Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Dù được đánh giá là nền kinh tế đứng top đầu để đầu tư nhưng TS Võ Trí Thành cho rằng các chỉ số đơn đặt hàng đang có xu hướng giảm trong quý cuối cùng của năm 2019, nên có thể sẽ kéo tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả năm xuống mức khoảng 6,8%.

Tại Hội nghị đầu tư 2019 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2020-2030: Suy thoái hay hưng thịnh?" vừa diễn ra tại TP HCM, TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lí kinh tế Trung Ương nhận định môi trường đầu tư tại Việt Nam "hấp dẫn, song còn nhiều việc phải làm".

Việt Nam nằm trong nhóm những nước tốt nhất để đầu tư

Dẫn báo cáo của U.S News & World Report, TS Võ Trí Thành cho biết Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao về môi trường đầu tư. Cụ thể, theo bảng xếp hạng này, năm 2018, môi trường đầu tư tại Việt Nam đứng thứ 23 toàn thế giới thì năm nay đã tăng lên hạng thứ 8.

Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong nhóm 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư. Riêng tại khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau 3 nước là Arab Saudi, Ấn Độ và Qatar.

IMG_8094

TS Võ Trí Thành nhận định môi trường đầu tư tại Việt Nam "hấp dẫn, song còn nhiều việc phải làm". (Ảnh: Phúc Minh).

Phân tích rõ hơn về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lí kinh tế Trung Ương đánh giá, Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động.

"Đông Nam Á không nước nào hội nhập như Việt Nam thông qua các kí kết, hiệp định. Chơi với Việt Nam cũng dễ dàng như chơi với thế giới bởi tính đến nay, Việt Nam có tới 17 Hiệp định thương mại tự do đã và đang kí kết, đa phương, song phương", TS Võ Trí Thành nhận định.

Theo ông, đây là điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư hiện nay cũng như trong tương lai.

Ngoài ra, những yếu tố khác giúp thu hút dòng vốn FDI là dân số trong độ tuổi lao động cao, dự báo vẫn còn thuộc nhóm có dân số vàng đến năm 2028. Trong khi đó, chi phí lao động tương đối ở mức cạnh tranh so với những quốc gia khác trên thế giới.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến chiến lược đầu tư Trung Quốc+1 và chuyển hướng đầu tư khiến Việt Nam trở thành nước đón các làn sóng đầu tư mới, cũng như các doanh nghiệp lớn chuyển nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

TS Võ Trí Thành cũng nhận định các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tốc độ tăng trưởng tầng lớp người thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, song song đó là những cam kết về ổn định, tiếp tục cải cách, hội nhập của Chính phủ khiến an tâm hơn khi chọn Việt Nam để đầu tư.

Những ngành nào có lợi thế?

Nhận định về những lĩnh vực có tiềm năng trong tương lai, TS Võ Trí Thành cho biết những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản tiếp tục vẫn giữ được ưu thế của mình.

Thứ hai là các lĩnh vực phục vụ người tiêu dùng gồm bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế, dược. Với sự bùng nổ của sản xuất, công nghệ các dịch vụ hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ, logistics cũng sẽ được quan tâm đầu tư.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-05 lúc 23

Cơ cấu vốn FDI theo ngành được rót vào Việt Nam hiện nay. (Nguồn: Indochina Capital - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đặc biệt, những ngành mới nổi hiện nay tại Việt Nam như kinh tế thông minh, sáng tạo, fintech, thương mại điện tử… sẽ tiếp tục có những đột phá trong thời gian tới. 

Nhóm kết cấu hạ tầng và bất động sản cũng là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm tại Việt Nam, gồm nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bất động sản bán lẻ…

Cùng nhận định trên, CEO Tập đoàn Indochina Capital - ông Michael Paul Piro, cho biết thêm ngành logistics tại Việt Nam tăng trưởng 20% mỗi năm giai đoạn 5 năm gần đây, và dự kiến duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong 5-10 năm tới.

Trong khi đó, thương mại điện tử cũng ghi nhận ở mức không hề thấp khi tăng trưởng đến 25% trong 5 năm gần nhất và đã đạt quy mô 9 tỉ USD năm 2018.

CEO Indochina Capital cho biết dòng vốn FDI theo ngành tại Việt Nam hiện nay dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo với 71%, tiếp đến là bất động sản với 7%, bán buôn - bán lẻ 6%, công nghệ 4%, sản xuất - phân phối điện khí nước 3%.

Việt Nam suy thoái hay thịnh vượng trong tương lai?

Dù cho rằng Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá tích cực về môi trường đầu tư, tuy nhiên, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lí kinh tế Trung Ương - TS Võ Trí Thành, vẫn nhận định Việt Nam đang đối mặt trước nhiều thách thức.

0034_3

TS Võ Trí Thành cho biết bán lẻ là một trong những ngành có nhiều triển vọng tại Việt Nam trong tương lai. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo ông, chi phí điều chỉnh lĩnh vực thiếu khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, nền kinh tế lại dễ tổn thương, bất ổn vĩ mô trước các cú sốc bên ngoài, gồm cú sốc giá hàng hoá cơ bản, dịch chuyển vốn, chiến tranh thương mại…

"Như vậy, doanh nghiệp có nên làm kế hoạch dài hạn hay không? Tôi có ông bạn, làm kế hoạch không quá 3 năm, do môi trường có quá nhiều thay đổi. Dự báo công nghệ 5 năm, chưa đến hạn thì cũng chính những định chế đó khẳng định khác đi. Hiện thay đổi sau 1 năm là đã khác lắm rồi", TS Võ Trí Thành thẳng thắn. 

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra nhận định, thế giới đang giảm tốc tăng trưởng, xu thế đến năm 2020 vẫn sẽ tiếp tục giảm tốc.

"Việt Nam thì 3 quý đầu năm tăng trưởng gần 7%, thường quý cuối cùng sẽ tăng nữa nhưng Thủ tướng báo cáo mới đây lại dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm chỉ 6,8%, bởi chỉ số đặt hàng đang có xu hướng giảm, đơn hàng dệt may cũng giảm…", ông Thành cho biết.

Ông cho rằng hy vọng duy nhất cuối năm nay chỉ có thể là giải ngân tốt vốn đầu tư công.

Dự báo tăng trưởng trong năm tới, TS Võ Trí Thành cho biết dao động trong khoảng 6,6-6,8%, lên 7% là "điều cực kì khó". 

Ông cho rằng để đảm bảo tình hình kinh tế đất nước trong trung và dài hạn, Chính phủ cần đảm bảo hài hòa 3 yếu tố là ổn định về kinh tế, giải quyết các bức xúc xã hội và tiếp tục cải cách bộ máy.