Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận vỡ quy hoạch điện mặt trời, đề nghị xem xét để tư nhân làm đường dây 500 kV

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay quy hoạch điện tái tạo năm 2017, Bộ chưa lường trước sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời, khiến công suất hiện đã vượt 9 lần so với mục tiêu vào năm sau.

Tình hình điện mặt trời, giá bán điện mặt trời và nguồn cung điện trong thời gian tới được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tư lệnh ngành Công Thương trong phiên chiều 6/11.

Bộ trưởng Công Thương thừa nhận không lường trước sự phát triển điện mặt trời

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt vấn đề liệu Quy hoạch Điện VII về các dự án điện mặt trời có ý nghĩa gì khi theo quy hoạch năm 2020 là 850 MW, đến năm 2030 sẽ đạt 1.200 MW. Tuy nhiên,  mới năm 2019, công suất điện mặt trời đã hơn 7.000 MW, gấp 9 lần mục tiêu năm 2020, tức là đã phá vỡ quy hoạch.

picture3

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận chưa lường trước vỡ điện mặt trời, xem xét để tư nhân làm đường dây 500 kV. (Ảnh: Thanh Niên).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sở dĩ số lượng dự án điện mặt trời vượt quy hoạch là do tại thời điểm phê duyệt Quy hoạch Điện VII vào năm 2017, Bộ chưa lường trước được sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.

"Thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến", Bộ trưởng cho biết.

Riêng về giá điện ở mức 9,35 cent/kWh, Bộ trưởng nói sở dĩ phải đưa ra mức giá ưu đãi đó vì Việt Nam đang đối diện nguy cơ thiếu điện rất lớn vào năm 2019-2020.

"Điện mặt trời, điện gió được xem là một nguồn bổ sung đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trên thực tế, với mức giá 9,35 cent/kWh được duy trì đến hết 30/6/2019, ta đã có 4.900 MW điện mặt trời hoàn tất, đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nguồn điện cả nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời đã kéo theo hệ lụy, là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện.

"Sự tập trung quá lớn dự án điện mặt trời ở các tỉnh có bức xạ cao như Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng với sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong dự báo, triển khai các biện pháp cần thiết, dẫn đến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất", Bộ trưởng nói.

Để giải quyết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp, với mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60-70% (hiện tỉ lệ này là 30-40%).

Tư nhân hoá điện nhưng không làm mất vai trò độc quyền của Nhà nước

Cũng quan tâm câu chuyện năng lượng điện tái tạo, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng hạ tầng truyền tải điện trong nước còn rất hạn chế, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương trong khi nguồn vốn Nhà nước có hạn thì có cơ chế cho tư nhân tham gia hay không.

1TranTuanAnh-crop

Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ xem xét tư nhân hoá đường dây 500 kV. (Ảnh: VGP).

Thừa nhận vấn đề hạ tầng đang là điểm nghẽn của tình hình cung ứng điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm các vùng phụ tải cao hiện tập trung ở khu vực mà đường truyền tải chưa hoàn thiện.

Theo kế hoạch dài hạn, Bộ sẽ tiếp tục cùng các bộ ngành nghiên cứu tham mưu, để làm rõ cơ chế mới cho phép đa dạng hóa nguồn đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. 

Theo Bộ trưởng Công Thương, cần điều chỉnh luật hoặc văn bản hướng dẫn pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép vận dụng cơ chế trong luật Điện lực cho phép xã hội hóa về truyền tải điện.

"Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hoá đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyền của Nhà nước. Chúng ta có thể áp dụng hình thức BT", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin và cho biết đã có tập đoàn đề xuất đầu tư đường dây 500 kV.

Tây Nam Bộ có nguy cơ thiếu điện cao

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, "tư lệnh" ngành Công Thương cũng cho biết Việt Nam đang đối diện nguy cơ thiếu điện rất lớn vào năm 2019-2020, kéo dài tới 2022-2023. 

Bộ trưởng dự báo tình hình thiếu điện nguy cơ xảy ra tại vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Ngoài ra, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp, khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Về phương án đảm bảo cân đối nguồn cung cấp điện, Bộ trưởng cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. 

PVN được giao đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan, đảm bảo cung ứng điện cho Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. 

Bộ cũng tính toán phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu. Đồng thời, đề xuất Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII 8 trung tâm điện khí lớn, vì Việt Nam không còn khả năng phát triển điện than.