Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa có thông tin về tình hình hoạt động, đặc biệt là việc thu hồi nợ xấu của ngân hàng, sau 4 năm kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Lãnh đạo DongA Bank cho biết lũy kế thu hồi nợ xấu của nhà băng này từ ngày 13/8/2015, tức thời điểm bị NHNN kiểm soát đặc biệt đến cuối tháng 8/2019 đạt con số 17.036 tỉ đồng, trong đó gồm thu hồi nợ gốc là 13.416 tỉ và nợ lãi là 3.620 tỉ đồng.
Nếu tính riêng nợ xấu (gốc và lãi) trong 8 tháng đầu năm nay, DongA Bank đã thu được gần 2.100 tỉ đồng.
Ngân hàng Đông Á cho biết đã thu hồi được 17.036 tỉ đồng nợ xấu trong 4 năm kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á cho rằng kết quả này đóng góp rất lớn vào việc cải thiện tình hình, chất lượng hoạt động tại nhà băng.
Cũng theo lãnh đạo DongA Bank, ngân hàng vẫn đảm bảo được thanh khoản, hạn chế tối đa rủi ro ảnh hưởng an toàn hoạt động. Các tỉ lệ an toàn thanh khoản, khả năng chi trả tính đến cuối tháng 8/2019 luôn cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tỉ lệ dự trữ thanh khoản đạt 19,27%, tỉ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VNĐ 80,40% và tỉ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với ngoại tệ đạt 79,07%.
Riêng thu nhập dịch vụ tháng 8/2019 đạt 41,3 tỉ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019 đạt 329,3 tỉ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 8 tháng đầu năm 2019 cũng đạt 57,4 tỉ đồng.
DongA Bank cho biết 8 tháng đầu năm 2019 đã có được hơn 185.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mới. Huy động vốn đến cuối tháng 8 đạt 62.286 tỉ đồng, tăng 2,35% so với đầu năm. Tỉ trọng tiền gửi không kì hạn đạt 18,8%, giúp tối ưu hóa chi phí huy động vốn của ngân hàng.
Nguồn tiền gửi trung dài hạn đạt tỉ lệ gần 24%, giúp ngân hàng đảm bảo được nguồn vốn phát triển kinh doanh, đáp ứng tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Đặc biệt, dư nợ khách hàng cá nhân đã phục hồi trở lại và ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ, hiện chiếm tỉ trọng 43,5%.
Đây được xem là một trong những lần hiếm hoi Ngân hàng TMCP Đông Á công bố thông tin về hoạt động kinh doanh, kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 8/2015.
Theo quy định, trong khoản thời gian này, DongA Bank không được cho vay, chỉ tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu. Từ đó đến nay, ngân hàng cũng chưa công bố bất kì báo cáo tài chính nào.
Cuối tuần này, vào ngày 12/10, Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 tại TP HCM.
Nội dung đại hội xoay quanh các vấn đề công bố báo cáo đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của Ngân hàng Đông Á tại thời điểm cuối năm 2018.
Đồng thời, DongABank cũng sẽ công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giá trị thực vốn điều lệ, quỹ dự trữ và mức vốn cần được bổ sung, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định với ngân hàng này.
Cơ cấu cổ đông DongA Bank hiện nay. (Đồ hoạ: Quốc Minh).
Tại Đại hội, HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ có tờ trình về phương án chào bán cổ phần, để bổ sung vốn điều lệ cho nhà băng.
Lãnh đạo DongA Bank cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ban kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính, và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của Đông Á tại thời điểm 31/12/2018.
Kết quả là ngân hàng đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.
"Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ của DongABank đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỉ đồng, Đông Á phải bổ sung vốn mới đáp ứng quy định của pháp luật", tờ trình lấy ý kiến cổ đông của DongA Bank cho biết.
Theo đó, ngân hàng sẽ chào bán đủ số lượng cổ phần, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng tài chính tài chính của nhà băng.