Muốn mua lại ACV sau 3 năm cổ phần hoá như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, nhà nước phải chi hơn 8.000 tỉ đồng

Nhà nước phải bỏ ra hơn 8.000 tỉ đồng để mua lại hơn 100 triệu cổ phiếu do các cá nhân, tổ chức bên ngoài sở hữu, để đưa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quay lại trở thành doanh nghiệp nhà nước. Số tiền này cao gấp hơn 7 lần số thu vào từ đợt bán đấu giá cổ phần doanh nghiệp này vài năm trước.

Cổ phần hóa từ năm 2016, nhưng hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang kiến nghị Thủ tướng xem xét, mua lại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhằm tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không. 

Theo đề xuất của Bộ GTVT có phương án xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ tại ACV sau cổ phần hóa. Tại buổi họp báo Chính phủ định kì chiều 4/8/2019, lãnh đạo Bộ này cho biết nếu chủ trương được thông qua mới có phương án mua gom cổ phần. 

Cổ đông ngoài Nhà nước nắm bao nhiêu cổ phần tại ACV?

Báo cáo thường niên năm 2018 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố, cho biết cơ cấu cổ đông của ACV tính đến ngày 1/4/2019, chiếm tỉ lệ cao nhất là Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước, với 95,4% tỉ lệ sở hữu. 4,6% tỉ lệ sở hữu còn lại, tương ứng hơn 100 triệu cổ phần, là các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước.

Đáng chú ý, phần lớn cổ đông ngoài nhà nước tại ACV hiện đều là các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-05 lúc 14

Cổ đông là tổ chức, cá nhân nước ngoài tại ACV đang nắm gần 78,2 triệu cổ phần, tương đương 3,59%. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Cụ thể, cổ đông là tổ chức, cá nhân nước ngoài tại ACV đang nắm gần 78,2 triệu cổ phần, tương đương 3,59%. Trong đó, nhóm tổ chức nước ngoài nắm 3,56% tỉ lệ sở hữu, và nhóm cá nhân là người nước ngoài nắm 0,03% tỉ lệ sở hữu.

Nhóm cổ đông trong nước nắm 1,01% tỉ lệ sở hữu tại ACV. Trong đó, Công đoàn Tổng Công ty là 0,14% (3 triệu cổ phần), tổ chức trong nước là 0,08% (1,8 triệu cổ phần) và cá nhân trong nước là 0,79% tỉ lệ sở hữu (17,1 triệu cổ phần).

Trong số các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư vào ACV, có quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital). Đây là quỹ tham gia đợt IPO của ACV vào tháng 12/2015.

Theo báo cáo của quỹ này, tính đến cuối năm 2018, Dragon Capital VEIL có khoản đầu tư vào ACV với giá vốn 7,23 triệu USD, giá thị trường 43,8 triệu USD. Như vậy, so với giá vốn 9,5 triệu USD thống kê vào cuối năm 2017, quỹ đầu tư này đã thoái bớt vốn khỏi ACV 2,27 triệu USD.

Ngoài ra, còn có VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF - quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cũng tham gia mua cổ phần ACV. VOF đang nắm giữ khoảng 22 triệu cổ phiếu, trị giá gần 80 triệu USD.

Như vậy, 2 quỹ này đang nắm giữ khoảng 1/3 tổng lượng cổ phiếu ACV đang lưu hành tự do.

Nhà nước sẽ phải chi hơn 8.000 tỉ để mua lại ACV theo phương án Bộ GTVT đề xuất

Trên sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang giao dịch quanh mức 80.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tương ứng hơn 100 triệu cổ phiếu ACV đang lưu hành tự do trên thị trường, nếu mua gom theo phương án Bộ GTVT đề xuất, đưa ACV quay đầu trở thành doanh nghiệp quốc doanh, thì Chính phủ phải bỏ ra hơn 8.000 tỉ đồng.

acv_uuuj

ACV đang quản lí 21/22 cảng hàng không cả nước. (Ảnh: Thanh Niên).

Đáng chú ý, số tiền này cao gấp hơn 7 lần so với số tiền Nhà nước thu vào trong đợt bán đầu đấu giá cổ phần ACV 3 năm trước.

Cụ thể, cuối năm 2015, ACV lần đầu chào bán 77,88 triệu đơn vị cổ phần ra công chúng. Giá đấu thành công ở thời điểm đó trung bình chỉ 14.344 đồng/cổ phiếu. 

Tổng giá trị cổ phiếu bán được thời điểm đó chỉ 1.116 tỉ đồng. So với con số 8.000 tỉ để mua lại theo mức giá cổ phiếu hiện nay, thì Chính phủ phải bỏ ra gấp hơn 7 lần con số này.

Giá cổ phiếu ACV trên sàn UPCoM đã liên tục tăng thời gian qua. Trong khi chờ Thủ tướng quyết định, thị giá cổ phiếu ACV có thể sẽ tiếp tục theo đà đi lên, và số tiền nhà nước phải chi ra nếu mua lại cổ phiếu ACV sẽ lớn hơn con số 8.000 tỉ đồng tạm tính theo giá thị trường cổ phiếu ACV hiện nay.

Chưa tính lấy đâu ra 8.000 tỉ để mua lại ACV

Số tiền để mua lại hơn 100 triệu cổ phiếu ACV theo giá hiện hành lên đến hơn 8.000 tỉ đồng, tuy nhiên, theo thông tin cập nhật từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ vẫn chưa tính đến việc lấy tiền ở đâu để mua lại.

Tại buổi họp báo thường kì Chính phủ tháng chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay việc mua lại ACV chỉ mới là đề xuất của Bộ gửi lên Thủ tướng, và đang trong quá trình chờ duyệt, phải đến khi được duyệt thì mới tính đến phương thức, lộ trình mua lại cổ phần thế nào.

"Đây chỉ là một trong những đề xuất, nếu được thông qua đề án mới có lộ trình mua gom hay sử dụng vốn mua cổ phần từ đâu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng việc muốn Chính phủ mua lại ACV nhằm tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không trong nước. 

69306026_10214700666736986_5525394131163021312_n-crop

Mua lại ACV theo Bộ GTVT có thể thực hiện được các dự án liên quan lĩnh vực hàng không, bởi những khó khăn về cơ chế hiện nay. (Ảnh: VGP).

Đồng thời, việc này còn giúp ACV có thể thực hiện được các dự án liên quan lĩnh vực hàng không, bởi những khó khăn về cơ chế hiện nay.

Nguyên nhân là sau cổ phần hóa từ năm 2016, các khu bay như đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều thuộc tài sản Nhà nước, nên Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp.

Trong khi kinh phí Nhà nước eo hẹp không thể sửa chữa thì ACV "có tiền cũng không được đầu tư", do là tài sản Nhà nước vì vậy bất cập xảy ra, các khu vực này lại ngày càng hư hại nghiêm trọng.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao ACV quản lí, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lí, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025. 

Sau thời hạn trên, Bộ sẽ tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản, kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lí nhà nước về hàng không quản lí, sử dụng.