Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ mới sau cái bắt tay của 2 tỉ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang sẽ thế nào?

Tập đoàn hàng Tiêu dùng - bán lẻ với sự bắt tay hợp tác giữa 2 tỉ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang, sẽ là một công ty mới, gồm Masan Consumer chuyên về hàng tiêu dùng của Tập đoàn Masan và VinCommerce của Vingroup chuyên về bán lẻ.

Theo thông báo bất ngờ phát đi vào hôm qua, 2 công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup là Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) cùng Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) của Tập đoàn Masan, sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ.

Với lợi thế là công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thị trường sở hữu loạt thương hiệu quen thuộc trên bàn ăn của người Việt như Chinsu Foods, Nam Ngư, Vinacafe… và 26.000 siêu thị, cửa hàng VinMart, VinMart+, Vingroup và Masan muốn tạo ra Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Masan: "Tập đoàn mới sẽ vươn ra thế giới"

6-1479-15595413786831670231634-1566293641603810581350-2

Vingroup và Masan muốn tạo ra Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. (Ảnh: Phúc Minh).

CEO Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang, khẳng định bản chất của thương vụ là Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Tuy nhiên, do nắm tỉ lệ cổ phần ít hơn nên Vingroup sẽ là cổ đông và Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động tại công ty mới.

Trong khi đó, theo ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Consumer: "Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan, mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới".

Tham vọng của Masan Consumer là tận dụng kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, để tiếp tục phát triển, nhất là khi có thêm sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống bán lẻ với số lượng điểm kinh doanh lớn nhất thị trường hiện nay của Vingroup.

Hiện Masan Consumer là một doanh nghiệp chuyên về hàng tiêu dùng lớn nhất thị trường, gồm đầy đủ các ngành hàng từ thực phẩm tiện lợi, từ mì gói đến gia vị, nước chấm, cà phê, đồ uống đóng chai, thịt chế biến…

Khởi nghiệp tại Đông Âu với mì gói và từng rất thành công, nhưng khi về Việt Nam, năm 2002, tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đã chọn nước tương là sản phẩm mở đường. Một năm sau đó, ông cho ra mắt nước mắm, và đến năm 2007, thương hiệu mì gói đầu tiên mang tên Omachi đánh vào "nỗi lo" sợ nóng của người tiêu dùng mới được ra mắt.

Chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường, hệ sinh thái hàng tiêu dùng của Masan đã nhanh chóng được mở rộng, và luôn có thành công vang dội. Những thương hiệu quen thuộc của Masan Consumer đến thời điểm này vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng là nước tương, nước mắm, tương ớt cùng mang thương hiệu Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mì Omachi…

"Đánh chiếm" những mặt hàng cơ bản nhất của ngành hàng tiêu dùng, Masan nhanh chóng mở rộng ra nhóm sản phẩm khác, "tuyên chiến" với những doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp ngoại như ngành hàng cà phê với các nhãn hiệu Vinacafe, Phinn, Wake-up, đồ uống đóng chai hay thịt chế biến. 

Masan Consumer ở đâu trong ngành hàng tiêu dùng?

masan-cons-15560440596721789652605

Kết quả kinh doanh của Masan Consumer vài năm qua. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nếu như trước năm 2007, các sản phẩm kinh doanh của Masan Consumer khá đơn giản với doanh thu dưới 500 tỉ đồng thì các năm sau đó là giai đoạn phát triển thần tốc của doanh nghiệp này.

Nhìn vào kết quả kinh doanh những năm gần đây của Masan Consumer có thể thấy được điều đó. Năm 2015, doanh thu của công ty hàng tiêu dùng này lên đến 13.212 tỉ đồng, tăng gấp hơn 26 lần so với 10 năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng từ việc bán mì gói, nước tương, nước mắm… của Masan Consumer rất cao, chiếm gần 22% doanh thu, đạt đến 2.901 tỉ đồng.

2 năm tiếp theo, giai đoạn 2016-2017, doanh thu của Masan Consumer chỉ tăng nhẹ, trong khi lợi nhuận có xu hướng giảm, song con số vẫn rất ấn tượng, trên 2.000 tỉ đồng.

2018 là năm công ty chuyên về hàng tiêu dùng của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang tăng trưởng mạnh trở lại, với doanh thu và lợi nhuận đều vượt trội. Doanh thu năm này đạt 17.006 tỉ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế gần 3.400 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kì. 

Hầu hết mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, mảng gia vị và mì ăn liền chiếm gần 70% doanh thu.

