Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Thu nhập trung bình thấp, Việt Nam chưa thể hóa rồng hóa hổ

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng khoảng cách GDP trung bình của Việt Nam đang thua thế giới 8.400 USD năm 2018, khoảng cách này tăng qua các năm, là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam chưa hóa rồng, hóa hổ.

Tư nhân làm sân bay, cao tốc "nhanh hơn, tránh được tiêu cực"

Tại phiên thảo luận sáng 30/10, về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, nhiều đại biểu đã chất vấn về những bất cập trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với tình hình chung của thế giới.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn đang phát triển dưới dạng tiềm năng mà chưa thể bứt phá, trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. 

Thời gian qua, có một số quy định hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể hưởng thụ được nguồn ưu đãi, vì không thể tiếp cận được các quy định, văn bản này.

Nguyen_Nhu_So__Bac_Ninh_1

Đại biểu Nguyễn Như So đề xuất để tư nhân làm hạ tầng, sân bay, đường cao tốc. (Ảnh: Zing).

Ông cho rằng kinh tế tư nhân chính là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. 

Đại biểu Nguyễn Như So khẳng định cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường. 

"Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế cũng tăng lên. Hiện chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt", ông So cho biết.

Theo đại biểu, để làm được điều này, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, cần thúc đẩy cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Như So đề xuất cần thu hút kinh tế tư nhân, để tư nhân tham gia vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc. 

Đi kèm với đề xuất này, ông cũng nói thêm thực tế, khi có nguồn vốn tư nhân thì các dự án này cũng "hiệu quả, nhanh chóng hơn và tránh được hiện tượng tiêu cực".

Tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam vẫn chưa "hóa rồng, hóa hổ"

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, ổn định. Tuy nhiên thu nhập trung bình của người dân vẫn ở mức trung bình thấp, và ngày càng dãn rộng với thu nhập trung bình của các nước trên thế giới.

Đại biểu cho rằng chính điều này khiến kinh tế Việt Nam chưa thể "hóa rồng, hóa hổ".

Hoang Quang Ham - Phu Tho_Original

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng khoảng cách GDP trung bình của Việt Nam đang thua thế giới 8.400 USD năm 2018. (Ảnh: VGP).

Ông dẫn chứng cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD, thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. 

Đến năm 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD. Năm 2018, GDP Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

Đại biểu cho rằng tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã hơn 8.000 USD, tức gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm.

Cụ thể, năm 2017, khoảng cách là 8.300 USD, đến năm 2018 tăng lên thành 8.400 USD.

"Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào top đầu của khu vực và thế giới, nhưng đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù họ bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn", ông Hoàng Quang Hàm nói.

Vì vậy, đại biểu khẳng định: "Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ".

Đại biểu của tỉnh Phú Thọ cho rằng nếu không khắc phục được bất cập thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó, cần có sự đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. 

chọn
Đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển qua huyện Nam Trực sau 16 tháng thi công
Tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển đang xây dựng qua huyện Nam Trực thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Hồng Quang, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Thanh.