Bộ Công Thương cam kết không thiếu điện trong năm 2020 nhưng vẫn phải chạy dầu giá cao

Theo phương án đã được Bộ Công Thương phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, nhiều khả năng tình hình cung cấp điện sẽ thiếu.

Tại buổi công bố bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiều 18/12, Bộ Công Thương cho biết đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020.

Dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỉ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.

Đủ điện cho năm 2020 nhưng vẫn phải huy động dầu giá cao

"Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết.

Tuy nhiên, Bộ cũng đưa ra đánh giá năm sau sẽ có nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ đưa vào vận hành.

DSC_3169 anh tuan

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỉ kWh.

Năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện turbine khí vẫn đóng vai trò quan trọng. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vận hành trong năm sau khoảng 4.300 MW, trong đó sẽ có khoảng gần 2.000 MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành, các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 10,868 tỉ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

Đáng chú ý, dù đảm bảo việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm sau, Bộ Công Thương lại cho rằng dự kiến phải huy động tới 3,397 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. 

Theo tính toán, riêng mùa khô năm sau dự kiến huy động tới 3,153 tỉ kWh từ nguồn điện chạy dầu, do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và turbine khí, bắt buộc lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm.

Giai đoạn 2021-2025 khả năng sẽ thiếu điện

"Giai đoạn 2021-2025, chúng ta chắc chắn sẽ đối mặt với khó khăn, có những năm có thể thiếu đến 7-8 tỉ kWh điện", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dự báo.

Theo Thứ trưởng, hiện mới chỉ có 4/19 dự án BOT điện đang vận hành, còn lại đều đang trong giai đoạn đàm phán, thi công và chậm tiến độ.

evn

Giai đoạn 2021-2025 có thể thiếu lên đến 7-8 tỉ kWh điện. (Ảnh: EVN).

Ông Vượng cho biết Bộ Công Thương đã báo cáo lên Chính phủ các giải pháp đồng bộ, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện quan trọng, cấp bách, sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, còn tích cực trao đổi điện năng với các nước trong khu vực, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu trong năm 2020.

Ngành điện sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước…

Bộ cũng đã giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện. 

Báo cáo Quốc hội vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được để thiếu điện, đảm bảo nguồn cung lẫn chất lượng điện cho người dân sử dụng lẫn các hoạt động sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh cơ quan nào, đơn vị nào không đảm bảo nguồn cung điện thì người đứng đầu "sẽ mất chức chứ không bình thường". Theo Thủ tướng, cần phải đảm bảo cơ cấu nguồn điện, xây dựng nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập.

Không cắt điện, làm mất điện trong dịp Noel, Tết Nguyên đán Canh Tí

Hôm qua (18/12), Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết đã chỉ đạo các đơn vị không cắt điện trong trong dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Theo đó, lễ Giáng sinh sẽ không cắt điện trong 2 ngày 24-25/12. Tết Dương lịch không cắt điện trong 2 ngày 31/12 và 1/1/2020.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tí, các công ty điện lực thành viên không được cắt điện, làm mất điện từ ngày 23/1-29/1/2020, tức từ ngày 29 Tết đến hết ngày mồng 5 Tết.

Tổng công ty Điện lực miền Trung yêu cầu các đơn vị chủ động làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt thời gian, địa điểm tổ chức các lễ hội, bố trí phương thức cấp điện hợp lí để vận hành an toàn, tin cậy nguồn, lưới điện trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố.

Ưu tiên bảo đảm điện tại các địa điểm quan trọng như trụ sở cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh, các cơ quan lãnh đạo trên địa bàn tỉnh, thành phố, các cơ quan phát thanh, truyền hình, các bệnh viện, cơ sở sản xuất nước sạch, các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa của các địa phương nhân dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tí 2020.

Đồng thời, bố trí máy phát điện diesel dự phòng, tái lập ca trực tại các trạm biến áp 110 kV không người trực nhằm bảo đảm điện tại các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa lớn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.