 34,3% so với số liệu của năm 2018. Điều này cho thấy, càng về sau, tốc độ tăng trưởng F&B ngày càng cao.

Theo Statista, đến năm 2023, doanh thu của ngành F&B có thể tăng gấp đôi, lên mốc 408 tỉ USD và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa, khi tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng.

Ông Huy Nhật - với chuyên môn về kinh tế và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B, có chuỗi nhà hàng riêng tại Mỹ, Trung Quốc, đã thấy trước được ngành nhà hàng, ẩm thực của Việt Nam trước khi quyết định dồn lực đầu tư Món Huế, và chinh phục được một loạt quỹ ngoại, thì doanh nhân này vốn không thể là tay ngang đi làm ẩm thực.

Dự tính đúng tiềm năng thị trường, nhưng rồi Món Huế đã âm thầm đóng cửa toàn bộ hệ thống, đúng nghĩa bỏ chạy khỏi thị trường, để lại sự ngơ ngác của người lao động, đối tác, và cả khách hàng vốn đã quen thuộc với thương hiệu này. 

Tại Việt Nam, thực tế, trước ông Huy, rất nhiều chuỗi F&B khác cũng nhận định thị trường béo bở, nhưng không ít chuỗi nội lẫn ngoại phải tháo chạy, hoặc thu hẹp quy mô, hoặc phải bán mình cho doanh nghiệp ngoại.

Đơn cử, vốn nhiều kinh nghiệm tại nước ngoài nhưng The Coffee Bean & Tea Leaf mới đây đã bán lại cho Jollibee. Hay The Coffee House đang là một mô hình rất tốt về kinh doanh cà phê, nhưng cũng thất bại với chuỗi trà sữa Ten Ren. Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung dù được đánh giá rất cao cũng phải bán mình.

Món Huế - vì sao nên nỗi?

Theo nhiều chia sẻ gần đây, với Món Huế, dù bên ngoài vẫn giữ được hình ảnh một chuỗi kinh doanh có thương hiệu, có phân khúc riêng, tuy nhiên, nội bộ bên trong, từ cấp quản lí đến nhân viên đều nhận ra sự đi xuống của chuỗi này, tính từ đầu năm nay.

IMG_7967

Cửa hàng này thông báo ngưng bán, trả mặt bằng. (Ảnh: Phúc Minh).

Anh G. - quản lí một cửa hàng thuộc hệ thống Món Huế, đã nghỉ việc từ đầu năm, cho biết nếu như các cửa hàng đặt tại trung tâm có nhiều khách, tập trung vào giờ cao điểm và chủ yếu là dân văn phòng, thì một số cửa hàng thuộc khu vực rìa, tức ngoài quận 1, 3 lượng khách hàng ít hẳn.

"Trong khi các thương hiệu khác đang tốt lên, thì Món Huế đuối. Khách hàng ít thì doanh thu giảm đi, sự hỗ trợ về mặt hình ảnh và ban lãnh đạo cũng không còn như trước", anh G. nói đây là nguyên nhân anh nghỉ việc, khi không nhìn thấy tương lai.

Chị Hà, ở quận 2, một khách hàng thường xuyên của chuỗi này, chia sẻ hơn năm nay, chị nhận thấy chất lượng các món ăn của Món Huế xuống hẳn. Chị vẫn thường xuyên gặp phải những tô bún bò nguội, cơm chưa chín, thậm chí bún thịt nướng được lấy ra từ tủ lạnh, trộn thịt rau rồi mang lên cho khách hàng. 

Các chương trình khuyến mãi như giảm giá vào dịp đặc biệt, áp dụng mức giá đặc biệt vào các khung giờ thấp điểm trong ngày cũng mất dần. Và chị cũng ngưng lui tới các cửa hàng của hệ thống Món Huế.

Báo cáo tài chính của Món Huế hé lộ 3 năm gần đây, tình hình kinh doanh rất èo uột, dù có được những khoản đầu tư mà hiếm chuỗi nhà hàng, ẩm thực nào có được. Theo đó, nếu như năm 2016, công ty lãi 300 triệu đồng, thì sang năm 2017, lỗ 54 tỉ đồng và tiếp tục lỗ 50 tỉ năm 2018. Khoản lỗ lũy kế trong 3 năm này của Nhà hàng Món Huế lên đến 107 tỉ đồng.

Nguyên nhân lỗ nhiều như vậy được chỉ ra là do các khoản đầu tư cho mở rộng ồ ạt, chi phí bán hàng lên tới 80-90% doanh thu.

Phát triển chuỗi: Mấu chốt vẫn là năng lực tài chính và hệ thống quản trị 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, ẩm thực chỉ ra, nguyên nhân thất bại của Món Huế là do trung thành với những gì đã có trước đây, tức thời điểm hơn 10 năm trước. Trong khi đó, những chuỗi mới sau này lại thích nghi khá tốt với thị hiếu khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ.

Ông Lý Quí Trung, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực và nhìn về trường hợp Phở 24 do chính mình sáng lập, ông cho biết ủng hộ cách mở rộng chuỗi, nhất là phải tìm được những nơi có khách hàng tiềm năng, dù chi phí có đắt đỏ.

IMG_7956

Món Huế trong trung tâm thương mại đóng cửa, không dọn luôn bàn ghế. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mở rộng chuỗi nhiều thì bắt buộc phải vận hành bài bản, đồng nhất trong cách phục vụ lẫn quản lí. Ngoài ra, nhà cung cấp thực phẩm cũng rất quan trọng, bởi kinh doanh nhà hàng ẩm thực là một lĩnh vực đặc thù.

Để có mặt bằng tốt, cách quản trị bài bản, mấu chốt cuối cùng vẫn là năng lực tài chính, ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, dường như Món Huế đã phát triển quá nhanh, "đốt" hàng chục triệu USD vào việc ồ ạt mở rộng chuỗi, thậm chí có những nhà hàng nằm cách nhau chỉ vài trăm mét. 

Trong bán kính từ 2-3 km tại quận 1, dễ nhận thấy có gần chục Món Huế quây quần nhau, chưa kịp cạnh tranh với những thương hiệu khác thì những "người anh em" này lại đang ngầm "đấu đá" nhau.

Kết quả là thua lỗ nặng, đóng cửa loạt cửa hàng, các website cũng không thể truy cập, ban lãnh đạo biến mất. Sự việc đến nỗi hôm nay nhóm các nhà đầu tư ngoại, gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital - những tổ chức đã rót 70 triệu USD cho Huy Việt Nam, đã gửi đơn khởi kiện ông Huy Nhật về hành vi chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Các nhà đầu tư này cho rằng "dù rất thất vọng khi phải đi tới bước này", để nói về trường hợp ông Huy Nhật, công ty Huy Việt Nam và Nhà hàng Món Huế.