Đại biểu Quốc hội lo hàng Việt tại siêu thị chỉ là hồn Trương Ba, da hàng thịt, tài nguyên bị khai thác chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

"Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang tạo điều kiện nền móng cho người khác xây nhà không phải không có lí, bởi từ sản xuất, lưu thông đến phân phối thì trên bình diện nào cũng có sự lớn mạnh của FDI", đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nói.

Tiếp tục phiên thảo luận chiều nay, 30/10, về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chất vấn về vấn đề sức mạnh của các thương hiệu Việt trước sự xâm nhập của các đại gia ngoại.

"Nhà đầu tư ngoại dù có mở rộng thị trường đến mức nào đi nữa, cam kết giữ thương hiệu Việt đến đâu thì bản chất hàng Việt, tự hào với bao tâm huyết như lúc được khai sinh của những ngày đầu khởi nghiệp có còn không, hay chỉ đơn thuần là Hồn Trương Ba, da hàng thịt", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Hàng loạt thương hiệu đội nón ra đi

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhắc lại về thương vụ của Kem đánh răng Dạ Lan. Ông cho rằng năm 1995, đánh dấu thời điểm kem đánh răng Dạ Lan biến mất khỏi thị trường. Sự kiện này đã mở đầu cho làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam.

IMG_7449

2 năm nay, Dạ Lan đang trầy trật trở lại thị trường. (Ảnh: Phúc Minh).

"Nối gót Dạ Lan là hàng loạt thương hiệu như Phở 24, Kinh đô, Nhựa Bình Minh, Giấy Sài Gòn… Trong đó còn không ít thương hiệu vài năm trước còn đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia", đại biểu tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Ông cũng nói thêm, gần đây vào đầu tháng 7, Big C thông báo tạm ngừng thu mua sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp nội địa, khiến hàng loạt nhà cung cấp phải biết phải xử lí thế nào. 

Đại biểu đặt nghi vấn đây có phải là một phép thử của doanh nghiệp Thái Lan hay không. Từ sự kiện này cũng cho thấy các các doanh nghiệp nội quá phụ thuộc vào nhà bán lẻ lớn của nước ngoài, họ cũng bị mất lợi thế ngay chính sân nhà của mình.

"Nhập siêu 3,5 tỉ USD từ Thái Lan trong 8 tháng có nguyên nhân từ đây không", đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

Ông cũng cho rằng không chỉ ngành bán lẻ, nhu yếu phẩm mà M&A đang chạm vào lõi của ngành kinh tế. Trong ngành logistic, các doanh nghiệp ngoại không tới 3% nhưng chiếm 80% thị phần.

"Từ logistics đến tài chính, năng lượng những ngành được dự báo bùng nổ sắp tới. Những nhà đầu tư ngoại đang dần tác động lên xương sống của nền kinh tế", đại biểu Nhân chỉ ra.

IMG_6319

Big C đầu tháng 7 gây ồn ào khi thông báo ngừng nhận hàng may mặc của doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Phúc Minh).

Về xuất khẩu, theo ông, hơn 70% giá trị xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Sự lớn mạnh của chủ thể này trong nền kinh tế sẽ ngày càng khoét sâu khoảng cách với doanh nghiệp nội, liệu có tạo thêm điều kiện thôn tính hay không. 

Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đỡ đầu khởi nghiệp lại tiếp tục có khả năng thâu tóm những đứa con mà họ rót vốn.

"Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang tạo điều kiện nền móng cho người khác xây nhà không phải không có lí bởi từ sản xuất, lưu thông đến phân phối thì trên bình diện nào cũng có sự lớn mạnh của FDI", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Lo ngại lợi nhuận chuyển sang nước ngoài

Nói tiếp về vấn đề trên, theo ông Nhân, giai đoạn 2009-2018, trung bình mỗi năm có 400 giao dịch với giá trị 48,8 tỉ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến 20/10, tổng số đăng kí giao dịch nước ngoài là 29 tỉ USD.

Điều này cho thấy xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp Việt vẫn đang âm thầm diễn ra.

Từ các phân tích trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng mối nguy là không tránh khỏi nguồn tài nguyên trong nước được khai thác nhưng phần lớn lợi nhuận lại được đưa về nước chính quốc. 

img6305-15622339913201598311701

Hàng may mặc tại Big C trước thông báo của doanh nghiệp này hầu hết là hàng Việt. (Ảnh: Phúc Minh).

Chỉ ra nguyên nhân, đại biểu cho rằng các doanh nghiệp Việt không chỉ gặp khó về vốn, mà khả năng tiếp cận tài chính lẫn đất đai của doanh nghiệp tư nhân hầu như không dễ. 

Báo cáo của Ban kinh tế trung ương cho thấy, tổng tỉ trọng tín dụng cho nhóm đối tượng này giảm từ 60% năm 2011 xuống còn 41% 2017, mặt khác tiếp cận với lãi suất vay cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Ngoài ra, ông cho rằng tăng giá điện tác động không ít doanh nghiệp, chắc chắn không phải là kì vọng kiến tạo của Chính phủ.

Theo đại biểu, đó là các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt dù lớn cũng phải đội nón ra đi, hay chỉ mới đơm một ít quả ngọt về kinh tế cũng buộc phải bán mình.

"Trong lúc nền kinh tế còn hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, liệu bán đi những doanh nghiệp trên có đảm bảo cho mục tiêu tư nhân là động lực của nền kinh tế hay không", đại biểu Nhân nói.

Ông cho rằng giải pháp cho vấn đề trên thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Quan trọng nhất, phải đặt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, song hành với Nghị quyết 50 về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao về chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Kết thúc chất vấn, đại biểu cho rằng Dạ Lan hơn 2 năm qua đang trầy trật trở lại thị trường nhưng chỉ với niềm tin rằng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ông Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề liệu Việt Nam có thể hùng cường được không khi dần bán thương hiệu, bán các trụ cột của nền kinh tế.