4 năm bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Đông Á sẽ đại hội cổ đông vào 12/10, muốn bán cổ phần để tăng vốn

Ngân hàng Đông Á sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 12/10 tới. Nhà băng này muốn chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, vì đang lỗ, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

Sau 4 năm kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Đông Á vừa có thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Đại hội sẽ diễn ra ngày 12/10, tại TP HCM. 

Ngân hàng Đông Á muốn bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ 

Nội dung trình đại hội DongABank sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt xoay quanh các vấn đề công bố báo cáo đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của Ngân hàng Đông Á tại thời điểm cuối năm 2018.

nh-dong-a-1514348452587-1567781484626972714731

Ngân hàng TMCP Đông Á muốn bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ cho nhà băng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Đồng thời, Đông Á cũng sẽ công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giá trị thực vốn điều lệ, quỹ dự trữ và mức vốn cần được bổ sung, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định với ngân hàng này.

Tại Đại hội cổ đông bất thường lần này, HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ có tờ trình về phương án chào bán cổ phần, để bổ sung vốn điều lệ cho nhà băng. 

Giải thích thêm về việc phải bổ sung vốn điều lệ, lãnh đạo Đông Á cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Ban kiểm soát đặc biệt, ngân hàng đã thuê Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính, và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của Đông Á tại thời điểm 31/12/2018.

Kết quả là ngân hàng đang lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

"Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ của DongABank đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỉ đồng, Đông Á phải bổ sung vốn mới đáp ứng quy định của pháp luật", tờ trình của Đông Á nêu rõ.

Đông Á chỉ có thể phát hành cổ phần riêng lẻ

Căn cứ vào tình hình hoạt động hiện nay, nhà băng này cho biết chỉ có thể tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng, hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. 

donga-1439649401193

Lần tổ chức ĐHĐCĐ gần nhất của Ngân hàng Đông Á là tháng 7/2015. (Ảnh: NLĐ).

Tuy nhiên, do không đáp ứng được các điều kiện hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng kí chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng kí chào bán, nên Đông Á không thể phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Nhà băng này chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.

Theo đó, Ngân hàng Đông Á sẽ chào bán đủ số lượng cổ phần, để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần. 

Số cổ phần này sẽ được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng tài chính tài để Đông Á tăng cường năng lực cạnh tranh.

2013 là năm cuối cùng trước thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Đông Á phát hành báo cáo thường niên. Năm 2014, nhà băng này chỉ có báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, với dư nợ cuối năm đạt 50.897 tỉ đồng; huy động 77.417 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 27 tỉ đồng.

Năm 2015 đến nay, Ngân hàng Đông Á chưa công bố bất kì báo cáo tài chính nào. 

Từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 8/2015, toàn bộ cổ đông của ngân hàng này không được chuyển nhượng cổ phần.

Theo quy định, Đông Á cũng không được cho vay, chỉ tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu.

Năm 2016, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đông Á - ông Trần Phương Bình, bị bắt vì liên quan Phan Văn Anh Vũ trong vụ án làm thất thoát hơn 3.600 tỉ đồng của Ngân hàng Đông Á.

Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lỗ lũy kế, vốn chủ sở hữu âm.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.