Những cái nhất của Ngân hàng Đông Á: Giữ kỉ lục bán vàng qua ATM khiến ‘đối thủ’ trầm trồ

Năm 2010, DongA Bank gây bất ngờ lớn khi đưa vào vận hành máy ATM bán vàng miếng đầu tiên. Ngân hàng này còn cho ra đời cây ATM di động đầu tiên giải quyết nhu cầu rút tiền tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc kinh doanh kém hiệu quả của Ngân hàng TMCP Đông Á kể từ khi nhà băng này bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015. Trước đó, đây là một nhà băng rất nổi thị trường, luôn khiến khách hàng trầm trồ về sự đổi mới, ứng dụng công nghệ với hàng loạt dịch vụ mới lạ, hiện đại.

DongA Bank vừa thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 vào ngày 12/10 tại TP HCM, để bàn việc tăng vốn điều lệ, sau thời gian dài bị kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng Đông Á - một thời tiên phong cải cách số

DSC_4346 (3)

Chiếc thẻ đa năng của DongA Bank từng làm mưa làm gió trên thị trường. (Ảnh: DongA Bank).

Chính thức thành lập và đi vào hoạt động năm 1992, Ngân hàng TMCP Đông Á thời điểm đó có vốn điều lệ 20 tỉ đồng và 3 phòng ban nghiệp vụ.

Chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường, DongA Bank đã trở thành một cái tên nổi trội trong việc cải tiến, ứng dụng công nghệ vào hoạt động tài chính ngân hàng nhằm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.

Ban lãnh đạo DongA Bank đặc biệt lưu ý việc ứng dụng công nghệ, điều này được thể hiện rõ trong các báo cáo thường niên, khi dành hẳn một nội dung lớn nói về cải tiến công nghệ.

Giai đoạn 2003-2007, tức sau 10 năm có mặt trên thị trường, ngân hàng này đã có 2 triệu khách hàng sử dụng thẻ đa năng chỉ trong 4 năm phát hành. Với tốc độ khoảng nửa triệu khách hàng sử dụng thẻ đa năng mỗi năm, nhà băng này đã trở thành ngân hàng TMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam. 

"Làn gió mới" mà DongA Bank mang lại cho thị trường tài chính giai đoạn này là triển khai hệ thống ATM và dịch vụ thanh toán tiền điện tự động qua ATM. Đây được xem là một tiện ích mới lạ ở thời điểm đó mà hiếm có ngân hàng nào triển khai thực hiện.

DongA Bank còn thành lập hệ thống Vietnam Bankcard (VNBC) kết nối hệ thống thẻ giữa các ngân hàng, kết nối thành công với tập đoàn China Union Pay (Trung Quốc).

Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên phát triển 2 kênh giao dịch mới là ngân hàng tự động và ngân hàng điện tử, thành công với dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống. Với hoạt động ngân hàng, đây được xem là mô hình hiện đại nhằm kiểm soát được hoạt động tốt hơn, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.

Kỉ lục bán vàng miếng qua ATM

donga da sua

Chiếc máy ATM bán vàng tự động của DongA Bank ra mắt năm 2010. (Ảnh: DongABank).

Không chỉ thường xuyên thay đổi công nghệ, Ngân hàng TMCP Đông Á từng đình đám và gây được tiếng vang vào đầu những năm 2010, khi giữ hàng loạt kỉ lục về các dòng máy ATM.

Cuối năm 2010, một sự kiện đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng xuất hiện, khi DongA Bank ra mắt cây ATM "bán vàng miếng". Cây ATM này nặng 750 kg có màu vàng đặc trưng đặt tại trung tâm TP HCM.

Ngoài những tính năng hiện có của máy ATM, sự khác biệt và nổi trội của Gold ATM chính là tính năng bán vàng qua máy. Khách hàng có thể đáp ứng giao dịch mua miếng vàng 1 chỉ cho một lần giao dịch, và không giới hạn số lần mua trong ngày. 

