Cuối giờ chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh thẳng thắn đặt câu hỏi: "Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế 'hở'. Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đang chết ngay trên sân nhà?"
Ông đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rõ hơn về chuyện hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, mà lỗ hổng quan trọng nhất chính là pháp lí, hàng rào kĩ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình xuất nhập khẩu hiện nay.
Do đã kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời đại biểu trong phiên sáng mai 7/11.
Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần nói về việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đang làm ảnh hưởng tình hình sản xuất trong nước, thậm chí khiến Việt Nam là "bãi đáp" để hàng Trung Quốc xuất khẩu đi các nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thông qua hàng loạt kí kết, hiệp định thương mại với các nước, trong đó, có hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đã tạo lợi thế cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận đang có hiện tượng hàng hoá nhiều nước đột lốt hàng Việt để được ưu đãi thuế suất. (Ảnh: VGP).
Bộ trưởng khẳng định kinh tế Việt Nam có "tốc độ phát triển nhanh, độ mở lớn", thì thị trường các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu.
"Tuy nhiên, thuế suất từ các hiệp định cho thấy nhiều sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi, mới nhất là lô nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay từ 2016-2017, Bộ đã nhận thức được vấn đề gian lận xuất xứ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, qua phối hợp kiểm tra cùng Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan, thời gian qua đã phát hiện nhiều mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại xuất khẩu đi Hoa Kỳ, như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, đặc biệt da giày…
"Mới đây, Thủ tướng thông qua đề án phòng vệ thương mại với 5 nhóm nhiệm vụ chính giao các bộ ngành đấu tranh có hiệu quả gian lận xuất xứ. Thực tế, chúng ta không c,hậm trễ và không gây tổn hại với các đối tác chính thức", Bộ trưởng khẳng định.
Riêng với Hoa Kỳ, tình hình xuất khẩu tăng mạnh, rất dễ bị lợi dụng vì Hoa Kỳ cho phép tự chứng nhận xuất xứ.
"Nhưng chúng ta đã phối hợp với Hoa Kỳ, dù tăng trưởng cao nhưng cơ bản giữ được quan hệ thương mại thuận lợi. Với các nước khác thuộc khối EU, việc chống gian lận thương mại cũng hiệu quả", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu ngành công thương cho biết Chính phủ đang xây dựng chương trình phòng vệ gian lận thương mại, Bộ Công Thương chuẩn bị chính sách giải quyết các vấn đề hàng ngoại đội lốt hàng Việt.
Trước tình hình 25 mặt hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ có nguy cơ bị đưa vào danh sách phòng vệ thương mại như điện tử, dệt may, gia giày, đặc biệt là gỗ dán, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên 400%… Bộ đang phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng cảnh báo nguy cơ.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế bán phá giá. (Ảnh: Báo Hải quan).
Theo ông, các nước đang bị áp thuế bán phá giá sẽ tìm cách tuồng hàng vào Việt Nam, lợi dụng "kinh tế mở" thông qua hàng loạt hiệp định kí kết của Việt Nam để xuất khẩu đi các nước.
Trong khi đó, tình hình hàng gian, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại trong nước lại xuất hiện ngày càng nhiều.
"Thực tế, gian lận thương mại, hàng giả đã không còn cá biệt. Khi hội nhập, các tổ chức gian lận này lại càng tinh vi hơn, có sự liên kết trong và ngoài nước", Bộ trưởng thừa nhận.
Tổng cục Quản lí thị trường được thành lập vừa qua nhằm giải quyết tình trạng này. Cơ quan này đang tiếp tục phát huy vai trò trong việc phối hợp với các địa phương.
Cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương, nhưng "tư lệnh" ngành này nói cần có trách nhiệm của cả hệ thống trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
"Không chỉ có thuốc giả mà còn có quần áo giả, việc này có sự tiếp tay của lực lượng chức năng của địa phương. Bộ Công Thương vừa qua quyết liệt đấu tranh chống các mặt hàng giả như đường, quần áo, tập trung một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Hà Nội", ông cho biết.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định Tổng cục Quản lí thị trường sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ và có giải pháp đấu tranh hữu hiệu hơn nữa trong công tác chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.