Ai đang là chủ Ngân hàng Đông Á?

Nhóm những người có liên quan cựu Phó Chủ tịch Trần Phương Bình nắm 22,72% vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Ngoài ra, còn có nhiều cổ đông tổ chức khác như công ty kinh doanh nhà Phú Nhuận, khách sạn Kỳ Hòa, và cả vốn góp của nhà nước là Văn phòng Thành ủy TP HCM.

Kể từ lần đại hội cuối cùng năm 2015, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 vào ngày 12/10 tại TP HCM. Nội dung chính sẽ trình đại hội lần này của DongABank là chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, bù vào số lỗ lũy kế hàng chục tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

Như vậy, sau 4 năm kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, đây là kì đại hội bất thường mới nhất của DongA Bank.

Theo quy định, kể từ khi vào diện kiểm soát đặc biệt, toàn bộ cổ đông của ngân hàng này không được chuyển nhượng cổ phần. Vậy hiện cơ cấu cổ đông của nhà băng này hiện ra sao?

Nhóm gia đình ông Trần Phương Bình nắm 22,72% cổ phần tại DongABank

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian bị kiểm soát, chỉ những trường hợp đặc biệt thì cơ quan này mới xem xét cho cổ đông chuyển nhượng cổ phần DongABank, trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.

dongabank_tp_smnn

Sau 4 năm kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, kì đại hội ngày 12/10 sắp tới sẽ là kì đại hội bất thường mới nhất của DongA Bank. (Ảnh: DAB).

Vì vậy, kể từ tháng 8/2015 đến nay, toàn bộ cổ đông của ngân hàng này không được chuyển nhượng cổ phần.

Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng TMCP Đông Á khá đa dạng, gồm cả vốn góp của Nhà nước là Văn phòng Thành Ủy TP HCM và nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan.

Trong nhóm các cổ đông cá nhân, bổi bật là cổ đông liên quan đến cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đông Á - ông Trần Phương Bình.

Cụ thể, ông Bình và vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT PNJ), cùng 3 người con gái là Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần.

Ngoài ra, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch HĐQT, cũng đang là cổ đông lớn của DongA Bank, với tỉ lệ nắm giữ 7,7%.

Một người em gái của bà Dung là bà Cao Thị Ngọc Hồng - đại diện pháp luật của Công ty CP Vốn An Bình, đang nắm 5,4% cổ phần tại DongA Bank. 

Như vậy, chỉ riêng nhóm những người nhà của ông Trần Phương Bình đã nắm tổng cộng khoảng 22,72% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

UBND TP HCM đang nắm 6,87% cổ phần tại DongA Bank

Ngoài nhóm cổ đông liên quan nguyên Phó Chủ tịch Trần Phương Bình, còn có nhiều cổ đông tổ chức khác tại Ngân hàng Đông Á. Đặc biệt, trong số cổ đông của nhà băng này còn có sự góp vốn của Thành ủy TP HCM.

Tại thời điểm tháng 8/2015, Thành ủy TP HCM nắm hơn 34,3 triệu cổ phần, tương ứng 6,87% vốn của DongABank. Giai đoạn từ năm 2010 đến trước thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, người đại diện phần vốn góp của Thành ủy TP HCM tại ngân hàng này là ông Phạm Văn Bự và ông Nguyễn Quốc Hùng.

Cơ cấu cổ đông DongA Bank

Gia đình ông Trần Phương Bình đang nắm 15,02% cổ phần tại DongA Bank, nếu tính luôn phần PNJ do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch thì lên đến 22,72%. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Hai doanh nghiệp quen thuộc khác có cổ phần tại DongA Bank là Công ty TNHH MTV Xây dựng kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa. Tỉ lệ vốn góp của hai doanh nghiệp này tại DongA Bank lần lượt là 2,14% và 3,78%.

Ngoài ra, Công ty CP Xây dựng 79 có trụ sở tại Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khách sạn, nhà hàng… đang là cổ đông lớn, nắm 10% vốn của DongABank.

Hơn 50% cổ phần còn lại tại Ngân hàng TMCP Đông Á thuộc về các cổ đông khác.

Trong các báo cáo tình hình quản trị gần đây, Ngân hàng TMCP Đông Á không báo cáo chi tiết, cụ thể về cơ cấu cổ đông của nhà băng.

Trong thông báo chốt danh sách cổ đông dự ĐHĐCĐ diễn ra ngày 12/10 tới, Ngân hàng Đông Á cho biết tính đến nay, vốn điều lệ của nhà băng là 5.000 tỉ đồng, tương đương 500 triệu cổ phần.

HĐQT ngân hàng hiện tại gồm 5 người, là Chủ tịch HĐQT Võ Minh Tuấn cùng 4 thành viên, là các ông Trần Văn Đình, Nguyễn Đình Trường, Huỳnh Phương, Nguyễn Thanh Tùng. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng đang giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á. 

Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ chào bán cổ phần để bù vào nguồn vốn đang âm 

Năm 2016, ông Trần Phương Bình bị bắt vì liên quan Phan Văn Anh Vũ trong vụ án làm thất thoát hơn 3.600 tỉ đồng của Ngân hàng Đông Á.

Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lỗ lũy kế, vốn chủ sở hữu âm.

Chuẩn bị cho đại hội bất thường sắp diễn ra, HĐQT DongA Bank đã có tờ trình về phương án chào bán cổ phần, để bổ sung vốn điều lệ cho nhà băng. 

Giải thích thêm về việc phải bổ sung vốn điều lệ, lãnh đạo Đông Á cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ban kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính, và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của Đông Á tại thời điểm 31/12/2018.

Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đã kết luận kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

"Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ của DongABank đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỉ đồng, Đông Á phải bổ sung vốn mới đáp ứng quy định của pháp luật", tờ trình của DongA Bank nêu rõ.

Ngân hàng này chọn hình thức phát hành là chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán đủ số lượng cổ phần, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định. 

Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần. Số cổ phần này sẽ được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng tài chính tài để Đông Á tăng cường năng lực cạnh tranh.