Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2018, Bộ Công Thương nói EVN chỉ lãi 4 đồng/kWh điện

Theo Bộ Công Thương, để sản xuất ra 1 kWh điện trong năm 2018, EVN tốn 1.727,41 đồng, giá bán ra hiện nay là 1.731 đồng. Như vậy, EVN chỉ lãi 4 đồng cho mỗi kWh điện.

Chi phí khâu phát điện tăng

Chiều 18/12, Bộ Công Thương tổ chức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284 tỉ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

DSC_3169 anh tuan

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết chi phí khâu phát điện tăng vì thiếu nước, giá than nhập khẩu, giá dầu và khí tăng cao. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Về cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng chi phí khâu phát điện gần 255.680 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng /kWh.

Chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng so với năm 2017. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân là do thiếu nước, lượng nước về các hồ chứa thuỷ điện thấp hơn năm 2017, nên sản lượng điện từ thủy điện năm nay thấp hơn.

Trong khi đó, giá than nhập khẩu, giá dầu và khí cũng tăng mạnh đẩy giá điện tăng cao. Cụ thể, giá than Coalfax và giá than NewCastle Index bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017, lần lượt là 20,42% và 21,34%.

Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3.

Thêm vào đó, tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỉ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỉ đồng.

Còn tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đồng/kWh.

Mỗi kWh điện, EVN chỉ lãi 4 đồng

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết con số doanh thu bán điện của EVN và kết quả sản xuất kinh doanh điện 2018.

Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN là 192,36 tỉ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 gần 333 tỉ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. 

Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Kết quả năm 2018, EVN lãi 698,701 tỉ đồng.

DSC_3198 tt vươngok

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết mỗi kWh điện, EVN chỉ lãi 4 đồng. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trong khi đó các khoản chi phí như tỉ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. 

Cụ thể, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên khoản chênh lệch tỉ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỉ đồng được treo lại, và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói năm 2018, để sản xuất ra 1 kWh điện, EVN tốn 1.727,41 đ/kWh. Giá bán ra hiện nay là 1.731 đ/kWh điện. Như vậy, EVN lãi 4 đồng/kWh điện. Trong khi đó, nếu sản xuất điện hoàn toàn bằng dầu thì sẽ tốn đến 31.000 đồng để sản xuất ra 1 kWh điện.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đang rất cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để không tác động đến giá điện trong thời gian tới, và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN", Thứ trưởng nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã kí Quyết định số 2668/QĐ-BCT về việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của EVN. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN ở cả 3 miền từ ngày 3/9-1/10 trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.

Giai đoạn 2021-2025 có thể thiếu điện 7-8 tỉ kWh điện

Bộ Công Thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…

điện

Giai đoạn 2021-2025 có thể thiếu điện 7-8 tỉ kWh điện. (Ảnh: EVN).

"Giai đoạn 2021-2025, chúng ta chắc chắn sẽ đối mặt với khó khăn, có những năm có thể thiếu lên đến 7-8 tỉ kWh điện", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước…

Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu.

Bộ cũng đã giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện. 

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiện liệu than bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.