Vì sao Ngân hàng Đông Á họp đại hội đồng cổ đông bất thường?

Ngày 6/9/2019, trên trang web của mình Ngân hàng TMCP Đông Á bất ngờ thông báo chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Ngày chốt danh sách cổ đông là 26/9/2019. Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung và tài liệu đại hội sẽ được chuyển tới cổ đông có tên trong danh sách chốt và sẽ được đăng tải công khai trên trang web.
Vì sao Ngân hàng Đông Á họp đại hội đồng cổ đông bất thường? - Ảnh 1.

Đông Á bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 và đến nay tình trạng này vẫn được giữ nguyên. (Ảnh minh họa Thành Hoa).

Đây là lần đầu tiên trong bốn năm qua, kể từ khi một số lãnh đạo chủ chốt cũ của Đông Á bị khởi tố điều tra và xét xử tại tòa, ngân hàng này tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Khi biết thông báo trên không ít cổ đông của Đông Á băn khoăn về chương trình, nội dung đại hội sắp tới bởi cho đến nay vụ án xảy ra tại Đông Á các giai đoạn vẫn chưa xét xử xong và sẽ tiếp tục xét xử.

Âm vốn chủ sở hữu hàng chục nghìn tỉ đồng

Đông Á bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 và đến nay tình trạng này vẫn được giữ nguyên. Ngay sau khi tình trạng kiểm soát đặc biệt có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cử người đảm đương các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Đông Á.

Không giống như một số tổ chức tín dụng yếu kém khác được giao cho một số ngân hàng hàng đầu (có vốn nhà nước chi phối) hỗ trợ về quản trị, nhân lực, Đông Á trên thực tế suốt thời gian qua được điều hành bằng nguồn nhân lực do NHNN điều phối, phê duyệt.

Trao đổi với người viết bài này trong một lần phỏng vấn, đại diện NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết các ngân hàng tốt như Vietcombank, BIDV, VietinBank đang phải hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém khác, và họ không muốn nhận thêm trách nhiệm cáng đáng các trường hợp mới phát sinh. 

Ông cũng “bật mí” cơ quan quản lí cân nhắc các phương án tái cơ cấu khác nhau đối với Đông Á, để trình Chính phủ và đợi trả lời chính thức.

Tuy bị kiểm soát đặc biệt nhưng Đông Á không phải nhận tái cấp vốn của NHNN. Theo quy định về kiểm soát đặc biệt, Đông Á không được phát triển tín dụng mà chủ yếu tập trung vào xử lí nợ. 

Tháng 9 năm ngoái, trong một thông tin hiếm hoi đăng tải trên trang web, Đông Á thông báo trong năm 2017 và tám tháng đầu năm 2018 đã thu hồi được 9.100 tỉ đồng nợ xấu (cả gốc và lãi), bằng 53,3% kế hoạch xử lí nợ xấu của năm năm (2016-2020). Như vậy theo kế hoạch đến hết năm 2020 ngân hàng phải xử lý được tầm 17.100 tỉ đồng nợ xấu.

Trước đó, Đông Á cho biết trong giai đoạn từ tháng 8/2015 đến hết năm 2017 đã thu hồi được tổng cộng 12.100 tỉ đồng nợ xấu. Từ hai số liệu nói trên, khó bóc tách số nợ xấu mà ngân hàng này giải quyết trong năm 2018. Tuy nhiên, có thể khẳng định đến giữa năm nay nợ xấu mà Đông Á đã tháo gỡ nhiều hơn con số 12.100 tỉ đồng.

Cổ đông của Đông Á có lẽ là những người quan tâm đến tình hình hoạt động của ngân hàng này hơn cả. Cho đến tháng 4/2018 họ không thể biết chính xác thực trạng của ngân hàng như thế nào. Những người có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu cũng không thể thực hiện, vì theo quy định việc chuyển nhượng phải tạm ngưng trong thời gian kiểm soát đặc biệt. 

