Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ACV đủ khả năng làm sân bay Long Thành

Trong khi các đại biểu băn khoăn về nguồn lực của ACV, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định doanh nghiệp này đủ tiền để làm sân bay Long Thành.

Thảo luận ở tổ chiều 24/10, bà Võ Thị Ánh Xuân – Bí thư Tỉnh uỷ An Giang nêu băn khoăn về nguồn vốn thực hiện, khi Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. 

Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỉ USD bên cạnh vốn đã có. Điều này, theo nhiều đại biểu, có thể khiến tăng nợ công trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết theo Luật Quản lí nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh. "Nếu vậy thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công", ông Thanh nói, và đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh với khoản vay của ACV để có cơ sở đánh giá đầy đủ phương án huy động vốn với nợ công.

Theo ông Dương Quốc Anh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong gần 4,2 tỉ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến doanh nghiệp này phải vay gần 2,63 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện nay việc huy động nguồn lực trong nước rất khó, nên phải tính đến vay quốc tế, "vậy thì năng lực của ACV thế nào, Chính phủ phải có bài toán cụ thể".

Ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM, cũng cho rằng với hơn 2,63 tỉ USD phải đi vay, trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp thì sẽ tính vào nợ công. 

"Tôi rất lo nợ xấu, đụng trần nợ công nếu Chính phủ bảo lãnh khoản vay này của ACV. Dự án này cần thiết phải làm, nhưng Chính phủ cần có giải trình chi tiết hơn để các đại biểu an tâm khi bấm nút", ông Quốc nói.

Nêu lí do chọn ACV đầu tư hạng mục chính sân bay Long Thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: "ACV có đủ khả năng thực hiện được dự án".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ACV đủ khả năng làm sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông Vận tải. (Ảnh: Võ Hải)

Ông Thể cho biết hiện ACV có 25.000 tỉ đồng tiền mặt đang sinh lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 gần 7.000 tỉ đồng, cùng với 3.000 tỉ khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay, thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỉ. 

Dự kiến đến 2025, tổng thu của công ty khoảng 50.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Thể nói ACV đã lập kế hoạch chi tiết nâng cấp một số nhà ga ở các cảng hàng không cả nước trong 5 năm tới hết 41.000 tỉ đồng. Như vậy, tính tổng các khoản thì dự kiến đến 2025, ACV sẽ có nguồn lực khoảng 37.000 tỉ đồng.

Với số vốn mà ACV dự kiến đi vay khoảng 2,6 tỉ USD, ông Thể thông tin Chính phủ đã làm việc với một số quỹ đầu tư nước ngoài, và các quỹ này sẵn sàng cho ACV vay với lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. 

"Họ thấy rằng đầu tư vào sân bay Long Thành là bền vững và thực tế cho thấy các cảng hàng không lớn không bao giờ lỗ", ông Thể phân tích.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, cho rằng có thể giải bài toán tài chính cho dự án bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo tính toán thì trần nợ công hiện nay cho phép việc này, "cần đến đâu phát hành đến đó".

Ngoài nghi ngại về năng lực huy động vốn triển khai dự án này, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp ngăn đầu cơ đất đai, sốt nóng bất động sản khu vực xung quanh dự án. 

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, nói mỗi lần có quy hoạch, triển khai dự án mới thì đầu cơ đất đai lại nổi lên. 

"Chưa xin chủ trương dự án, đất đai đã phức tạp", ông nói và đề nghị, để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, kinh phí đền bù cho dân phải được làm trước.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Kim lưu ý cần có giải pháp, làm sao để tiền đền bù đến tận tay người có đất chứ không để giới đầu cơ trục lợi. 

"Tôi đề nghị Chính phủ có quyết sách, không cho giao dịch tài sản đất vào thời điểm này và trong quá trình triển khai dự án để tránh đầu cơ đất đai", ông Kim nói.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỉ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỉ đồng.

Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lí nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lí bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.