Không chỉ đối tác cung ứng nguyên vật liệu, thực phẩm bị "quỵt" tiền công nợ với số tiền tạm tính đến thời điểm này khoảng vài chục tỉ đồng, rất nhiều nhân viên thuộc các chuỗi khác nhau của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế cũng khóc ròng vì không biết khi nào được trả lương.
Anh B. nhân viên một cửa hàng thuộc chuỗi Món Huế, cho biết hàng tháng, cửa hàng sẽ thanh toán lương cho nhân viên vào ngày 15. Số ngày công trong tháng sẽ được chốt vào ngày 30.
Từ trước đến nay, đây là "khung cứng" để thanh toán lương và cửa hàng cũng hiếm khi nào có hiện tượng trả chậm. Anh cho biết những người làm công với mức lương hàng tháng chỉ vài triệu đồng nên rất mong ngóng đến ngày lãnh lương. Tuy nhiên, 2 tháng nay, lương tháng đang là nỗi ám ảnh của họ.
Cửa hàng Món Huế hiếm hoi vẫn còn hoạt động tại TP HCM nhưng các nhân viên đang nơm nớp lo sợ về lương bổng. (Ảnh: Phúc Minh).
Theo đó, kì lương tháng 8, Món Huế chỉ thanh toán trước 30%, sau đó, công ty mới thanh toán tiếp 70% còn lại. Đến kì lương tháng 9, công ty này lại tiếp tục dùng cách trả trước 30% và người lao động chưa nhận được 70% lương còn lại thì các điểm kinh doanh lần lượt đóng cửa.
Anh B. cho hay ai cũng nghĩ tiền lương sẽ được thanh toán dần, nhưng đến khi biết rất nhiều nhà cung cấp đang bị Nhà hàng Món Huế nợ hàng chục tỉ thì thực sự rất rối, và không biết số tiền lương vài triệu của mình có được trả không.
Anh B. cho biết hiện anh cũng như nhiều nhân viên chưa nhận được 70% lương tháng 9 và tháng 10.
Không chỉ trả góp lượng, Nhà hàng Món Huế cũng dùng cách "trả góp" tiền công nợ với nhà cung cấp thực phẩm khi bị đòi nợ. Món Huế cam kết rằng nhà cung cấp nào có công nợ trên 500 triệu thì hàng tháng sẽ trả 100 triệu đồng, còn công ty nợ dưới 500 triệu thì mỗi tháng sẽ trả 50 triệu. Thời gian quyết toán từ 25-28 hàng tháng, cho khi đến khi hết công nợ. Tuy nhiên, khi chưa trả nợ như đã hứa thì hàng loạt cửa hàng âm thầm đóng cửa.
Trong khi đó, một nữ nhân viên tên T. làm việc tại chuỗi trà sữa TP Tea cũng thuộc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, cho biết tổng số tiền lương cô chưa nhận được trong 2 tháng 9 và 10 là khoảng 7 triệu đồng. Trong đó, gồm 70% lương tháng 9 và gần 20 ngày công của tháng 10.
Theo các nhân viên, nếu nghỉ trước thời hạn cửa hàng đóng cửa, công ty có quyền không trả lương, nên ai cũng cố làm đến ngày cuối cùng dù đã biết tình hình kinh doanh không như trước. (Ảnh: Phúc Minh).
"Cửa hàng bắt đầu đóng cửa từ cuối tuần trước. Trước đó nữa, em làm tại một quán trà sữa khác cũng thuộc TP Tea, nhưng cửa hàng bên đó đóng cửa trước, nên bị điều chuyển qua đây. Em không biết số tiền này sẽ khi nào nhận được, bởi chính quản lí cửa hàng cũng không biết và họ cũng đang bị nợ tiền như em", nữ nhân viên cho hay.
Theo tính toán của T., mỗi chi nhánh trà sữa TP Tea có ít nhất từ 7-8 nhân viên, và mỗi nhân viên đang bị nợ từ vài triệu đồng, người cao nhất cũng lên đến chục triệu.
