Bộ trưởng Công Thương bị truy một loạt dự án điện chậm triển khai, nguy cơ thiếu điện ngay năm 2019

Ngoài buôn lậu, gian lận thương mại, lợi dụng Việt Nam làm bãi đáp hàng hoá trước khi xuất đi các nước, nghị trường Quốc hội 7/11 còn nóng câu chuyện thiếu điện và giải tỏa công suất điện mặt trời sắp tới.

Các đại biểu Quốc hội liên tục chất vấn người đứng đầu ngành công thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về các dự án điện chậm tiến độ, trong khi nguồn cung điện được dự báo sẽ thiếu hụt ngay trong năm 2019.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh liên tục bị truy về điện

Trong phiên chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang đối diện nguy cơ thiếu điện rất lớn vào năm 2019-2020, kéo dài tới 2022-2023. Dự báo tình hình thiếu điện xảy ra tại vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

tran-tuan-anh-15730256062331215464782

Các đại biểu cho rằng Bộ Công Thương đã không tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trước nguy cơ thiếu điện hiện nay. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân vì sao?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng dự án điện Long Phú 1 của Bộ Công Thương đã thất bại, nhiều khả năng rơi tiếp vào nhóm các dự án yếu kém. Ông đề nghị cần tập trung vào các dự án điện khác để đảm bảo nguồn điện cho người dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về sự chậm trễ của các dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã 2 lần báo cáo Chính phủ về bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực, báo cáo mới nhất cách đây cũng không lâu.

Ông giải thích thời gian triển khai còn phải chờ quyết định của Thủ tướng, và kì vọng đầu năm sau sẽ có quyết định chính thức.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã tranh luận về câu trả lời của Bộ trưởng. Các đại biểu cho rằng việc chậm trễ hiện nay là do Bộ Công Thương chưa tích cực giải quyết. 

Đại biểu Lê Thanh Vân: "Bộ Công Thương quản lí trực tiếp dự án điện, cho rằng dự án chậm tiến độ vì vướng Luật Quy hoạch. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… thì khẳng định các dự án này không vướng Luật Quy hoạch".

Ông Vân cho rằng đây là dự án được kì vọng thu hút các nhà đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi Quốc hội rất quan tâm phát triển khu vực này thì Bộ Công Thương lại không tích cực, quyết liệt trong triển khai.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa nghiêm túc tiếp thu và sẽ rà soát lại các dự án điện mà đại biểu và cử tri bức xúc.

Phó Thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện ngay trong năm nay

Giải trình thêm về vấn đề thiếu điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho rằng nếu không có biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ thì nguy cơ thiếu điện ngày những năm tới.

Theo Phó Thủ tướng, cơ cấu nguồn điện đã thay đổi rất nhanh thời gian qua, phải điều chỉnh quy hoạch.

Theo con số sơ bộ hiện nay, có khoảng 60 dự án điện đang đầu tư, trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa.

Phó Thủ tướng cho biết việc chậm trễ nhiều dự án điện với tổng công suất đến 39.000 MW, dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngay từ năm nay.

Hiện Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh quy hoạch nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện tái tạo không ô nhiễm môi trường, như điện mặt trời, điện gió.

Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ các dự án điện

Chốt phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định "tư lệnh" ngành công thương đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương phải đẩy nhanh tiến độ, xử lí tồn tại của các dự án điện trọng điểm.

5b91e70b7d4b9415cd5a

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ các dự án điện hiện nay. (Ảnh: VGP).

Theo đó, năm 2020 phải hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.

Bộ cũng đồng thời, rà soát, xử lí vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió. Huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện, nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Riêng các dự án trọng điểm như dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn, cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lí các tồn tại, phát sinh nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không được để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Về dự án Long Phú 1, theo trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trước Quốc hội:

Đây là dự án quan trọng trong tổng sơ đồ điện 7 và đặt tại tỉnh Sóc Trăng. Sự chậm trễ là do nhà thầu của Nga đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ, không cho phép tham gia thực hiện các hoạt động giao dịch quốc tế. Trong đó có những thanh toán sử dụng đồng USD, cũng như các hoạt động liên quan đến các nhà thầu phụ của Mỹ.

Suốt 2 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm ra giải pháp để giải quyết.

Đến nay, do bị Mỹ cấm vận nên năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện. Vì vậy, đang tính đến phương án có thể tiếp quản lại dự án và để cho đối tác khác thực hiện.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, PVN đang đàm phán với nhà thầu này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm hiện nay tổng thầu đã trình hồ sơ kiện ra Toà án quốc tế và trọng tài Singapore. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp, đảm bảo dự án vẫn tiếp tục được triển khai, đóng góp cho cân đối điện trong thời gian tới.

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, với tổng vốn hơn 29.500 tỉ đồng. Kế hoạch ban đầu là 45 tháng và 49 tháng lần lượt hoàn thành cho từng tổ máy, hoàn thành tổ máy 1 vào ngày 30/10/2018, và tổ máy 2 vào 29/2/2019. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ.

Theo PVN, dự án hiện mới hoàn thành 77,5% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính xuất phát từ phía nhà thầu Power Machines (PM - Nga) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhà thầu này (PM) từ 28/1/2018.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.