Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định Tết này sẽ không để thiếu thịt heo như Trung Quốc

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường khẳng định đến Tết sẽ không có tình trạng thiếu thịt heo như xảy ra ở Trung Quốc. Bộ đã tập trung thay đổi cơ cấu nguồn thịt thay thế thịt heo và tập trung tái đàn.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường hôm nay (6/11), nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về nguồn thực phẩm, đặc biệt là lo thiếu thịt heo vào dịp cuối năm, Tết đến, khi nhu cầu thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới, Bộ đã tính toán đến việc này ngay từ khi dịch tả heo châu Phi xảy ra vào  tháng 2.

nguyenxuancuong-1573001828070517819120

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới, không để xảy ra tình trạng thiếu thịt heo. (Ảnh: VGP).

Ngành nông nghiệp trong nước đã cơ cấu lại các sản phẩm của ngành chăn nuôi. Dự báo, nguồn cung thịt heo sẽ giảm vì dịch tả châu Phi, nên các vùng chăn nuôi đang gia tăng các loại thịt khác như thịt gà, đại gia súc như trâu, bò và thủy sản.

"Tăng cường sản xuất thực phẩm khác nhưng phải đảm bảo an toàn, không thể để xảy ra các loại dịch bệnh cùng bùng phát. Yêu cầu dứt khoát phải tổ chức sản xuất theo chuỗi", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

"Tư lệnh" ngành nông nghiệp cũng cho biết thêm 9 tháng đầu năm, sản lượng gia cầm tăng 12%, trứng gia cầm hiện đạt 13 tỉ trứng, thủy sản tăng 6,5%. Trong khi đó, gia súc do ảnh hưởng thời gian phát triển nhưng đàn gia súc cũng tăng 4%.

"Thời gian tới, dự báo thiếu thì bồi dưỡng tiếp cho đàn đại gia súc, đảm bảo sẽ cân đối, không để thiếu thịt heo như tại Trung Quốc", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Riêng việc tái đàn heo nhằm đảm bảo tình hình nguồn cung, Bộ trưởng cho biết cả nước vẫn còn giữ được 109.000 con giống cụ kị, đây là hạt nhân để phát triển đàn sắp tới.

Không để thừa mứa nguồn cung

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu cho biết hiện đã xuất hiện tình trạng thừa nguồn cung thịt gà, khiến giá gà trong nước xuống thấp, trong khi thịt gà nhập khẩu giá rẻ vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam. Các đại biểu đặt vấn đề, Bộ đã có tính trước đến việc này khi yêu cầu cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó có gia tăng đàn gà.

trai-ga-4read-only-1439077527-15723628074481211952064

Các đại biểu lo ngại tình trạng thừa mứa thịt gà do tăng đàn quá mức. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Bộ trưởng Nông nghiệp cho hay ngay từ đầu, Bộ khuyến khích các địa phương cơ cấu lại ngành chăn nuôi nhưng tuân thủ nguyên tắc tính toán việc sản phẩm bán ra ở đâu, có thị trường hay không.

Bộ trưởng thừa nhận hiện nhiều người chăn nuôi sau khi hết heo vì dịch tả đã tìm kế sinh nhai mới, bằng việc nuôi gà, nhưng bước đầu cũng có tình trạng nuôi nhưng lại khó bán.

"Nếp sống, văn hóa người Việt quen thịt heo thì không thể thay đổi ngay được", Bộ trưởng cho biết. Ông cho rằng song song phát triển đàn gà, thủy sản, gia súc thì Bộ đang khẩn trương thực hiện tái đàn heo, theo nguyên tắc chỉ cho phép doanh nghiệp đảm bảo an toàn sinh học.

Bộ trưởng cũng cho biết các địa phương phải tìm kế sinh nhai mới cho người dân, không nên quá tập trung vào nuôi gà hay các sản phẩm tương tự.

Theo ông, đơn cử khu vực Đông Anh (Hà Nội), cần nghiên cứu những phương án mới, đi đến phát triển nông nghiệp giá trị cao, nông nghiệp bền vững để phục vụ thủ đô. Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định đây mới xu thế nông nghiệp tại thủ đô Hà Nội. Ông yêu cầu nếu việc định hướng là khó thì chính quyền sẽ hỗ trợ.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.