Chủ nhà hàng Món Huế đã đóng toàn bộ website Phở Ông Hùng, cơm thố cháy, Món Huế..., lỗ lũy kế hàng trăm tỉ đồng

Ban lãnh đạo biến mất, hệ thống cửa hàng đồng loạt đóng cửa và tối 23/10, toàn bộ website của các chuỗi và công ty mẹ đều không thể truy cập. Món Huế và Huy Việt Nam không chỉ đang để lại cục nợ hàng chục tỉ đồng cho đối tác và nhân viên, mà còn nợ thuế, thua lỗ trăm tỉ.

Từ tối 23/10, website chính thức của chuỗi Món Huế thuộc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có tên miền nhahangmonhue.vn cũng giống như tình trang công ty mẹ hôm qua, bất ngờ không thể truy cập được.

Trong ngày, website này vẫn hoạt động bình thường với đầy đủ thông tin về sứ mệnh công ty, thực đơn, chương trình ưu đãi và đặc biệt là địa chỉ cụ thể của 77 cửa hàng Món Huế, gồm 45 cửa hàng tại TP HCM, 25 cửa hàng tại Hà Nội và các điểm kinh doanh còn lại đặt tại Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Món Huế là website cuối cùng bặt vô âm tín trong hệ sinh thái của Nhà hàng Món Huế. (Ảnh chụp màn hình).

Tối 22/10, website công ty mẹ của Nhà hàng Món Huế là Huy Việt Nam, có tên miền huyvietnam.com cũng không thể truy cập được. Hiện tượng này xảy ra sau khi cùng ngày, hàng loạt nhà cung cấp "tố" Món Huế "quỵt" hàng chục tỉ đồng tiền nguyên liệu, thực phẩm.

Theo ghi nhận trước đó, tối 22/10, chỉ duy nhất website công ty mẹ này không thể truy cập, trong khi đó website của các thương hiệu khác cùng hệ thống vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, sáng 23/10, tên miền các chuỗi Phở ông Hùng, Cơm thố cháy, Iki Sushi, House of Phở đều đồng loạt không thể truy cập. 

Với việc website Món Huế vừa "đơ", đến thời điểm này, các website nằm trong hệ sinh thái của Huy Việt Nam, của Nhà hàng Món Huế đều đã "biến mất".

Trong hôm qua, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho Nhà hàng Món Huế đã đến kéo đến Cơ quan CSĐT TP HCM để tiếp tục "tố" doanh nghiệp này quỵt tiền công nợ, người nhiều nhất cũng lên đến vài tỉ đồng.

Tổng số tiền mà Món Huế đang nợ các nhà cung cấp ước tính khoảng vài chục tỉ đồng.

Huy Việt Nam, công ty đứng sau Nhà hàng Món Huế là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

IMG_7953

Cơm thố cháy, chuỗi có số lượng nhiều thứ 3 của Nhà hàng Món Huế sau Món Huế, Phở ông Hùng. (Ảnh: Phúc Minh).

Tính đến nay, doanh nghiệp này sở hữu một loạt thương hiệu đình đám, gồm Món Huế, Phở Hùng, Cơm thố cháy, Great Bánh mì & cafe, Iki Sushi, House of Phở, Mì Quảng bếp Tâm, TP Tea… với tổng số lượng cửa hàng hơn 200.

Không chỉ bị các nhà cung cấp "tố" thiếu tiền lên đến hàng chục tỉ mà Huy Việt Nam cũng chưa trả tiền nhân viên cả 2 tháng nay.

Lỗ luỹ kế hơn 100 tỉ vì "đốt tiền" cho mặt bằng đất vàng Sài Gòn

Theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, đến cuối năm 2018, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 107 tỉ đồng, VnExpress cho biết.

3 năm gần nhất, doanh thu của Món Huế đạt xấp xỉ 200 tỉ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận từ mức gần 300 triệu đồng năm 2016 đã chuyển sang lỗ 54 tỉ năm 2017 và lỗ tiếp 50 tỉ đồng năm 2018. 

IMG_7945

Một cửa hàng Món Huế nằm trong Vincom với diện tích không hề nhỏ nhưng cũng đã đóng cửa. (Ảnh: Phúc Minh).

Báo cáo tài chính cũng tiết lộ nguyên nhân khiến chuỗi này thua lỗ là do chi phí bán hàng quá cao. Hai năm 2017 và 2018, chi phí bán hàng chiếm từ 80-90% doanh thu, trong khi đó, năm 2016 chỉ ở mức 60%.

Đến cuối năm 2018, chuỗi nhà hàng Món Huế có tổng tài sản hơn 750 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 100 tỉ.

Việc lỗ càng thêm lỗ trong 3 năm trở lại đây của Món Huế trùng với thời điểm Huy Việt Nam được các nhà đầu tư ngoại rót vốn để phát triển. Theo thống kê, tổng số tiền các nhà đầu tư đã rót cho doanh nghiệp chuyên về ẩm thực này lên đến khoảng 100 triệu USD.

Đồng thời, đây cũng là thời gian Huy Việt Nam mở rộng chuỗi thần tốc. Năm 2015, Huy Việt Nam chỉ có 29 cửa hàng Món Huế, nhưng sau 1 năm, tổng số điểm kinh doanh của chuỗi đã tăng lên gấp đôi, cán mốc 60 chi nhánh.

IMG_7930

Các mặt bằng mà Món Huế đặt đều nằm tại những khu "đất vàng" TP HCM, với tiền thuê không dưới 100 triệu đồng/tháng. (Ảnh: Phúc Minh).

Trong khi đó, chuỗi Phở ông Hùng cũng liên tục được phát triển sau khi có cửa hàng đầu tiên vào năm 2014. 

Từ năm 2015, là giai đoạn Huy Việt Nam khai sinh ra hàng loạt chuỗi mới cho hệ sinh thái như Great Bánh mì & cafe, Iki Sushi, House of Phở, Mì Quảng bếp Tâm, Nhà hàng Shilla Korean BBQ, trà sữa TP Tea.

Theo ghi nhận nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội, việc Món Huế đóng cửa là chuyện bình thường vì món ăn không đặc biệt trong khi giá lại cao, chiếm vị trí đắc địa nên chi phí cao, đi kèm vấn đề "thổi phồng" thương hiệu, nhượng quyền tràn lan.

Một điều dễ nhận thấy khiến các chuỗi F&B khó khăn vì gánh nặng tài chính là vị trí và giá thuê mặt bằng. Món Huế nói riêng và các thương hiệu F&B nói chung thường chọn các mặt bằng đắc địa tại trung tâm thành phố, hoặc nằm trong các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, chi phí mặt bằng bán lẻ lại Việt Nam gần đây tăng cao, mặt bằng cạnh tranh gây gắt. 

Ngoài ra, thương hiệu nước ngoài lại liên tục đổ về Việt Nam, tạo nên áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi chi phí vận hành quá cao.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.