Đã có 1 triệu người dùng, mạng xã hội Lotus sắp bùng nổ trong thời gian tới

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội thuần Việt Lotus hiện có 1 triệu người dùng thường xuyên. Con số này được xem là tạm đủ trong giai đoạn đầu, để công ty phát triển về nền tảng, trước khi bùng nổ trong thời gian tới.

Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông về việc quản lí các mạng xã hội nước ngoài, cũng như tình hình các mạng xã hội trong nước hiện hoạt động ra sao?

Lotus có bao nhiêu người dùng?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc hiện mạng xã hội Lotus đang có bao nhiêu người dùng, trong khi nhiều ý kiến cho rằng mạng xã hội này khó đăng kí sử dụng, nội dung nghèo nàn.

bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-nguyen-manh-hung-3-copy-15731739446131038393559

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện mạng xã hội Lotus có 1 triệu người dùng thường xuyên. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin hiện Lotus có khoảng 1 triệu người dùng thường xuyên. "Công ty phát triển mạng xã hội này cũng muốn tạm dừng tại đây", Bộ trưởng cho biết.

Theo ông, việc phát triển mạng xã hội Việt Nam trong thời gian đầu không thể nhanh được, con số 1 triệu người dùng thường xuyên được xem là tạm đủ để tạm dừng cho mục tiêu chấn chỉnh, khi đã thuận lợi hơn về nền tảng thì mới thực hiện  tiếp chiến dịch truyền thông mở rộng khách hàng.

"Khi nói chuyện với mạng xã hội này, tôi cũng cho rằng nên đi theo hướng trên, và định hướng có trên 5 triệu người dùng ổn định với trách nhiệm an toàn thông tin, hạ tầng kĩ thuật, cho các cơ quan cũng có thể dùng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phát triển mạng xã hội Việt nhưng không phải thay thế nước ngoài

Thông tin thêm về mạng xã hội của người Việt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đặt vấn đề phát triển hệ sinh thái số.

"Việt Nam cũng đặt ra muốn làm chủ mạng xã hội. Chúng ta không làm chủ không gian này thì khó nói mức độ làm chủ kinh tế số", ông Hùng khẳng định.

hung-15686905175491517394304

Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh phát triển mạng xã hội của người Việt nhưng chấp nhận mô hình nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: Lotus).

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có thuận lợi là có nhiều công ty công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm. Riêng mảng công nghệ phần mềm đứng top đầu thế giới.

Bộ trưởng cho biết thêm thời điểm ông nhậm chức tư lệnh ngành Thông tin và truyền thông, các mạng xã hội Việt Nam có gần 50 triệu tài khoản. Một năm sau tăng lên thành 65 triệu. Với tốc độ phát triển hiện nay, dự báo đến năm 2020 sẽ có 90 triệu người Việt dùng mạng xã hội Việt, tương đương mạng xã hội nước ngoài.

"Tại sao phải là con số tương đương vì chúng ta nghĩ gì, nói gì, mua gì, thậm chí yêu ai cũng nằm trên mạng xã hội. Não người Việt tập trung ở 1 nơi, nếu việc này được dùng cho quảng cáo thì nguy hiểm, nhất là với an ninh quốc gia", Bộ trưởng cho biết.

Vì vậy, theo ông, mỗi người cần sử dụng nhiều mạng xã hội để tạo sự phân tán, giữ an toàn cho các thông tin liên quan người Việt và an ninh quốc gia.

Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam đang sở hữu 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ với số lượng người dùng khoảng 1 triệu người/mạng.

"Vậy chúng ta có mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài không? Không. Mỗi một mạng xã hội có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau. Chúng ta là đất nước mở nên chúng ta kêu gọi mọi người vào Việt Nam làm ăn. Ai vào làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt, phát triển thịnh vượng thì phải xây dựng Việt Nam thịnh vượng chứ không phải làm cho Việt Nam lụn bại đi", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Facebook phải "nhập gia tùy tục"

Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam".

Theo Bộ trưởng, hiện có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, việc yêu cầu Facebook tuân thủ luật pháp Việt Nam cũng phải có lộ trình.

photo-1-15707054644581695749162

Theo Bộ trưởng TT&TT, các mạng xã hội nước ngoài phải "nhập gia tuỳ tục" khi vào Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông cho biết thêm khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai Luật An ninh mạng thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lí để quản lí mạng xã hội nước ngoài. 

"Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thống nhấn mạnh. Ông nêu quan điểm Việt Nam giữ chủ quyền trên không gian mạng.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng ngày càng có nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội nước ngoài, quan điểm của người đứng đầu ngành như thế nào?

"Nhiều mạng xã hội cho rằng họ là doanh nghiệp toàn cầu nên theo luật chơi toàn cầu. Cái đó không đúng, nhập gia tùy tục", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cho biết trong khi đó, các mạng xã hội Việt Nam đều có hệ thống, công cụ tự nhận diện thông tin xấu độc và loại bỏ luôn.

Bộ trưởng cũng cho rằng thông tin xấu độc có nhiều loại, thuộc nội dung nhiều ngành từ công thương đến y tế, cần có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan. Khi đã xác định thông tin xấu độc thuộc ngành mình thì yêu cầu trực tiếp với nhà mạng tháo gỡ hoặc nhờ sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.