Phát triển du lịch thì phải đánh đổi, làm không khác biệt khách đi Thái Lan, Trung Quốc thích hơn

TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm nếu bảo tồn không thì không thể phát triển hoặc đánh đổi chưa đủ thì cũng không thể phát triển được. Tuy nhiên, đánh đổi bao nhiêu là đủ vẫn là bài toán khó vì chính sách, quy định hiện vẫn chưa rõ ràng.

TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề hiện có nhiều ý kiến cho rằng phát triển du lịch đã xâm hại môi trường khiến dư luận bức xúc, tại Hội thảo "Đột phá kinh tế từ Du lịch" được tổ chức ngày 28/10 tại TP HCM.

Ông Thiên đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm về việc du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, lựa chọn đánh đổi hay bảo tồn môi trường trong việc phát triển du lịch hiện nay.

"Muốn phát triển bao giờ cũng phải đánh đổi"

Báo cáo của Tổng Cục Du lịch cho biết, theo Tổ chức Du lịch thế giới, dự báo đến 2020 du lịch toàn cầu sẽ đạt 1,4 tỉ lượt khách đi du lịch, tuy nhiên, thực tế đã đạt được ngay từ năm 2018.

Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng du lịch về hành khách đang rất lớn, trong đó, du lịch Việt Nam lại được đánh giá là "ngôi sao đang lên", với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu thế giới. 

CauVang2-2

Cầu Vàng là hiện tượng du lịch của Việt Nam trong năm qua. (Ảnh: Sun World).

9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu đạt 504.000 tỉ đồng, tương đương 81% so với cả năm ngoái.

Tuy nhiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh thời gian qua, vấn đề phát triển du lịch và môi trường lại là một vấn đề nóng khiến dư luận quan tâm.

Ông Thiên cho rằng vấn đề này cần phải giải quyết thấu đáo dựa trên nguyên tắc, xác định tiêu chuẩn để phán xét.

"Muốn phê phán điều gì cũng phải đặt lên bàn cân lợi ích, đã muốn phát triển bao giờ cũng phải đánh đổi. Nếu bảo tồn không thì không phát triển được, hoặc đánh đổi chưa đủ thì cũng không thể phát triển được", TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm và bổ sung rằng: "Muốn phát triển mạnh thì phải đánh đổi mạnh".

Ví dụ về đường sắt xuyên Việt nếu không phá đủ cây rừng làm sao có đường sắt. Ông Trần Đình Thiên cũng liên hệ đến những vụ gần đây như Bà Nà, Sơn Trà hay trước đó là Tam Chúc với những câu chuyện lợi dụng tôn giáo để kinh doanh. Theo ông Thiên, đây đều là những công trình mang tính định hướng du lịch nhưng vướng phải phản ứng tiêu cực vì tác động, xâm hại môi trường quá nhiều.

"Bây giờ ta cứ khen những tòa nhà trên Đà Lạt, hay Pháp xây trên Tam Đảo, trường hợp này vẫn phải phá rừng, đào đường"

Cho rằng phải đánh đổi mới có được phát triển, tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề đánh đổi bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là hợp lí cho việc phát triển du lịch hiện nay,  vì vốn có nhiều tiêu chuẩn như lợi ích ngắn hạn hay dài hạn, cục bộ hay tổng thể. Đây được xem là một bài toán khó do các chính sách cụ thể liên quan bảo tồn và phát triển vẫn chưa rõ ràng.

hinhathien_mbav

TS Trần Đình Thiên cho rằng nếu không đánh đổi sẽ không thể có phát triển. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông cũng cho rằng lợi ích toàn thể và tính dài hạn phải được ưu tiên. Đánh đổi thế nào là hợp lí thì cần luật, cần tiêu chuẩn cụ thể, trong khi hiện các chính sách, quy định lại chưa rõ ràng. Vì vậy, điều này đang "làm khó" doanh nghiệp, và ngay cả chính quyền địa phương cũng không dám làm.

"Bây giờ ta cứ khen những tòa nhà trên Đà Lạt, hay Pháp xây dựng trên Tam Đảo, những trường hợp này vẫn phải phá rừng, đào đường. Ngày xưa làm chùa cũng phải đụng cái nọ cái kia, nhưng giờ phản ứng quá nhiều tức chưa đủ mức tỉnh táo để nhìn nhận đúng", TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Ông Thiên nói đất nước có nhiều cảnh đẹp nhưng chính quyền địa phương không dám làm thì rất uổng. 

"Khi đặt mục tiêu ưu tiên dành cho doanh nghiêp lớn thì chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, khi có sự cố thì phản ứng chính thức, không hẳn đứng về doanh nghiệp", TS Trần Đình Thiên cho biết.

Nếu không khác biệt, khách đi Thái Lan, Trung Quốc thích hơn

Vấn đề thứ hai trong phát triển du lịch mà TS Trần Đình Thiên nêu ra là xem du lịch là kinh tế mũi nhọn, vậy thế nào là kinh tế mũi nhọn, trong khi vốn đã có quá nhiều ngành khác cũng được xem là mũi nhọn.

"Mũi nhọn không rõ, có phải là tiên phong không, mọi thứ đều phải đi theo, xã hội và các thiết chế khác có đi theo du lịch hay không", ông Thiên nêu quan điểm.

Van_Don_2

Vịnh Hạ Long cũng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất Việt Nam. (Ảnh: Zing).

Nếu không được luận chứng rõ ràng thì các địa phương vẫn lúng túng, không biết mũi nhọn để ưu tiên. Chưa có tiêu chuẩn, chưa có tiêu chí thì doanh nghiệp đi tiên phong có thể gặp rủi ro. 

Về việc phát triển du lịch, TS Trần Đình Thiên chỉ ra du lịch Việt Nam phải theo hướng khác biệt, đặc sắc, nếu không khách du lịch sẽ chọn "Thái Lan, Trung Quốc hay hơn".

Việt Nam có nhiều cái hay nhưng chưa biết làm hay. Du lịch ngay từ đầu phải là đẳng cấp, vượt lên chứ không chỉ chạy theo sản lượng, hay tiêu chí khách năm nay phải tăng hơn năm trước.

Vì muốn ăn nhanh, muốn tăng số người, muốn có thành tích thì lại tạo điều kiện cho kiểu khách đi cả làng, điều này thì không được. 

"Ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều, ở lại lâu, muốn như thế thì dịch vụ phải tốt. Tài nguyên du lịch Việt Nam toàn đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... thì phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó chứ không thể phung phí được", TS Trần Đình Thiên cho biết.

Để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch có đẳng cấp, thì cộng đồng doanh nghiệp phải là đối tượng dẫn dắt. Tuy nhiên, phải là những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn có thực lực và đẳng cấp phải tiên phong.

"Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành. Nhiều năm trước tôi đã khen Sun Group định hình du lịch ở Đà Nẵng hay Phú Quốc. Phải cổ động, ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn thực lực, có được trình độ để định hình được chân dung du lịch", TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.