Phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 6/11, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nói về trách nhiệm, vai trò của Bộ trưởng như thế nào khi đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam được cài cắm trong nhiều sản phẩm từ quả địa cầu, ôtô, phim ảnh… gần đây.
"Trước đó, đường lưỡi bò đã xuất hiện trong các sản phẩm nghe nhìn, nhưng đường lưỡi bò xuất hiện trong ôtô nhập khẩu, triển lãm là hiện tượng mới", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Công Thương cho biết ôtô cài cắm đường lưỡi bò là vấn đề mới. (Ảnh: Quochoi.vn).
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết vụ việc chiếc ôtô có cài cắm đường lưỡi bò trong hệ thống định vị tại triển lãm ôtô gần đây, cơ quan chức năng đã tịch thu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô khác, Bộ đã yêu cầu triệu tập, thu hồi đã nhập khẩu có đường lưỡi bò. Bộ đã quyết định các doanh nghiệp này dừng nhập khẩu ôtô vào Việt Nam cho đến khi thực hiện xong trách nhiệm thu hồi.
Từ hiện tượng mới đường lưỡi bò bị cài cắm vào ôtô nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Có lỗ hổng pháp lí, cần rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lí, không để xảy ra tình trạng này trong tương lai".
Theo người đứng đầu ngành công thương, vấn đề này, đòi hỏi có sự vào cuộc của nhiều Bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông…
Thời gian qua, hàng loạt sản phẩm dịch vụ, hàng hoá của Việt Nam bị cài cắm đường lưỡi bò như phim hoạt hình, đồ chơi và mới đây là cả giáo trình, sách giáo khoa.
Tại cuộc họp thường kì Chính phủ chiều 5/11, Bộ trưởng - người đứng đầu Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết các Bộ ngành quản lí trực tiếp sẽ chịu trách nhiệm về việc để đường lưỡi bò xuất hiện trong các sản phẩm đang có dấu hiệu tràn lan hiện nay.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết thêm thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng sản phẩm bán trên các sàn này thường thiếu thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng Công Thương cho biết tình hình hàng gian, hàng giả diễn biến phức tạp có sự tiếp thay của cơ quan chức năng địa phương. (Ảnh: CQCN)
Người đứng đầu Bộ Công Thương nói đây là vấn đề cả thế giới cùng gặp phải. Trong khi đó, tại Việt Nam, khuôn khổ pháp luật còn chồng lấn, chưa đảm bảo hạ tầng thương mại điện tử.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước ban hành một số thông tư, nghị định nhằm hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, gồm cả việc thanh toán điện tử. Khi đó, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo khi mua sắm qua các sàn thương mại điện tử.
Để giải quyết các vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán tran lan hiện nay, kể cả trên các sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sắp tới Tổng cục Quản lí thị trường sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, có giải pháp đấu tranh hơn nữa.
Việc chống hàng gian, hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ bởi đây là tình trạng đang phổ biến, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự phối hợp của nhiều tổ chức, thậm chí là sự tiếp tay của lực lượng chức năng địa phương.