Lo lắng nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, trong khi nguồn từ Nhật Bản, Hàn Quốc giảm

Theo ông Vũ Tiến Lộc, dòng vốn FDI từ Trung Quốc, gồm cả Đài Loan và Hong Kong vào Việt Nam đang tăng đột biến. Trong khi đó, vốn Nhật Bản và Hàn Quốc lại giảm. Ông khẳng định xu hướng chuyển dịch này là thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI.

Vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng đột biến

Chất vấn tại phiên thảo luận Quốc hội hôm nay (30/10) về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch VCCI, cho rằng bức tranh về nguồn vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm không được mấy sáng sủa, khi nhìn thẳng vào cơ cấu các dòng vốn đổ vào Việt Nam.

ALoc

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, dòng vốn FDI từ Trung Quốc, gồm cả Đài Loan và Hong Kong đang tăng đột biến, trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc lại giảm. (Ảnh: VGP).

Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tăng lên, tăng đột biến với vốn liên quan tới Trung Quốc, gồm Đài Loan và Hong Kong, nhưng lại giảm ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt, là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định xu hướng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư nước ngoài này là một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI. Về dài hạn, Chủ tịch VCCI khẳng định chắc chắn sẽ ảnh hưởng chất lượng tăng trưởng.

Việt Nam không hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, mà ngược lại 

Nói về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi, và trở thành công xưởng mới của thế giới. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nêu quan điểm tình hình không lạc quan như vậy.

"Thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại. Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết", đại biểu ví von.

Điều này được thể hiện rõ qua tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm. Theo đó, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu chỉ tăng 8,2% so với cùng kì 2018. Nếu so sánh thì tốc độ này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của cùng kì năm ngoái, là 15,4%, và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, ông cho rằng đang có sự chuyển dịch bất lợi. 

Các thị trường lớn nhất của Việt Nam là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, tuy nhiên, xuất khẩu vào Mỹ lại tăng đột biến. Xuất siêu vào Mỹ cao bất ngờ đang ẩn chứa nhiều rủi ro về gian lận thương mại. Thực tế nhiều nước đã bị Mỹ trừng phạt.

Duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn sẽ gặp khó 

Chỉ ra nhiều khó khăn, tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn có nhiều điểm sáng. Dù kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng trong nước được cải thiện. Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất khu vực.

Ông Lộc cho biết cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm.

tq-nha-may-thep-15626311271741362944527-1567766072360718957870

Mỹ áp thuế lên thép là một bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

"Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN, và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tuy nhiên, về dài hạn, Chủ tịch VCCI chỉ ra tầm nhìn 2020 và những năm sau đó, thì mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% sẽ rất gian nan, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, 2 yếu tố này có thể sẽ không bền vững từ nguồn vốn FDI tăng mạnh từ Trung Quốc, và có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt về hàng hoá xuất khẩu.

Song song đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết thêm chỉ số hàng tồn kho của khu vực chế biến, chế tạo tính đến cuối 30/9 đạt mức kỉ lục 17,2%.

Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn do 3 năm liên tiếp nguồn thu  không đạt chỉ tiêu, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hơn 13 tỉ USD

Theo TBKTSG, tại hội thảo "Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh" tổ chức chiều nay 30/10, ở Cần Thơ, bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết tính đến nay, Trung Quốc là quốc gia xếp thứ 7 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng kí 13,3 tỉ USD tại 53 tỉnh thành cả nước.

Theo bà Trang, các dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như chế biến, chế tạo công nghiệp, khai khoáng, dịch vụ nông lâm, ngư nghiệp và chế biến thủy sản…

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt 3 tỉ USD, vượt so với con số 2,4 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam cả năm 2018.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.