Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội tình trạng 3 ngân hàng 0 đồng và ngân hàng Đông Á, sở hữu chéo tại ACB

Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng 0 đồng và ngân hàng Đông Á thời gian qua đã chủ động tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thời gian qua. Ngoài việc đánh giá về tình hình xử lí nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo Quốc hội về các ngân hàng bị mua lại bắt buộc và Ngân hàng Đông Á.

NHNN báo cáo gì 3 ngân hàng 0 đồng và DongA Bank?

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và 3 ngân hàng thuộc diện bị mua lại bắt buộc "0 đồng" gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn Cầu (GPBank) xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại hoạt động của ngân hàng.

"Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết.

img7873-15708623984931360320241

Cổ đông không thông qua phương án chào bán cổ phần của DongA Bank tại đại hội bất thường hôm 12/10. (Ảnh: CTV).

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại OceanBank.

Đối với CBBank, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Với DongA Bank, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa diễn ra ngày 12/10, ngân hàng này đã lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phần bổ sung vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

"Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ của DongA Bank đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỉ đồng, Đông Á phải bổ sung vốn mới đáp ứng quy định của pháp luật", tờ trình lấy ý kiến cổ đông của DongA Bank cho biết.

Tuy nhiên, đại hội đã không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn. Ngân hàng này cũng cho biết sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước, để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật.

Còn trường hợp sở hữu chéo tại ACB

Báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sau thời gian xử lí tình trạng sở hữu chéo, tính đến cuối tháng 6/2019, đã ghi nhận những kết quả khả quan.

Theo đó, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục được hết, không còn cặp sở hữu chéo nào. Trong khi năm 2012, còn đến 7 cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp nhau.

Tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã giảm, đến tháng 6/2019 còn lại 1 Ngân hàng TMCP với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau. 

dtd_8221_tltq

Tỉ lệ sở hữu của ACB tại Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%. (Ảnh: Thanh Niên).

Đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty CP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu. Ngân hàng Nhà nước cho biết tỉ lệ sở hữu của ACB tại Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%.

Trước đó, ở thời điểm tháng 6/2012, có đến 56 cặp ngân hàng và doanh nghiệp sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau.

9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 1.009 cuộc thanh tra, kiểm tra và ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 920 cuộc thanh tra, kiểm tra. Từ đó đưa ra 6.603 kiến nghị, yêu cầu các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, sai phạm, ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt gần 12,5 tỉ đồng. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, sử dụng hiệu quả thông tin đánh giá tín nhiệm các tổ chức này. Đồng thời, áp dụng một số biện pháp xử lí đối với tổ chức, cá nhân nhằm kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động tại một số tổ chức tín dụng.

Xử lí gần 1 triệu tỉ đồng nợ xấu trong 7 năm

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lí được 968.890 tỉ đồng nợ xấu. 

Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lí là 629.200 tỉ đồng, chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lí, còn lại là bán nợ, gồm bán nợ cho Công ty Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tổ chức, cá nhân khác, chiếm 35,06%. 

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.

dnt_34373_ibfm

NHNN cho biết từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lí gần 1 triệu tỉ đồng nợ xấu. (Ảnh: Thanh Niên).

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lí và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018.

Về kết quả xử lí nợ xấu không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt theo Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước cho biết lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lí được 236.800 tỉ đồng.

Trong đó, xử lí nợ xấu nội bảng đạt 137.700 tỉ đồng, xử lí các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 47.970 tỉ đồng, xử lí các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.120 tỉ đồng. Đến cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng cũng đã sử dụng 123.890 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lí nợ xấu nội bảng.

Về kết quả mua bán, xử lí nợ xấu của VAMC, lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỉ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC từ 15/8/2017 đến 31/8/2019 đạt 77.043 tỉ đồng, bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 6/2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả này đến từ việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới, tự xử lí nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ…