Các CEO thuộc khối APEC chọn Việt Nam là ưu tiên số 1 để đầu tư, nhưng lo vấn đề an ninh mạng

Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết các CEO thuộc khối APEC cho rằng Việt Nam là ưu tiên số 1 để đầu tư hiện nay, vượt cả Trung Quốc, Mỹ và Australia.

Việt Nam là ưu tiên số 1, 66% doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất sang Việt Nam 

Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam triển vọng 2020, diễn ra chiều 31/10 tại TP HCM, ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn PwC Việt Nam, cho biết Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê mới nhất thì CEO các công ty thuộc khối APEC cho rằng Việt Nam đang là lựa chọn số 1 để đầu tư hiện nay, với tỉ lệ lên đến 46%.

samsung

66% các doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, thay vì các nước khác. Samsung sau khi đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc cũng khẳng định đầu tư mở rộng tại Việt Nam. (Ảnh: Samsung).

Với sự tin tưởng này, Việt Nam cũng trở thành môi trường đầu tư được các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương ưu tiên trước Trung Quốc, Mỹ và Australia. 

Đứng trong top đầu các nước được các CEO thuộc khối APEC chú ý tại Đông Nam Á còn có Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan chỉ được tín nhiệm với tỉ lệ 39% và đứng ở vị trí thứ 5.

Về cơ cấu nguồn vốn FDI, ông cho biết 9 tháng đầu năm 2019, vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng, và chiếm tỉ trọng lớn. Nguồn vốn từ Hong Kong, Singapore cũng đang tăng dần. 

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung phần nào tác động đến việc Việt Nam được các doanh nghiệp chú ý đến hơn. Theo đó, có đến 66% các doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất sang Việt Nam thay vì các nước khác. 

Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Campuchia cũng được xem là sẽ hưởng lợi, với tỉ lệ 60% các doanh nghiệp muốn chuyển nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất khi các công ty phải đóng cửa tại Trung Quốc, vì căng thẳng thương mại.

Ông Grant Dennis tiết lộ CP Thái Lan đang xem Việt Nam là thị trường tuyệt vời để kinh doanh. Doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở rộng khu chế biến tại Việt Nam với số vốn đầu tư có thể lên đến hàng triệu USD.

 Lo ngại vấn đề an ninh mạng

Lãnh đạo PwC Việt Nam cũng tiết lộ thêm dù hầu hết CEO các doanh nghiệp thuộc khối APEC cho rằng Việt Nam là ưu tiên số 1 hiện nay cho việc đầu tư, nhưng chính họ cũng tỏ ra ngần ngại về môi trường kinh doanh.

"Quyết định rót vốn FDI là một quyết định rất rủi ro. Các CEO lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP tại Việt Nam, chính sách đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực có đáp ứng được hay không. Việt Nam đang có mức độ tăng trưởng tốt, tuy nhiên có bền vững hay không còn đến từ người lao động", Tổng giám đốc PwC cho biết.

thebank_nganhangsolagivaitrocuanotrongcuocsonghiendainhuthenao_1520994954_clad

Ông Grant Dennis cho biết dữ liệu trong tương lai là mạng sống của các doanh nghiệp, vì vậy họ quan tâm nhiều đến vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên).

"Yếu tố đe dọa về an ninh mạng là điều cần xem xét về tương lai Việt Nam. Tiến bộ công nghệ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh, vì vậy có 69% doanh nghiệp lo ngại an ninh mạng khi lập ra kế hoạch phát triển trong nền công nghiệp 4.0", Tổng giám đốc PwC cho biết.

Theo ông, dữ liệu chính là tài sản lớn nhất và quan trọng nhất trong nền kinh tế số. Vì vậy, vấn đề an ninh mạng bức thiết phải được giải quyết tốt, nên các CEO quan tâm đến vấn đề này tại Việt Nam trước khi quyết định đầu tư là có cơ sở.

Mối quan tâm lớn tiếp theo là vấn đề người lao động. Ông cho rằng nếu nhìn vào các số liệu thống kê, có thể thấy rõ tuy Việt Nam vẫn nằm trong độ tuổi lao động, nhưng kể từ năm 2020 trở về sau, số lượng lao động trẻ bắt đầu đi xuống và không còn đứng ở đỉnh.

Người lao động phải tập trung kĩ năng và năng lực về chuyên mới thì mới có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhất là sự thay đổi về ứng dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng, bảo hiểm và du lịch được chú ý nhiều nhất, doanh số bán bảo hiểm đã tăng 40%

Tại hội thảo này, một vấn đề các chuyên gia cùng chung nhận định là mức sống của người dân ngày càng cao. Tại các thành phố lớn, điều này được hiện rõ nét qua số lượng ôtô cá nhân tham gia giao thông trên đường. Tuy có thể tác động đến vấn đề môi trường, nhưng mật độ ôtô cá nhân được xem là chỉ số thể hiện mức sống của người dân ngày một tăng.

dai_ichi_life_rfzv

Nhành bảo hiểm được khẳng định sẽ có nhiều triển vọng tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên).

Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng ngân hàng, bảo hiểm và du lịch sẽ là những ngành được chú ý nhiều nhất tại Việt Nam trong thời gian tới, khi chất lượng và nhu cầu cuộc sống của người dân ngày càng tăng lên.

"Tại Việt Nam, số lượng công ty bảo hiểm vẫn thấp nhưng tương lai sẽ thuận lợi hơn vì đất nước đang phát triển. Một số công ty nói với tôi rằng doanh số bán bảo hiểm đã tăng 40%, dấu hiệu cho thấy kinh tế rất tốt, người dân đang muốn bỏ ra một khoản cho bảo hiểm", ông Grant Dennis tiết lộ.

Song song đó là tài chính ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt, và dự báo sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, khi hiện chỉ mới 30% người dân sở hữu tài khoản ngân hàng.

"Năm ngoái, tôi có tới sân bay và nhận thấy rằng Vietjet, Bamboo Airways đang góp phần thúc đẩy sự phát triển cho du lịch Việt Nam. Số lượng khách đang ngày càng lớn. Đây là ngành đang phát triển nhanh", Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, một số ngành cũng sẽ nhiều thuận lợi trong thời gian tới gồm công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhất là những ngành liên quan điện thoại, phụ tùng, nhờ sự dịch chuyển nhà máy của các công ty lớn như Samsung tại Việt Nam.