T. cho biết thêm một nửa trong số nhân viên của cửa hàng đều là sinh viên, vì vậy, khoản tiền tuy vài triệu nhưng là rất lớn để đóng tiền trọ, học phí.
Ngoài ra, dù tình hình các cửa hàng có dấu hiệu sẽ đóng cửa, nhưng T. cho biết các nhân viên không được nghỉ ngang, nếu không sẽ không được công ty thanh toán lương, nên cứ cửa hàng này đóng thì họ chuyển sang làm cửa hàng khác.
"Hiện tụi em đang tìm cửa hàng khác để làm trong thời gian này nhưng không biết sẽ thế nào. Em xác định là mình bị quỵt tiền lương luôn rồi, những người có trách nhiệm giải quyết giờ không biết ở đâu", T. chia sẻ.
Dù xác định bị "quỵt" tiền lương, nhưng cô vẫn không muốn công khai tên thật, vì vẫn hi vọng ngày nào đó được công ty xem xét trả lương.
Hiện nhiều nhân viên thuộc hệ thống Nhà hàng Món Huế đang tất tả tìm việc. Công việc phục vụ với các bạn trẻ được xem là không quá khó tìm, tuy nhiên, nhiều cô nhân viên lớn tuổi là phụ bếp, lao công lại rất lo lắng khi Món Huế đột ngột đóng cửa.
Các cửa hàng Món Huế đóng cửa, đề lại đầy đủ bàn ghế, chén bát. (Ảnh: Phúc Minh).
Ngoài tiền lương, một số nhân viên của Món Huế còn "tố" công ty không đóng bảo hiểm cho họ, dù đều đặn hàng tháng họ đều bị trừ khoảng 450.000 đồng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Việc này chỉ được phát hiện khi họ đi khám bệnh và được nhân viên y tế thông báo công ty đã không đóng tiền nên bị cắt nhiều tháng nay.
Hôm nay, 23/10, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm và các thiết bị văn phòng khác cho Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế tiếp tục tố cáo doanh nghiệp này.
Sáng 23/10, nhiều nhà cung cấp đã đến Cơ quan CSĐT TP HCM mong muốn được trình bày vụ việc. (Ảnh: Zing).
Thậm chí, nhiều người cũng đã kéo đến nhà riêng ông Huy Nhật - Chủ tịch Công ty Huy Việt Nam, công ty mẹ của Nhà hàng Món Huế, để yêu cầu giải quyết vấn đề trên nhưng căn nhà cửa đóng then cài, và không liên lạc được ông Huy Nhật lẫn người đại diện pháp luật là bà Ngô Thị Mỹ Hạnh.
Theo Zing.vn, sáng nay, 23/10, nhiều nhà cung cấp thực phẩm cho Món Huế đã kéo đến Cơ quan CSĐT TP HCM nằm trên đường 3/2, quận 10, mong muốn được làm việc với cơ quan này để sớm có hình thức giải quyết các khoản nợ, thay vì nộp đơn tố cáo lên Công an phường Cô Giang (quận 1) - nơi đặt văn phòng Công ty Huy Việt Nam.
Tuy nhiên, do sự việc liên quan quan hệ pháp luật dân sự, chưa có dấu hiệu cho thấy yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên Cơ quan CSĐT TP HCM từ chối tiếp nhận đơn và hướng dẫn các nhà cung cấp làm việc với công an phường Cô Giang theo đúng trình tự.
Kinh doanh 15:09 | 23/11/2019
Kinh doanh 19:09 | 14/11/2019
Kinh doanh 18:12 | 12/11/2019
Kinh doanh 11:17 | 08/11/2019
Tiêu dùng 15:00 | 04/11/2019
Tiêu dùng 06:00 | 31/10/2019
Kinh doanh 07:33 | 30/10/2019
Kinh doanh 06:05 | 29/10/2019