Phân tích kết quả kinh doanh cho thấy, thực phẩm tiện lợi, chủ yếu là mì ăn liền, đem đến cho Masan Consumer 4.636 tỉ đồng, chiếm hơn 27% cơ cấu doanh thu. Theo thống kê của Nielsen,  Masan giữ vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền trong năm 2018. 

Mảng gia vị, năm 2018 Masan Consumer cũng tiếp tục dẫn đầu ngành nước mắm, nước tương và tương ớt. Doanh thu thuần của nhóm này tăng 35% so với năm 2017, đạt 6.958 tỉ đồng, đóng góp gần 41% cơ cấu doanh của Masan Consumer.

masan-3-15560460669261714162299

Mảng gia vị và mì ăn liền chiếm gần 70% cơ cấu doanh thu Masan Consumer năm 2018. (Đồ họa: Phúc Minh).

Ngành hàng cà phê, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần là 1.708 tỉ đồng, tăng 11%, đồ uống đóng chai và thịt chế biến lần lượt đóng góp 1.947 tỉ và 210 tỉ đồng.

Tại báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Masan Consumer Trương Công Thắng cho rằng thành công này đến từ việc tái cấu trúc cuối năm 2017, bắt đầu chuyển từ mô hình kinh doanh "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu".

Năm 2018, Masan Consumer có đến 8 thương hiệu đạt doanh thu trên 500 tỉ đồng, là Chinsu Foods, Vinacafe, nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư, Wake-up 247, Wake-up Café, mì Kokomi và mì Omachi. 

Bloomberg từng dẫn nghiên cứu của Kantar, ước tính khoảng 95% các hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan. Đây được xem là thành công của Masan, và là một trong những lí do giúp ông Nguyễn Đăng Quang ghi tên vào danh sách những tỉ phú USD thế giới của Forbes vào đầu năm 2019.

9 tháng năm nay, Masan Consumer ghi nhận 12.589 tỉ đồng doanh thu, tăng 5,7% so với cùng kì năm ngoái. Doanh nghiệp dự kiến doanh thu 3 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trên 2 chữ số.

Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ lớn nhất Việt Nam sẽ như thế nào?

Trong khi Masan Consumer có lợi thế là công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, thì Vincomerce của Vingroup lại là doanh nghiệp bán lẻ có hệ thống lớn nhất Việt Nam. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-03 lúc 11

Số lượng điểm bán lẻ của Vingroup kể từ khi có mặt trên thị trường. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Sau 5 năm có mặt trên thị trường, hiện tổng điểm kinh doanh bán lẻ của Vingroup, thuộc 2 thương hiệu VinMart theo mô hình siêu thị và VinMart+ theo mô hình cửa hàng tiện lợi, đã đạt con số khoảng 2.600 điểm kinh doanh, bỏ xa những đối thủ lớn còn lại. 

Ngoài phát triển điểm bán, Vincomerce cũng là doanh nghiệp bắt kịp nhiều thay đổi về công nghệ, trải nghiệm mua sắm hiện đại với các mô hình siêu thị ảo, Scan&Go. 

Đáng chú ý, hiện hầu hết các sản phẩm của Masan Consumer đều có trên các kệ hàng thuộc hệ thống bán lẻ của Vingroup. Vì vậy, với cái bắt tay này, cái lợi đầu tiên của Masan là phân phối sản sản của mình mà không phải đầu tư, xây dựng hệ thống.

Theo Bloomberg, thoả thuận này sẽ tối đa hoá năng lực cốt lõi của mỗi bên, để phát triển một doanh nghiệp mới, thúc đẩy việc hình thành một doanh nghiệp bán lẻ do người Việt làm chủ sánh ngang tầm khu vực.

masan4-1556046507385269708550

Các sản phẩm của Masan Consumer hiện nay. (Ảnh: MCH).

Thoả thuận cũng cho phép Masan nhanh chóng trở thành tập đoàn bán lẻ và tiêu dùng nội địa hàng đầu Việt Nam. Masan còn có thể tận dụng mạng lưới rộng lớn của Vingroup trên toàn quốc, như một kênh phân phối cho công ty thịt tươi của mình.

Việc sáp nhập sẽ giúp Masan tăng tốc trong thị trường thịt ước tính trị giá 10 tỉ USD tại Việt Nam, nhờ các kênh phân phối có sẵn mà không phải phát triển lại từ đầu.

Do đó, việc bắt tay với Vingroup để thâu tóm hơn 2.600 điểm bán lẻ và 14 trang trại sẽ giúp Masan tiến gần hơn với mục tiêu đặt ra.

Hiện cả Vingroup và Masan chưa công bố chi tiết về thoả thuận này. Hai bên cho biết các thủ tục pháp lí vẫn đang được tiến hành."Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt", ông Trương Công Thắng nói.