Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên hôm nay, 11/8, đại biểu Phạm Ngọc Ninh (đoàn Ninh Thuận) nêu tình trạng lừa đảo bằng mọi thủ đoạn thời gian qua trên mạng, để chiếm đoạt tài sản. Với vai trò là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng có các giải pháp kĩ thuật nào để hạn chế tình trạng này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lừa đảo qua không gian mạng đang phức tạp. (Ảnh: VGP).
Thừa nhận diễn biến phức tạp của các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết lừa đảo qua mạng viễn thông có nhắn tin, cuộc gọi, ngoài ra còn có cả thư điện tử.
"Đối tượng thường gửi tin nhắn có người chuyển tiền thừa kế hàng triệu USD và yêu cầu phải nộp tiền để nhận", ông nói và cho biết đây là hình thức khá phổ biến.
Theo Bộ trưởng, vấn đề này có thể tập trung giải quyết bằng cách phối hợp cùng các nhà mạng, dùng hệ thống chặn tự động, chặn thông minh về mặt kĩ thuật.
Về các cuộc gọi lừa đảo, Bộ trưởng Hùng cho hay, người nhận cuộc gọi lừa đảo có thể cung cấp thông tin chứng cứ vi phạm của nhà mạng sang cơ quan chức năng, trong đó, bao gồm cả thời gian và chi tiết các cuộc gọi lừa đảo, để xác định hành vi phạm tội.
Riêng lừa đảo qua mạng xã hội thì việc chọn lọc sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với các mạng xã hội nước ngoài.
"Các mạng xã hội trong nước có thể điều chỉnh được qua công cụ, nhưng với mạng xã hội nước ngoài thì khó hơn", Bộ trưởng nhận định.
"Rất may chúng ta đã xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này xử lí được 100 triệu tin mỗi ngày, kì vọng lên 300 triệu tin mỗi ngày. Chúng tôi đang nâng cấp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể sàng lọc phát hiện các biểu hiện lừa đảo để xử lí", Bộ trưởng thông tin.
Ngoài lừa đảo qua không gian mạng, các đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông vấn đề quản lí SIM rác thời gian qua, đặc biệt là sự "quấy phá" bởi những cuộc gọi "ma".
Các nhà mạng đã chặn được 6 triệu SIM rác. (Ảnh: TL).
Bộ trưởng cho biết các nhà mạng đã báo cáo về việc xử lí 24 triệu SIM được kích hoạt trước để bán, đây chính là SIM rác. Theo đó, nhà mạng đã chặn được 6 triệu SIM.
Về tin nhắn rác, trong tháng 10, các nhà mạng đã chặn được 15 triệu tin. Tin nhắn rác quảng cáo xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Hiện nhà mạng đang tập trung quản lí tin nhắn rác quảng cáo bất động sản và SIM số đẹp.
Riêng cuộc gọi rác, tư lệnh ngành thông tin truyền thông khẳng định đây là một hiện tượng mới.
Trung bình mỗi tháng, các nhà mạng phát hiện có 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác. Với 10.000 số máy thì các đầu số này đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi rác, làm ảnh hưởng người dùng mạng viễn thông.
Về giải pháp với cuộc gọi rác, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 80% các cuộc gọi rác đều đến từ SIM rác, nên việc chặn quan trọng nhất chính là giải quyết vấn đề SIM rác. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin truyền thông cũng đã làm việc với các nhà mạng, để tìm biện pháp xử lí cuộc gọi rác với cách thức và công cụ tương tự chặn tin nhắn rác.
Một giải pháp lạc quan khác xử lí SIM rác là sắp tới, sẽ cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm dịch vụ thanh toán mobile money, với giao dịch có giá trị thấp.
Bộ trưởng cho rằng đây là một dịch vụ các nhà mạng đang mong đợi, vì thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nóng, trong khi thanh toán bằng thẻ hiện mới chỉ 35% người có tài khoản.
"Tuy nhiên, điều kiện là ông nhà mạng nào không SIM rác mới được thử nghiệm dịch vụ này. Doanh thu từ dịch vụ sẽ rất lớn, do đó, các nhà mạng phải giải quyết SIM rác trước khi muốn triển khai mobile money. Đây là mũi tên trúng 2 đích", Bộ trưởng nhấn mạnh.