Đại biểu Quốc hội: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện để thấy rõ bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng không phải ngẫu nhiên mà EVN chọn thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, bởi đây là lúc thời tiết nắng nóng kéo dài. Ông và nhiều đại biểu khác cùng đề nghị sớm công bố thanh tra giá điện để giải đáp bức xúc của người dân.

Trong phiên làm việc sáng nay (ngày 30/5), thảo luận, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2019, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, "truy" các vấn đề về điều hành giá điện gây bức xúc dư luận thời gian qua.

"Không phải ngẫu nhiên lại tăng giá điện lúc chuyển mùa, tăng rồi đổ lỗi cho thời tiết"

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương dành nhiều thời gian chất vấn Quốc hội về việc giá điện bán lẻ tăng bình quân 8,36% từ ngày 20/3.

Theo ông Cương, thời gian qua, câu chuyện giá điện luôn tuân theo quy luật "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi". Người dân sẽ ủng hộ chủ trương về tăng giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, hợp lí và minh bạch thông tin. 

Đại biểu Quốc hội: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện để thấy rõ bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng không phải ngẫu nhiên EVN chọn thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt nghi vấn có hay không giá điện chỉ tăng bình quân 8,36% như EVN công bố, bởi thời gian qua, hoá đơn tiền điện của nhiều gia đình phải trả đều tăng mạnh.

"Không phải ngẫu nhiên mà EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, vì cứ tăng xong rồi đổ cho thời tiết là hợp lí nhất, đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói.

Ngoài ra, đại biểu này cũng quan ngại việc EVN so sánh giá điện Việt Nam thấp hơn các nước, bởi tiêu chí so sánh chỉ nằm ở giá đầu ra mà chưa tính đến đầu vào. Trong khi đó, EVN được nhà nước ưu đãi nhiều chính sách.

 Ngoài ra, thu nhập trung bình của người Việt cũng không cao bằng các nước mà EVN so sánh.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị sớm công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện, để cho thấy bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN.

Phải chăng bất cập đến từ độc quyền ngành điện?

Cùng bức xúc trước vấn đề tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng trước vấn đề này, Bộ Công Thương có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số, nhưng chung quy vẫn để lập luận, khẳng định rằng Bộ Công Thương làm đúng.

"Dù phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét. Nhiều khi lí thuyết là đúng những triển khai sai ở mắt xích nào đó, lúc này phải dừng lại suy xét không bảo thủ duy ý chí, che đậy sai lầm", ông Hiếu nói dưới góc độ một bác sĩ và là Giám đốc Bệnh viên Y Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện để thấy rõ bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục chỉ để khẳng định Bộ Công Thương làm đúng. (Ảnh: VGP).

Vì vậy, theo đại biểu Hiếu, khi có quá nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lí, giám sát và tuyên truyền thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn cho rằng phải chăng bất cập này đến từ việc độc quyền, khi ngành điện trong nước không có sự cạnh tranh trong việc truyền tải, mua bán điện.

Cùng quan điểm này, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận cho biết Chính phủ đã có báo cáo giải trình về việc tăng giá điện bán lẻ, và khẳng định việc tăng này là đúng quy trình.

Theo ông Hận, Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định, nhưng điều các đại biểu và cử tri quan tâm không phải là việc tăng giá điện đúng quy định hay quy trình.

"Việc tăng giá điện làm ảnh hưởng đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ", Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nói.

Đồng thời, ông Hận đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Điện tăng nhưng tiền lương không tăng

Đi kèm mối quan tâm về việc điều chỉnh giá điện bán lẻ, các đại biểu cho rằng việc tăng giá này khiến khả năng lạm phát xảy ra lớn hơn. Đây mới là vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Đại biểu Quốc hội: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện để thấy rõ bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN  - Ảnh 3.

Tiền điện tăng nhưng lương không tăng cũng là bất cập khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Thanh Niên)

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết việc tăng gía điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. 

Tuy nhiên theo ông Hận, bất cập ở chỗ trong khi tiền điện và chi phí sinh hoạt tăng thì tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức lại không thay đổi.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Yến, cho biết việc tăng giá điện cộng hưởng với thuế môi trường xăng dầu cũng tăng vào đầu năm, tác động chỉ số giá tiêu dùng và gây tác động đến giá các mặt hàng khác trên thị trường.

Bà Yến ủng hộ việc giá các mặt hàng tuân thủ theo quy luật thị trường nhưng việc chọn thời điểm tăng giá là rất quan trọng. Theo bà Yến, Chính phủ cần có những giải pháp để kềm chế lạm phát, nhất là sắp tới đây, mặt hàng thịt heo có thể giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Việc cung giảm, cầu tăng sẽ đẩy giá thịt heo tăng mạnh, nhất là thời điểm cuối năm.

Cùng mối quan tâm với các đại biểu khác, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận - bà Nguyễn Thị Phúc, cũng đề nghị tăng cường theo dõi thị trường, kiểm tra giá bán của các doanh nghiệp để tránh tình trạng "ăn theo" việc tăng giá điện vô tội vạ. 

"Tôi đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện. Việc tăng giá điện này có đúng quy định không, nếu sai thì xử lí thế nào", bà Phúc nói.

Thanh tra việc điều chỉnh giá điện trong 35 ngày 

Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Với việc tăng giá này, EVN cũng khẳng định với mức sử dụng điện từ 100-1.000 kWh, số tiền điện phải trả thêm cũng chỉ tăng từ 14.000-226.000 đồng.

Tuy nhiên, việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, khi hoá đơn điện tăng đột biến sau tăng giá. Nhiều hộ gia đình phản ánh tiền điện phải trả tăng gấp rưỡi, gấp đôi kể từ khi giá điện bán lẻ tăng 8,36%.

Đại biểu Quốc hội: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện để thấy rõ bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như EVN  - Ảnh 4.

EVN khẳng định với mức sử dụng điện từ 100-1.000 kWh, số tiền điện phải trả thêm cũng chỉ tăng từ 14.000-226.000 đồng. (Nguồn: EVN).

Báo cáo gửi Quốc hội giải trình về điều hành giá điện, Chính phủ khẳng định quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đó, việc điều chỉnh giá điện được khẳng định đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... 

Ngày 24/5, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). 

Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...