NHNN đã không dưới một lần khẳng định không để Đông Á phá sản và phá sản hiện chưa phải là cách thức thích hợp để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cổ phiếu, cổ phần của những người có liên quan đến vụ án xảy ra tại Đông Á cũng bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra.

Chỉ đến khi cơ quan cảnh sát điều tra hoàn tất kết luận và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát tối cao đề nghị truy tố những nhân vật trong vụ án, dư luận mới sáng tỏ. Theo kết luận điều tra, Đông Á đã lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

Chấp nhận tăng vốn hay chuyển giao bắt buộc?

Rõ ràng Đông Á đã không còn vốn chủ sở hữu, hay nói cách khác cổ phiếu của ngân hàng này không còn giá trị như cổ đông mong muốn, hoặc như khi họ bỏ tiền góp vốn vào ngân hàng. Giờ đây số nợ xấu đã xử lí được có thể làm bức tranh tài chính Đông Á bớt xấu đi, nhưng nó không thể làm thay đổi bản chất sự việc, là Đông Á không còn vốn.

 Để ngân hàng tiếp tục hoạt động, các cổ đông phải bỏ thêm vốn mới, ít nhất là 3.000 tỉ đồng theo quy định về vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại cổ phần.

NHNN đã không dưới một lần khẳng định không để Đông Á phá sản và phá sản hiện chưa phải là cách thức thích hợp để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Nhìn lại việc xử lý các ngân hàng cổ phần yếu kém gần đây, có thể thấy việc góp thêm vốn từ phía các cổ đông để tăng cho đủ vốn điều lệ nhiều khả năng sẽ là một nội dung được nêu ra tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Đông Á lần này. Như thường lệ có thể có hai kịch bản.

 Thứ nhất, nếu cổ đông Đông Á chấp thuận nộp thêm tiền để đủ vốn điều lệ, đại hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới, thông qua điều lệ (có thể sửa đổi, bổ sung). Tất nhiên, việc trước tiên là cổ đông phải góp thêm vốn và thời điểm góp vốn phải được ấn định cụ thể.

Trong trường hợp cổ đông không đồng ý tăng vốn, nộp thêm tiền, họ có thể mất quyền kiểm soát của cổ đông với ngân hàng do Đông Á đang âm vốn chủ sở hữu. Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và theo quy định về kiểm soát đặc biệt ngân hàng yếu kém, Nhà nước có thể quyết định cho phép một ngân hàng lành mạnh tiếp nhận quản lí điều hành hoặc chuyển giao bắt buộc cho một ngân hàng khác.

Theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20/11/2017, chuyển giao bắt buộc là một trong những phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. 

Cụ thể, luật chỉ rõ "chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, cổ đông, thành viên góp vốn của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần góp vốn cho bên nhận chuyển giao".

Vấn đề còn lại là liệu ngân hàng nào sẽ nhận chuyển giao bắt buộc Đông Á? Người viết bài này đã tham khảo ý kiến của cả bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh và đều nhận được trả lời rằng họ không nhận được bất kì đề nghị nào tham gia tái cơ cấu Đông Á từ phía cơ quan quản lí.

 Như vậy bên nhận chuyển giao Đông Á có thể là một ngân hàng cổ phần. Ngân hàng nào? Câu trả lời xin dành đến cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Đông Á.

Nhìn lại việc xử lí các ngân hàng cổ phần yếu kém gần đây, có thể thấy việc góp thêm vốn từ phía các cổ đông để tăng cho đủ vốn điều lệ nhiều khả năng sẽ là một nội dung được nêu ra tại ĐHĐCĐ bất thường của Đông Á lần này. Nếu cổ đông chấp thuận nộp thêm tiền để đủ vốn điều lệ, đại hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới, thông qua điều lệ.

Trong trường hợp cổ đông không đồng ý tăng vốn, nộp thêm tiền, họ có thể mất quyền kiểm soát với ngân hàng, do Đông Á đang âm vốn chủ sở hữu.



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.