Khi đưa thẻ vào máy để tiến hành giao dịch, khách hàng chọn giao dịch mua vàng, ngay lập tức máy sẽ báo tỉ giá bán tương ứng. Tỉ giá này được cập nhật trực tiếp và tức thời tại thời điểm thực hiện giao dịch. Sau khi khách hàng bấm nút chấp nhận mua thì máy sẽ đưa vàng ra khe "nơi nhận vàng".

Khách hàng có thể lấy hóa đơn giao dịch sau khi lấy vàng, và thực hiện các giao dịch khác kế tiếp.

Ngoài ra, sau khi mua vàng có thể in hóa đơn với thông tin chi tiết về loại vàng, xuất xứ, giá cả, ngày giờ giao dịch…

Ngoài kỉ lục về ATM bán vàng, Ngân hàng TMCP Đông Á còn giữ kỉ lục khi là ngân hàng đưa vào vận hành ATM lưu động đầu tiên. Hình thức này được cho là tiện ích, đặc biệt tại các khu vực không có nhiều cây ATM nhưng nhu cầu lớn như các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thậm chí, ngay từ những năm 2007, DongA Bank đã sở hữu hàng hoạt cây ATM cho phép gửi tiền mặt trực tiếp, với 100 tờ nhiều mệnh giá khác nhau trong 1 lần gửi. Mãi đến gần đây, mô hình này mới được nhiều ngân hàng áp dụng trong chiến dịch ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng.

f971b9b89496a43d275ba2f6a796b554_IMG-0215-JPG-9187-1423898713

DongA Bank cũng là ngân hàng giữ kỉ lục về việc cho ra đời cây ATM gửi tiền mặt. (Ảnh: DongA Bank).

Từ các cây ATM đặc biệt đặt tại trung tâm TP HCM đến ATM lưu động hỗ trợ khu vực vùng ven, DongA Bank tỏ ra là một ngân hàng hướng đến mọi đối tượng khách hàng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Tính đến năm 2014, nhà băng này sở hữu lượng khách hàng kỉ lục trong hệ thống ngân hàng TMCP với trên 7,5 triệu người, 240 điểm giao dịch 24h, cùng với 1.400 máy ATM và 1.500 máy POS. 

Trong khi đó, phải mất nhiều năm sau, các ngân hàng mới bắt đầu nhảy vào cuộc chiến số hoá, ứng dụng công nghệ vào hoạt động tài chính.

DongA Bank đang làm ăn ra sao?

Sở hữu lượng khách hàng kỉ lục và nổi tiếng khi dẫn đầu về cải cách công nghệ, tuy nhiên, kể từ khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 8/2015, hoạt động của nhà băng này hầu như chỉ được biết đến với vụ "lùm xùm" vụ nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đông Á - ông Trần Phương Bình, bị bắt vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ trong vụ án làm thất thoát hơn 3.600 tỉ đồng tại chính DongA Bank.

Cơ cấu cổ đông DongA Bank

Cơ cấu cổ đông DongA Bank trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát, ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh chỉ được cập nhật qua báo cáo bán niên, kết thúc năm của lãnh đạo ngân hàng.

Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỉ đồng, tăng 2.595 tỉ, tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm 2019.

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỉ đồng, tương ứng tăng 4,8% so đầu năm 2019. Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỉ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỉ, tương ứng tăng 40% so cùng kì.

Lợi nhuận từ các hoạt động kiều hối tiếp tục đạt kết quả cao làm góp phần đa dạng hóa nguồn thu của DongA Bank.

Trong báo cáo chuẩn bị cho ĐHĐCĐ sắp tới, lãnh đạo DongA Bank cho biết đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam sau khi đánh giá thực trạng tài chính tính đến ngày 31/12/2018, ngân hàng này đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

"Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ của DongABank đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỉ đồng, Đông Á phải bổ sung vốn mới đáp ứng quy định của pháp luật", tờ trình của DongA Bank nêu rõ.

Ngân hàng này chọn hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán đủ số lượng cổ phần, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định.