Số liệu trong báo cáo 6 tháng của Bộ Công Thương cho thấy mức giảm đáng kể của ngành dệt may do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong nửa đầu năm, sản lượng của ngành chỉ tăng 2,8%, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng nếu tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kì năm ngoái.
"Khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh vì hoãn, huỷ, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán", Bộ Công Thương giải thích.
Đơn hàng dệt may bị hoãn, huỷ trong tháng 5 và 6 chiếm đa số. Bộ Công thương nhận định ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn hàng trong tháng 5 và giá sản phẩm dệt may giảm khoảng 20%.
Một báo cáo trước đó của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng xác nhận khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và 80% giảm lực lượng lao động trong tháng 4 và tháng 5. Thực trạng khó khăn càng thể hiện rõ hơn từ cuối quí II, dự báo sẽ tiếp diễn trong quí III.
"Nhiều dấu hiệu mạnh cho thấy ngành dệt may toàn cầu – từ sản xuất tới quảng cáo và thiết kế thời trang – đang trên đà hướng tới thời kì giảm sâu do số lượng nhà bán lẻ hủy hoặc giảm đơn hàng tăng dần", Miran Ali, người phát ngôn của Mạng lưới Dệt may bền vững Khu vực Đông Á (STAR), phát biểu với Nikkei hồi tháng 5.
STAR là mạng lưới các hiệp hội dệt may thúc đẩy tính bền vững trong ngành dệt may. Thành viên của STAR là các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Việt Nam.
Ali nhận định rằng, ngay cả khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng, ngành dệt may và thời trang sẽ không thể tránh sự suy giảm gần 50% nhu cầu mua quần, áo.
Cơn bĩ cực của ngành dệt may là sự tích tụ của tình trạng sa sút trong chuỗi cung ứng quần, áo toàn cầu trong 4 tháng qua, bắt đầu với sự tắc nghẽn về nguyên liệu thô ở Trung Quốc hồi tháng 1 do lệnh phong tỏa của chính phủ, rồi phong trào tái đàm phán về thanh toán của các nhà bán lẻ, và làn sóng hủy đơn hàng quần, áo đột ngột từ giữa tháng 3, theo một báo cáo của Trung tâm Vì quyền lợi người lao động toàn cầu.
"Một số đơn hàng đã hoàn tất và người bán đã sẵn sàng vận chuyển, song người mua từ chối nhận hàng hoặc không thanh toán khi nhận hàng", báo cáo nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng 4, hơn một nửa nhà sản xuất dệt may trên thế giới vật lộn với tình trạng hủy đơn hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Những nước sản xuất dệt may lớn nhất – vốn đã hưởng lợi trong vài năm gần đây do các doanh nghiệp tìm nơi có chi phí lương thấp – đã chịu tổn thất kinh tế lớn nhất bởi dịch Covid-19.
Primark, chuỗi cửa hàng thời trang giá rẻ thuộc sở hữu của Associated British Foods, là một trong những thương hiệu bỏ mọi đơn hàng ở Bangladesh dù trước đó họ cam kết hỗ trợ thời trang bền vững và hành vi mua quần, áo có đạo đức.
Những nước sản xuất dệt may lớn như Bangladesh, Campuchia và Việt nam đã kêu gọi bên mua tôn trọng hợp đồng, trong bối cảnh các nhà máy dệt may ở một số nước Đông Nam Á vẫn đóng cửa.
"Mọi bên trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu đang cảm nhận gánh nặng cực lớn do đại dịch Covid-19 gây nên. Tuy nhiên, các nhà máy dệt may đang hoạt động với biên lợi nhuận cực thấp và khả năng chịu gánh nặng của họ cũng rất thấp so với khách hàng của họ. Hậu quả nghiêm trọng đang đè lên công nhân của chúng tôi, những người đang vật lộn để có thức ăn mỗi ngày", Hiệp hội Các nhà sản xuất dệt may Campuchia bình luận trong một thư ngỏ hồi tháng trước.