Ngân hàng Đông Á làm gì với 29.000 tỉ vốn huy động mà không cho vay?

Năm 2012 thị trường bất động sản xuống đáy, nhà đất đóng băng. Cũng năm ấy, các ngân hàng thương mại vẫn báo lãi rần rần, nhiều hơn năm trước đó. Chỉ đến năm sau, năm 2013, “cơn bão” suy thoái vốn vần vũ đã vài năm ở bên ngoài mới thực sự ngấm đến ngân hàng.


Ngân hàng Đông Á làm gì với 29.000 tỉ vốn huy động mà không cho vay? - Ảnh 1.

Tái cơ cấu Đông Á hiện nay cần một cơ chế linh hoạt, thông thoáng và quản trị rủi ro chặt chẽ từ phía cơ quan quản lí. (Ảnh: TTXVN).

2013 cũng là năm cuối cùng trước khi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng TMCP Đông Á phát hành báo cáo thường niên dày 123 trang, với bìa là một chiếc thuyền buồm trắng trên nền trời và nước biển xanh, bên cạnh có dòng chữ “Vững tay chèo vượt sóng gió”. Đông Á chưa niêm yết, chứ nếu lên sàn rồi, hẳn cuốn báo cáo thường niên này sẽ ẵm giải về hình thức trình bày trong cuộc bình chọn báo cáo thường niên hàng năm của Hose.

Từ đấy Đông Á không phát hành báo cáo thường niên nữa. Năm 2014 chỉ có báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán mà công khai cho cổ đông vỏn vẹn bốn trang, với đầy những con số. Theo đó dư nợ cuối năm đạt 50.897 tỉ đồng; huy động 77.417 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 27 tỉ đồng.

Báo cáo này đến tận cuối tháng 5/2015 mới được công bố. Khi đó, một cổ đông cá nhân đã nhiều năm gắn bó với ngân hàng và đang sở hữu hàng triệu cổ phiếu quyết định bán ra. Ông không cắt lỗ, ông ráng vớt vát lấy phần nào số vốn còn lại, nhưng tìm mãi không ra người mua.

Thị trường OTC thời ấy rất khó giao dịch cổ phiếu ngân hàng nói chung, cổ phiếu Đông Á lại càng khó mua bán, dù giá đã dưới mệnh giá khá sâu. Hai tháng rưỡi sau, vào giữa tháng 8/2015, Đông Á bị kiểm soát đặc biệt. Ngay lập tức hội đồng quản trị thông báo “kể từ 13 giờ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần.

Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của ban kiểm soát đặc biệt”. Cho đến nay vị cổ đông kia vẫn nắm giữ cổ phiếu Đông Á.

Ông không phải là người duy nhất buộc phải “lãng quên” khoản đầu tư của mình. 

Các cổ đông tổ chức của Đông Á, theo báo cáo thường niên 2013, đến nay vẫn còn sở hữu cổ phiếu, gồm Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 6,87%; Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) 7,7%; Công ty cổ phần vốn An Bình 5,42%; Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kỳ Hòa 3,78% và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận 2,14%. Tổng cộng 25,91%.

Không ai dõi theo bước chân hoạt động của Đông Á từ ngày bị kiểm soát đặc biệt sát sao hơn cổ đông của ngân hàng này, vì đồng tiền góp vốn “đi liền khúc ruột”. Kể từ khi dàn lãnh đạo Đông Á được NHNN thay thế toàn bộ, những thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát làm việc tương đối minh bạch. Gần đây, trên trang web, Đông Á công bố thông tin hoạt động sáu tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, vốn huy động đạt 63.450 tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Lũy kế thu hồi nợ có vấn đề từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2019 được 16.350 tỉ đồng. Con số dư nợ không thấy đề cập.

Khi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, theo quy định, Đông Á không được cho vay, chỉ tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu. Nếu đối chiếu số dư tín dụng ngày 31/12/2014 và số nợ có vấn đề đã thu hồi tương ứng là 50.897 tỉ và 16.350 tỉ đồng, có khả năng dư nợ của ngân hàng còn đâu đó 34.500 tỉ đồng (làm tròn). 

Trong trường hợp số dư nợ này gần đúng, thì tỉ lệ dư nợ/huy động của Đông Á rất thấp (34.500 tỉ đồng/63.450 tỉ đồng).

Khoảng 29.000 tỉ đồng vốn huy động mà không cho vay của Đông Á để làm gì? Có thể để đảm bảo thanh khoản. 

Theo công bố của ngân hàng, “tỉ lệ chi trả của Đông Á luôn đáp ứng yêu cầu của NHNN. Tỉ lệ dự trữ thanh khoản là 20,78%; tỉ lệ khả năng chi trả ngoại tệ gần 78%; tỉ lệ khả năng chi trả tiền đồng 83,8%”.

Việc phải sử dụng một lượng vốn huy động cao, tới 45% tổng huy động, để đảm bảo khả năng chi trả, chứng tỏ Đông Á vẫn khó khăn và số lỗ lũy kế vẫn lớn. 

Hoạt động ngân hàng trông chờ vào hai nghiệp vụ chính: huy động và cho vay. Một khi hoạt động tín dụng bị ngưng, Đông Á chỉ còn nhìn vào thu nhập từ dịch vụ như kinh doanh ngoại hối, chi trả kiều hối... Thu nhập từ nguồn dịch vụ đơn thuần không thể nào bù đắp được chi phí huy động vốn để đảm bảo khả năng chi trả.

Tái cơ cấu Đông Á hiện nay cần một cơ chế linh hoạt, thông thoáng và quản trị rủi ro chặt chẽ từ phía cơ quan quản lí. Muốn thực hiện một cơ chế như vậy, đương nhiên, cổ đông ngân hàng phải có trách nhiệm. Vấn đề tăng vốn cho Đông Á là nội dung mà đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới có thể sẽ bàn.

Nếu cổ đông hiện hữu của Đông Á từ chối góp thêm vốn, quyền quyết định sẽ thuộc về NHNN, với trách nhiệm của cơ quan quản lí đảm bảo cho hệ thống hoạt động an toàn. Nhà nước không còn mua ngân hàng yếu kém. Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, Nhà nước có thể quyết định để Đông Á được chuyển giao bắt buộc cho một ngân hàng khỏe mạnh.

 Con đường tái cấu trúc Đông Á còn dài.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.