CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Du lịch Việt đang thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi, khách đến không có nơi tiêu tiền

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng ngành du lịch Việt Nam đang “mắc kẹt đâu đó”, khi lượng khách tăng cao nhưng đóng góp GDP có xu hướng giảm, chi tiêu của khách giảm gần gấp đôi, thừa chỗ ngủ nhưng thiếu chỗ chơi.

Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu đạt 504.000 tỉ đồng, tương đương 81% so với cả năm ngoái. Việt Nam được xem là "ngôi sao đang lên" trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, tại Hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" tổ chức ngày 28/10, Tổng giám đốc Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ, thẳng thắn nêu quan điểm bản thân ông không vui, và những người làm công tác quản lí cũng không thể vui, vì thực trạng ngành du lịch hiện nay.

Khách tăng nhưng chi tiêu giảm gần một nửa

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho hay năm 2018, ngành du lịch đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Đây là một tín hiệu tích cực. Ngoài ra, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam do WTO công bố tăng từ hạng 67 lên 63.

tong-giam-doc-vietravel-nguyen-quoc-ky-xa-hoi-phan-cong-minh-phai-lam-tot1461212215

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết xét từng yếu tố thì thực chất, ngành du lịch "đang có vấn đề". (Ảnh: Vietravel).

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu bình tĩnh lại, xem xét từng yếu tố thì thực chất, ngành du lịch "đang có vấn đề".

Nếu như năm 2017, du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 7,7 tỉ USD thì sang năm 2018, tổng khách du lịch tăng mạnh đến 12,9 triệu lượt nhưng tổng thu chỉ nhích nhẹ lên 8,8 tỉ USD. Nếu tính trung bình, năm 2017, mỗi khách đi du lịch tiêu 925 USD thì đến năm 2018 chỉ còn 532 USD/khách.

Vấn đề chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam từ trước đến nay vốn đã thấp hơn nhiều so với các nước khác, nhưng tình trạng này lại gần như đang trở nên nghiêm trọng hơn. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng cho rằng đóng góp của ngành du lịch vào GDP thực tế có xu hướng giảm, chỉ ở mức 6%. Trong khi đó, tiêu chí việc làm trong ngành du lịch lại không ổn. 

"Bối cảnh chung thì phát triển tốt nhưng chỉ tiêu từng vấn đề lại không tốt. Với du lịch, chất lượng mới là quyết định, vì thế chúng ta thua Malaysia, Indonesia, Thái Lan, chỉ hơn được Philippines, Lào, Campuchia. Rõ ràng có điều gì đó không vui, tôi không vui và các nhà quản lí cũng không vui. Chúng ta đang mắc kẹt ở đâu đó, khi chỉ thu được 8,8 tỉ USD trên 12,9 triệu lượt khách, hụt thu khoảng 3 tỉ USD", ông Kỳ thẳng thắn.

"Mài" ngành kinh tế mũi nhọn du lịch thế nào?

Ông Kỳ đặt vấn đề: Việt Nam có 3 ngành kinh tế mũi nhọn là nông nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch. Dù du lịch được gắn cho "mác" mũi nhọn, nhưng thực tế đóng góp GDP của du lịch vẫn còn thấp, và lại có xu hướng giảm. 

Trong khi đó, một số lĩnh vực khác không cần mũi nhọn nhưng đóng góp vào GDP vẫn cao hơn du lịch. 

Đơn cử, gỗ xuất khẩu đóng góp 8,9 tỉ USD, chế biến thực phẩm trên 11 tỉ USD.

Van_Don_2

Ông Kỳ cho rằng phát triển du lịch phải có quy hoạch dài hạn thì mới bền vững. (Ảnh: Zing).

"Thậm chí, xuất khẩu rau củ quả con số còn rất khủng khiếp, vậy du lịch tự nhìn lại, thực tế có 'nhọn' không. Muốn nhọn thì phải mài nhưng mài như thế nào cho ra mũi nhọn", ông Kỳ nhấn mạnh.

Theo ông, du lịch không thể tự thân phát triển, mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách. Vì vậy, trước tiên, vấn đề chính sách, quy hoạch phải hướng đến phát triển bền vững, phát triển thành kinh tế mũi nhọn thì mới phát triển được. Còn quy hoạch kém, lạc hậu không có tầm nhìn thì mãi vẫn không đạt được mục tiêu.

