Chính phủ muốn chỉ định ACV làm sân bay Long Thành

Chính phủ đề xuất giao ACV đầu tư nhiều hạng mục sân bay Long thành nhưng các đại biểu nói từ trước đến nay Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu cho doanh nghiệp cụ thể.

Ngày 14/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Nội dung này dự kiến được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 38 trước khi trình ra Quốc hội vào họp tới.

Chính phủ muốn chỉ định ACV làm sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu.

Theo tờ trình của Chính phủ, cảng hàng không quốc tế Long Thành được xếp vào dự án quan trọng quốc gia, được xác định theo hình thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.

Đáng lưu ý, về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, Chính phủ đưa ra 4 hạng mục, công trình phụ trợ cùng đề xuất giao Tổng công ty quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Trong đó, ACV được đề xuất giao đầu tư 3/4 hạng mục.

Giải thích việc giao ACV thực hiện nhiều hạng mục quan trọng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đưa ra nhiều lý do khi Chính phủ đồng ý để ACV là đơn vị chủ lực đầu tư, khai thác sân bay Long Thành. Ông cũng khẳng định AVC có đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án.

Chính phủ muốn chỉ định ACV làm sân bay Long Thành - Ảnh 2.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng nếu giao ACV làm các hạng mục của sân bay Long Thành sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn. (Ảnh: Quochoi.vn).

“Tổ chức nào làm cũng được, tuy nhiên nếu ACV làm thì sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo sẽ tốt hơn. Chúng ta vẫn phải huy động vốn từ bên ngoài, nhưng việc huy động này sẽ được tính toán để đảm bảo quản lý, an toàn cho cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước”, ông Thể nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn việc Chính phủ đề nghị giao giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỉ USD cho ACV đầu tư các hạng mục chính.

“Đây là chỉ định thầu. Còn theo Luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội việc này hay không?”, ông Thanh nói .

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đặt vấn đề hiện AVC đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, rồi sắp tới đây là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không. "Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?", ông Thanh nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhắc lại theo quy định của Luật Đấu thầu thì dự án này thuộc diện đấu thầu. Trong trường hợp khác với luật thì phải báo cáo Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh từ trước tới nay Quốc hội chưa chỉ định thầu cho doanh nghiệp nào cả và đề nghị Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu chứ không xin Quốc hội chỉ định cụ thể một đơn vị cụ thể.

Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Văn Tiến cũng cho rằng cần cân nhắc.

“Quốc hội không chỉ định thầu mà chỉ cho chủ trương hoặc cơ chế để Chính phủ làm việc đó”, ông Tiến nhấn mạnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.