Ông cho rằng vấn đề quy hoạch phát triển du lịch tốt nhất nên giao cho ban chỉ đạo quốc gia, bởi ban này gồm nhiều bộ ngành và có người đứng đầu chịu trách nhiệm, thay vì phải giao cho một 1 Bộ cụ thể.

Tổng giám đốc Vietravel dẫn chứng cách đây khoảng 7 năm, ông đến Bình Định và hiến kế giải quyết vấn đề du lịch biển tại tỉnh này. Thời gian đó, cá mập là nỗi ám ảnh với du lịch biển Quy Nhơn. Ông đã chỉ ra việc giải quyết các làng bè thế nào để không còn tình trạng nguồn nước có mùi tanh, dẫn dụ cá mập vào bờ.

Ông nói về mô hình phố đi bộ tại Huế. "Sau 21h thì ai đi. Thành phố gồm 5 trường đại học, sinh viên ngồi ôm nhau đêm thứ ba là chán".

Sau đó, ông có hiến kế tổ chức hát hò ròng rã nhiều đêm liền để lấy tiếng, chỉ sau một thời gian, chưa đến lúc kế hoạch hát kết thúc thì lãnh đạo này đã gọi điện thông báo khách đi nhiều quá, bắt đầu kẹt xe.

Vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp, địa phương không thể ngồi chờ chính sách mũi nhọn của Chính phủ, mà phải năng động hơn nữa, chủ động đề xuất các vướng mắc để giải quyết.

Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi, tour 0 đồng bào mòn du lịch

Bên cạnh chính sách, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chỉ ra cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố tiên quyết phát triển du lịch, mà các doanh nghiệp bất động sản du lịch cho rằng đây là "cánh chim" đầu đàn cho ngành công nghiệp không khói.

"Du lịch được đầu tư rất tốt về bất động sản du lịch, đây là điều đáng mừng nhưng cũng đáng suy ngẫm. Rõ ràng chính sách của ta đang có vấn đề, bất động sản du lịch đang khiến thừa chỗ ngủ nhưng thiếu chỗ chơi", ông Kỳ cho biết.

dlap5801_yhub

Phố đi bộ Bùi Viện được xem là mô hình kinh tế ban đêm tại TP HCM nhưng hiện cũng đang bị biến tướng. (Ảnh: Thanh Niên).

Thực tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thời gian qua rất tốt, trải dài khắp các địa phương, từ vùng núi, miền biển cho đến hải đảo. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, các địa điểm vui chơi, cho khách chi tiêu lại rất ít. 

Đơn cử, tại thủ phủ resort Phan Thiết (Bình Thuận) bất động sản du lịch rất nhiều, khách có nhiều sự lựa chọn để "ngủ" nhưng các dịch vụ "móc hầu bao" của khách lại không có. Trong khi ngành du lịch và các dịch vụ liên quan du lịch lại rất dễ khiến du khách trả thêm tiền. 

Đây cũng là lí do khiến chi tiêu trung bình trên mỗi khách du lịch năm 2018 gần như giảm một nửa so với năm 2017, dù số lượng khách lại tăng hơn rất nhiều.

"Tour 0 đồng đang bào mòn mọi thứ, khách du lịch thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc khiến chúng ta mất nguồn thu với tour 0 đồng", ông Nguyễn Quốc Kỳ cảnh báo, và kiên quyết không đồng tình việc làm du lịch mà không nhận được bất kì đồng nào.

Đồng thời, ông cho rằng để phát triển du lịch hơn nữa thì không thể quảng bá theo kiểu 10 năm trước, nhưng đây đang là thực trạng khi chi phí xúc tiến, quảng bá chỉ ở mức 200 triệu USD mỗi năm.

"Nếu cứ tiếp tục thế này những năm sau, liệu có được bao nhiêu công ty Việt Nam trụ được với những công ty du lịch nước ngoài. Tôi cho rằng doanh nghiệp đủ năng lực 'đánh nhau' với doanh nghiệp nước ngoài không nhiều đâu", Tổng giám đốc Vietravel đặt vấn đề.